Trong khi doanh số bán ô tô tại Philippines và Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng thì tình hình tiêu thụ ở một số thị trường truyền thống như Indonesia, Malaysia và Thái Lan lại khá “ảm đạm”.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản vì sao giảm mạnh?
- Cập nhật : 05/12/2015
(Thuong mai)
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sụt giảm do nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2015 ước đạt 18,9 tỷ USD, chiếm 12,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với giảm 1,56 tỷ USD), trong đó có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng: Rau quả tăng 24,5%; nhân điều tăng 20,4%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 15,8%; hạt tiêu tăng 3%. Các mặt hàng còn lại đều giảm, trong đó, cà phê giảm mạnh (29,3%).
Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng năm 2015 không cao như kế hoạch đề ra do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm mạnh so với cùng kỳ. Tính chung hai nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đã giảm 5,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khoảng 16,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản thời gian qua là do nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Ðộ. Bên cạnh đó, chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia; xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước gia tăng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, trong những tháng cuối năm 2015, xuất khẩu một số mặt hàng nông thủy sản như thủy sản, gạo đã có sự tăng trưởng trở lại, liên tục đạt mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy không đủ để kéo mức tăng trưởng chung của cả năm nhưng đây là những tín hiệu khả quan thể hiện sự phục hồi.
Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao (khoảng 16,5%). Một số mặt hàng có kim ngạch lớn và tốc độ tăng trưởng khá gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 28,47 tỷ USD, tăng 29,6%; dệt may đạt 20,65 tỷ USD, tăng 9,1%; máy vi tính, linh kiện điện tử đạt 14,31 tỷ USD, tăng 38%; da giày đạt 10,75 tỷ USD, tăng 16,3%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như đồ gỗ; túi xách, vali, mũ, ô dù; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung đã đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu chung 11 tháng.
Đánh giá tổng thể diễn biến tình hình xuất nhập khẩu năm 2015, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhập siêu được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm dần. Trong Quý I, nhập siêu ở mức 2,6 tỷ USD. Nhập siêu Quý II giảm xuống ở mức khoảng 1 tỷ USD và nhập siêu Quý III ở mức 218 triệu USD. Trong 11 tháng năm 2015, nhập siêu được kiểm soát ở mức khoảng 3,78 tỷ USD, bằng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Đây là kết quả của việc triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu trong thời gian qua. Cán cân thương mại được duy trì ở mức 3,78 tỷ USD, bằng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nằm trong chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2015. Dự kiến cả năm 2015, nhập siêu ước khoảng 4 tỷ USD, bằng khoảng 2,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 5%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ./.