Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 04-08-2016
- Cập nhật : 04/08/2016
Giá dầu tăng mạnh nhất 3 tuần, thoát khỏi thị trường giá xuống
Giá dầu phiên 3/8 tăng mạnh nhất 3 tuần qua khi nguồn cung xăng của Mỹ bất ngờ giảm mạnh và thị trường giá xuống hồi phục.
Giá dầu phiên 3/8 tăng mạnh nhất 3 tuần qua khi nguồn cung xăng của Mỹ bất ngờ giảm mạnh và thị trường giá xuống hồi phục.
Tuần này, giá dầu đã rơi vào thị trường giá xuống, nhưng mức giá thấp đã thu hút giới săn hàng giảm giá và thuyết phục những nhà đầu tư bi quan chốt lời, giúp giá dầu hồi phục. Bên cạnh đó, giá dầu phiên 3/8 tăng trở lại khi số liệu cho thấy nguồn cung xăng của Mỹ tuần qua giảm mạnh, cao hơn 10 lần so với dự đoán.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 9/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,32 USD, tương ứng 3,3%, lên 40,83 USD/thùng, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ 12/7 và giúp giá dầu Mỹ thoát khỏi thị trường giá xuống.
Giá dầu Brent giao tháng 9/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,3 USD, tương đương 3,1%, lên 43,10 USD/thùng, chấm dứt mạch giảm 5 phiên liên tiếp.
Giá dầu WTI của Mỹ hôm thứ Hai 1/8 đã rơi xuống thị trường giá giảm sau khi xuống dưới 40,98 USD/thùng, giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 6/2016.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 3/8, nguồn cung xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/7 giảm 3,3 triệu thùng so với dự đoán giảm 300.000 thùng của các nhà phân tích. Nguồn cung xăng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trong những tuần gần đây khi dự trữ luôn đứng ở mức kỷ lục.
Theo các nhà phân tích, tình trạng thừa cung sản phẩm dầu mỏ là nguyên nhân chính khiến giá dầu lao đốc. Mặc dù nhu cầu sản phẩm lọc dầu tại một số khu vực vẫn ở mức kỷ lục, song sản lượng nội địa của một số nước như Trung Quốc cũng liên tục tăng, đẩy tăng nguồn xuất khẩu và khiến cung vượt cầu.
Cũng theo số liệu của EIA, mặc dù nguồn cung xăng giảm, nhưng tổng nguồn cung sản phẩm dầu mỏ của Mỹ trong tuần qua vẫn tăng 2,1 triệu thùng, đẩy lượng lưu kho thương mại lên 1,4 tỷ thùng. Trong khi đó, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/7 tăng 1,4 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm 900.000 thùng của các nhà phân tích trong khảo sát của Wall Street Journal; dự trữ sản phẩm chưng cất, kể cả diesel và dầu sưởi, tăng 1,2 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm 100.000 thùng.
Tuy nhiên, nhiều nhà môi giới vẫn tỏ ra hoài nghi rằng nguồn cung xăng giảm sẽ hỗ trợ đáng kể giá dầu.
Tại châu Á, lượng sản phẩm lọc dầu lưu kho của nhiều nhà máy lọc dầu vẫn ở mức cao. Citigroup ước tính, dự trữ xăng toàn cầu hiện đạt khoảng 500 triệu thùng. Các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được dự đoán sẽ giảm sản lượng nhằm cắt giảm lượng hàng lưu kho.
Trong khi đó, công suất của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ trong tuần qua tăng gần 1 điểm phần trăm lên 93,3% bất chấp lo ngại về biên lợi nhuận thấp và tình trạng thừa cung xăng, theo số liệu của EIA.
Nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Xuất khẩu và sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 7/2016 tăng tháng thứ 24 liên tiếp, theo số liệu của hãng tư vấn Energy Aspects.(NCĐT)
Giá vàng giảm do USD hồi phục sau số liệu việc làm
Theo số liệu của ADP, lĩnh vực tư nhân của Mỹ trong tháng 7 đã tạo thêm 179.000 việc làm mới, cao hơn so với ước tính 170.000 việc làm của các nhà kinh tế học. Số liệu điều chỉnh việc làm của lĩnh vực tư nhân trong tháng 6 cũng tăng lên 176.000 việc làm so với 172.000 công bố trước đó.
Lúc 15h10 giờ New York (2h10 sáng ngày 4/8 giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.357,96 USD/ounce. Trong phiên 2/8, giá vàng chạm mốc 1.367,33 USD/ounce, cao nhất kể từ 11/7.
Giá vàng giao tháng 12/2016 trên sàn Comex giảm 0,6% xuống 1.364,70 USD/ounce.
