Bản chất của ngành gạo Việt Nam là đang đi vào “vết xe đổ” của nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày. Tức là ngành gạo cũng đang đi gia công cho thế giới khi mà giá trị gia tăng cho người sản xuất chỉ ở mức thấp.
Xuất khẩu nông sản không chỉ có "màu tối"
- Cập nhật : 18/09/2015
(Xuat khau)
Tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp bắt đầu đuối dần từ năm 2011, tụt hậu hơn so với các lĩnh vực khác và tụt hậu mạnh nhất trong năm 2015. Tuy vậy, nhiều ngành hàng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước gồm sắn, rau quả, tiêu, điều, gỗ và sản phẩm gỗ
Xuất khẩu nông sản liên tiếp sụt giảm
Sáng nay (16/9), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam”.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho hay, mặc dù Việt Nam là nước có thặng dư về nông lâm thủy sản song từ cuối 2014 đến nay, thặng dư nông lâm thủy sản sụt giảm nhiều. Từ tháng 2/2015, xuất khẩu (XK) nông sản tăng trở lại nhưng vẫn không bù được mức sụt giảm trước đó. Đến tháng 7 và tháng 8/2015, XK nông sản tiếp tục sụt giảm.
Theo ông Kiên, trong 8 tháng đầu năm, bức tranh XK Việt Nam đan xen cả sáng và tối. Cụ thể, điểm sáng là nhiều ngành hàng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước gồm sắn, rau quả, tiêu, điều, gỗ và sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, mảng tối là các ngành hàng XK suy giảm so với cùng kỳ năm trước như gạo, cà phê, cao su, thủy sản
Cụ thể, trong mảng sáng của bức tranh XK nông sản, đầu tiên là hạt tiêu tăng cả lượng và giá. Thị trường chính là Mỹ, UAE, EU, Singapore tuy nhiên không có thị trường Trung Quốc. Tiếp theo là gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 10,4% so với năm trước, thị trường chính là Mỹ, Nhật, EU…
Về XK rau quả tăng tới 11,2%, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất trong XK rau quả của Việt Nam, chiếm 48%, trong khi Mỹ, EU, Nhật chiếm ít hơn.
Về điểm tối điển hình là XK gạo. Việt Nam vẫn chủ yếu XK sang Trung Quốc. Trong 2015, Trung Quốc đã giảm NK gạo từ Việt Nam, nhất là theo đường tiểu ngạch. Ngoài ra, XK cà phê giảm tới 14% về lượng và 16% về giá trị, XK cao su tăng về lượng nhưng giảm giá trị. Trong đó, Trung Quốc chiếm tới 49% XK cao su của Việt Nam.
Về mặt hàng thủy sản XK giảm 16% về giá trị do tôm XK bị cạnh tranh mạnh về giá. Mỹ, EU, Nhật vẫn là thị trường lớn nhất, Trung Quốc cũng đang dần trở thành thị trường quan trọng của XK thủy sản Việt Nam.
Cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
Liên quan đến XK cà phê sụt giảm, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia ngành cà phê cho hay, thị trường cà phê năm nay rất ảm đạm, lượng cà phê còn tồn trong dân nhưng không bán được.
Nguyên nhân theo ông Nhạn là do chỉ đạo thông tin thị trường không chính xác. Ngoài ra, khi các nhà rang xay đến thời điểm cần cà phê hỏi đơn vị thu mua nhưng Việt Nam không bán, đòi giá cao hơn khiến nhà rang xay quay sang thị trường Indonesia. Chính điều này đã khiến thị trường cà phê Việt Nam mất khách vì giữ giá cao quá.
Ông Nhạn nói: “Brazil luôn khuyên đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, cách làm Brazil đã thành chiến lược, giảm bớt gánh nặng cho XK. Ở Việt Nam có thị trường nhưng không quan tâm, làm ra nhưng chưa biết cách tiêu thụ. Phải thúc đẩy chế biến hơn nữa để tiêu thụ ngay thị trường trong nước”.
Hơn nữa, theo ông Nhạn, mặc dù năm nào cũng đi khảo sát thị trường bên ngoài nhưng Việt Nam chưa khảo sát hết, chưa hình dung được thị trường cần gì và thiếu gì.
“Xúc tiến thương mại phải chú ý hướng xúc tiến vào đâu, sang thị trường nào. Chẳng hạn như thị trường Đức, Ý, Mỹ, họ mua nhiều rồi mà ta cứ xúc tiến sang thì làm sao mà bán được? Nếu cứ ngồi nhà chờ đến mua mà không chủ động liên hệ với nhà rang xay thì không bao giờ cải thiện được”, ông Nhạn bức xúc nói.
Nhận định về thị trường cà phê trong thời gian tới, ông Nhạn cho rằng trong tương lai ngành cà phê không sẽ không sáng sủa hơn so với hiện tại.
Để tháo gỡ cho nông sản XK của Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên cũng cho rằng cần phải có chính sách dài hạn và ngắn hạn.
Về XK gạo, cần kết nối nhanh chóng để có các hợp đồng XK sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể XK như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm.
Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, tài chính của các doanh nghiệp XK, chuẩn bị gói hỗ trợ tín dụng (khoanh nợ, dãn nợ) khi có biến động xấu. Đơn giản hóa thủ tục thông quan, ưu đãi thuế cho các DN có thành tích XK tốt như giá, chất lượng, thương hiệu, thị phần…
Về chính sách trung và dài hạn, theo ông Kiên, cần hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường XK. Ví dụ thị trường XK gạo là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia, UAE; XK cà phê là Hàn Quốc, Ailen, Nga, Úc, Thái Lan; XK cao su là Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ; XK thủy sản là Úc, Trung Quốc; XK Gỗ và sản phẩm từ gỗ là Anh, Ba Lan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)