Giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên quay đầu giảm xuống 35,8-36,5 triệu đồng/tấn. Giá Robusta sàn ICE Futures Europe London và giá Arabica sàn New York đồng loạt giảm.
Làm gạo giỏi như Campuchia
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Trong khi gạo Việt Nam chỉ tập trung ở những nước thu nhập trung bình và thấp, gạo Campuchia đã tiến sang những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Số liệu từ Văn phòng Thư ký dịch vụ một cửa về xuất khẩu gạo Campuchia cho biết, 7 tháng đầu năm nay, Campuchia xuất khẩu được 312.300 tấn gạo. So về con số tuyệt đối thì sản lượng xuất khẩu gạo của Campuchia chỉ bằng 1/10 của Việt Nam. Nhưng xét về mức độ tăng trưởng, xuất khẩu gạo của Campuchia đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam lại giảm.
Campuchia đi sau Việt Nam rất xa trong xuất khẩu gạo. Nếu như Việt Nam đã tham gia cuộc chơi này từ hơn 20 năm trước, thì Campuchia chỉ mới bắt đầu khoảng 5 năm trở lại. Dù vậy, gạo Campuchia đã xuất sang 53 quốc gia trên thế giới, còn gạo Việt Nam vẫn quanh quẩn với 10 thị trường chính.
Thực tế, gạo Việt Nam chỉ tập trung ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp thuộc châu Á, châu Phi. Gạo Campuchia hiện đã bán sang những thị trường khó tính như Mỹ, các nước châu Âu (EU). Hiện tại, EU chiếm 60% lượng gạo xuất khẩu của Campuchia.
Đáng nói hơn, trong khi Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu gạo trắng thì Campuchia còn xuất khẩu gạo thơm (gạo chất lượng cao) với tỉ lệ xấp xỉ gạo trắng, trên 44%. Cùng loại gạo trắng và bán cùng thời điểm, gạo Campuchia vẫn luôn có giá cao hơn gạo Việt Nam từ 30-50 USD/tấn.
Campuchia đã gần như đuổi kịp Thái Lan khi có tới 8 thương hiệu để trình làng tại Hội chợ Thương mại Lương thực tổ chức ở Bangkok vào năm ngoái. Đặc biệt, 2014 là năm thứ 3 liên tiếp gạo lài Campuchia hay còn gọi là Phka Romdoul được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới. Còn Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo riêng cho mình.
Về thứ hạng, từ chỗ là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, hiện Việt Nam không chỉ thua Thái Lan mà còn bị Ấn Độ, Pakistan qua mặt. Trong khi đó, Campuchia vốn xếp sau cùng bảng danh sách đã trở thành đối thủ cần chú ý. Ngay chính Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam, cũng đã thừa nhận rằng Việt Nam cần học cách làm gạo của Campuchia. Theo ông, Campuchia đã sản xuất gạo với chất lượng tốt và làm thương hiệu rất bài bản.
Trong tổ chức sản xuất gạo, Campuchia cân đối được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Campuchia, năm 2014, nước này sản xuất được khoảng 5,96 triệu tấn gạo. Trừ tiêu thụ trong nước, Campuchia còn hơn 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Ngay từ khi bắt đầu xuất khẩu, Campuchia đã chú trọng đến vấn đề chất lượng. Campuchia ưu tiên chọn những giống lúa tốt và chỉ trồng một vụ, chủ yếu trồng vào mùa mưa. Vì thế, mỗi năm Campuchia chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha, bằng 1/5 so với năng suất của Việt Nam. Nhưng gạo Campuchia lại thơm ngon, cho giá trị cao vượt trội. Đơn cử, gạo thơm Phka Malis của Campuchia hiện được bán với giá 890 USD/tấn, trong khi gạo thơm Việt Nam bán chỉ từ 650-670 USD/tấn.
Campuchia còn tổ chức vùng nguyên liệu riêng nên từng loại gạo của Campuchia đều có chất lượng đồng nhất. Trong đó, gạo organic (gạo sạch) không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nên được bán đến 1.375 USD/tấn.
Với giá bán cao cộng thêm ít tốn kém về chi phí máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, cải tạo đất, tưới nước... nên lợi nhuận nông dân Campuchia kiếm được ngang ngửa với nông dân Việt Nam, dù họ nhàn hơn rất nhiều.
Campuchia cũng rất chịu khó học hỏi. Khi có tổ chức quốc tế như Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) hỗ trợ, từ giúp xác định giống lúa chất lượng cao nhất, giúp doanh nghiệp tổ chức nông dân trồng lúa hay giúp xây dựng nhà máy chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng gạo, Campuchia luôn lắng nghe và làm theo hướng dẫn. Vì thế, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Campuchia đã sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. Ðây là điều mà Việt Nam nói mãi nhưng chưa làm được.
Campuchia luôn tranh thủ mọi cơ hội có thể để quảng bá gạo của mình. Có cả một chương trình hỗ trợ để gạo Campuchia được chào hàng rộng rãi. Gạo Campuchia luôn có mặt ở các hội chợ, triển lãm quốc tế dù đó chỉ có 2 nước Thái Lan, Campuchia tham gia như đã diễn ra vào năm ngoái. Việt Nam trái lại, vẫn thụ động và vắng bóng trong các hoạt động tiếp thị ra bên ngoài.
Campuchia đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trắng vào cuối năm 2015. Tuy có những trở ngại về năng lực xay xát, vốn, cơ sở hạ tầng, nhưng doanh nghiệp gạo của Campuchia lại có được hậu thuẫn từ Chính phủ như phí hải quan xuất khẩu gạo đã bãi bỏ. Đặc biệt, tháng 5.2014, Campuchia đã sáp nhập 3 cơ quan trong ngành gạo để lập ra Hiệp hội Gạo. Việc này đã loại bỏ những cạnh tranh tốn kém không đáng có giữa các cơ quan quản lý, đồng thời giúp xác định rõ ràng hơn về mục tiêu chung và tạo ra tiếng nói thống nhất để tiếp thị, vận động cho gạo Campuchia.
Campuchia không ngại xông pha khắp nơi để bán gạo. Họ đến cả những siêu thị ở Anh, Pháp để tìm hiểu, biếu gạo rồi chào hàng. Năm 2013, các doanh nghiệp Campuchia còn dọ dẫm sang thị trường Mỹ. Việt Nam thì vẫn trung thành với hình thức bán hàng qua trung gian, chưa tiếp cận nhà phân phối trực tiếp. Việt Nam lại dựa nhiều vào những thị trường có hợp đồng Chính phủ như Philippines, Malaysia, Indonesia... Vì thế, khi các nước này giảm nhập khẩu gạo, Việt Nam bị bế tắc về đầu ra.
Trên thực tế, sự năng động của Campuchia được xác định là do nước này cởi mở trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Đến nay, đã có 72 công ty tham gia vào hoạt động này. Ngoài ra, Chính phủ Campuchia còn cho phép tư nhân tham gia vào mảng vận hành, bảo trì 10 kho lúa với sức chứa 1,2 triệu tấn lúa/gạo mà Campuchia sẽ khởi xây trong tương lai. Ở đó, nông dân và cơ sở xay xát cũng được khuyến khích trữ lúa với một mức phí nhất định và có thể sử dụng lượng lúa gạo trong kho để thế chấp vay ngân hàng. Đây là động thái nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà máy xay xát và nhà xuất khẩu.