Số liệu việc làm của lĩnh vực tư nhân được đưa ra trước thềm báo cáo việc phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ, công bố vào thứ Sáu tuần này.
USD hồi phục từ mức đáy 6 tuần ghi nhận hôm 2/8, tăng 0,5% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ, gây áp lực lên giá vàng.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 28% do đồn đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay.
Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ Ba 2/8 tăng 0,6% lên 969,97 tấn.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,1% xuống 20,39 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,4% xuống 1.158,95 USD/ounce và giá palladium giảm 0,7% xuống 709,50 USD/ounce.(NCĐT)
Giá đồng tăng
Giá thép không gỉ Trung Quốc hồi phục nhờ niken mạnh lên
Giá thép cuộn không gỉ austenite tại thị trường giao ngay Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông tăng trong tháng 7, cùng với sự mạnh lên được nhìn thấy trong giá niken mặc dù nhu cầu thường trì trệ vào mùa hè.
Giá giao dịch cho HRC 304 3mm và CRC 2mm lần lượt là 11.550-11.900 NDT/tấn (1.739-1.792 USD/tấn) và 12.550-12.850 NDT/tấn (1.890-1.935 USD/tấn) tính tới ngày 1/8. Mức giá này cao hơn lần lượt 400 NDT/tấn (60 USD/tấn) và 575 NDT/tấn (87 USD/tấn) so với cuối tháng 7.
Giá giao dịch chính thức bằng tiền mặt của niken trên sàn LME là 10.440-10.445 USD/tấn hôm 29/7, với mức giá trung bình hàng ngày của tháng trước là 10.249 USD/tấn, cao hơn so với mức giá bình quân hàng ngày của tháng 6 (8.912 USD/tấn).
Do giá niken tăng mạnh nên giá giao ngay cho thép không gỉ 304 được dự báo sẽ theo đà đi lên trong ngắn hạn. Hơn thế nữa, giá thép không gỉ giao ngay cũng sẽ được hỗ trợ bởi những sự cải thiện nhu cầu thường thấy trong tháng 8, trước khi bước vào mùa cao điểm về sản xuất trong nước vào mùa thu.
Đồng thời, giá giao ngay cho 430/2B CRC 2mm loại phi niken về cơ bản vẫn không đổi trong tháng 7, với định giá ở mức 7.100-7.150 NDT/tấn (1.071-1.078 USD/tấn) hôm 1/8.
Trong khi đó, do giá niken cao hơn nên Baosteel đã chọn cách nâng giá cho HRC và CRC loại 304 thêm 300 NDT/tấn (45 USD/tấn) lên lần lượt 12.200 NDT/tấn và 13.100 NDT/tấn cho tháng 8, trong khi duy trì giá cho 430 CRC không đổi so với tháng trước và ở mức 8.100 NDT/tấn.(ST)
Ấn Độ công bố biên độ phá giá cho HRC, thép tấm và tấm mỏng
Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Ấn Độ đã thiết lập biên độ phá giá sơ bộ cho HRC, tấm mỏng và thép tấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Brazil và Indonesia. Tổng Cục chống trợ giá và chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã đề nghị biên độ phá giá đối với thép nhập khẩu nằm trong khoảng 25%-160%.
DGAD kết luận rằng ngành thép trong nước đã bị thiệt hạn bởi việc bán phá giá từ những nước nêu trên.
Cuộc điều tra của DGAD quyết định biên độ phá giá cho HRC nhập khẩu từ Hyundai Steel (Hàn Quốc) là 20-30%, đây là mức thấp nhất được công bố. Trong khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhận được biên độ cao nhất với 70-80%.
Mặt khác, Hyundai Steel đã nhận được biên độ cao nhất với 150-160% cho thép tấm cán nóng và tấm mỏng, trong khi các nhà xuất khẩu thép tấm cán nóng và tấm mỏng của Brazil thì nhận biên độ thấp nhất chỉ từ 25-35%.
DGAD đề nghị việc áp thuế lên tới 474 USD/tấn cho thép cuộn và 557 USD/tấn cho tấm mỏng và thép tấm.
DGAD đã kêu gọi sự phản hồi về kết quả sơ bộ này từ các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nguyên đơn và các bên khác có liên quan trong vòng 40 ngày. Bất cứ việc áp dụng thuế truy hồi nào sẽ được kiểm tra vào giai đoạn kết quả cuối cùng.
Cuộc điều tra chống bán phá giá là sự phản hồi lại đơn khiếu kiện từ các nhà sản xuất trong nước gồm có Steel Authority of India Limited, JSW Steel và Essar Steel, và được ủng hộ bởi Tata Steel và Jindal Steel & Power Limited.(ST)