Giá bông thế giới hàng ngày
Ấn Độ - Kẻ thù của giá đường
- Cập nhật : 01/06/2018
Giá đường ở Brazil giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất do ảnh hưởng từ giá đường thế giới. Điều này khiến các nhà máy gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền mía và duy trì hoạt động sản xuất. Một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ chính là nguyên nhân khiến giá đường giảm mạnh.
Việc sản lượng đường ở Ấn Độ và Thái Lan đạt kỷ lục gây áp lực lên các nhà máy đường Brazil, quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới. Khoảng 9 nhà máy có thể phải ngưng hoạt động trong niên vụ 2018 - 2019 do vấn đề tài chính, nâng số nhà máy phải ngừng hoạt động kể từ năm 2008 lên 80, theo Unica, một tổ chức đường ở Brazil.
Giá đường Brazil giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất do giá đường thế giới năm nay giảm mạnh, khiến các nhà máy gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền mía và duy trì hoạt động sản xuất. Theo báo cáo của Conab, năm 2017, Brazil có 330 nhà máy đường.
Sản lượng đường đường ở Ấn Độ và Thái Lan đạt ngưỡng kỷ lục khiến thế giới thừa đường trong vụ mùa năm nay. Thậm chí, lượng đường dư thừa được dự báo sẽ kéo dài sang năm tới.
“Ấn Độ đang dần trở thành “kẻ thù” của ngành đường thế giới do sản lượng đường của nước này quá lớn. Tôi cho rằng điều này sẽ khiến một số nhà máy đường ở Brazil buộc phải đóng cửa”, chuyên gia phân tích Michael McDougall nhận định.
Các công ty sản xuất đường ở Brazil phải đối mặt với khoản lỗ lớn nếu giá tiếp tục giảm xuống ngưỡng 10 cent/pound hoặc 11 cent/pound, Giám đốc công ty sản xuất đường Grupo Virgolino de Oliveira SA (GVO) nhận định. Giống như những công ty khác ở Brazil, GVO sẽ đa dạng hóa các sản phẩm từ mía trong đó có thể chuyển sang sản xuất ethanol trong niên vụ 2018 - 2019.
Giá đường thô giảm 23% tính từ đầu năm đến nay. Giá đường giao trong tháng 7 giao dịch ở mức 11,75 cent/pound trong phiên giao dịch hôm 17/5. Hồi tháng 4, giá đường thô chạm 10,93 cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2015.
Nợ nần chồng chất
Khoảng 30% nhà máy đường Brazil đang đối mặt với những khoản nợ lớn, Chủ tịch Unica bà Elizabeth Farina cho biết. Mỗi khi Ấn Độ trợ cấp cho sản xuất và xuất khẩu đường, giá mặt hàng này càng giảm hơn, ảnh hưởng đến cơ hội phục hồi của các nhà máy. Theo tính toán của MB Agro, số nợ mà các nhà máy đang phải gánh lên tới 23,1 tỷ USD.
Chuyên gia phân tích Guilherme Bellotti dự báo số nợ này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Ngay cả các nhà máy tại Ấn Độ cũng gặp khó khăn. Họ đang phải bán đường với giá thấp hơn chi phí sản xuất, nợ nông dân tiền mía tới gần 3 tỷ USD. Chính phủ nước này đang phân bổ 15,4 tỷ rupee để hỗ trợ các nhà máy chi trả tiền mía cho nông dân.
Dư thừa đường niên vụ 2017 - 2018 được dự báo sẽ tăng lên 11,1 triệu tấn, cao hơn 1 triệu tấn so với mức dự báo trước đó.
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng