Cá tra Việt có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD mỗi năm trước quy định mới của Mỹ.
Vào AEC: Không còn doanh nghiệp “sân nhà”
- Cập nhật : 30/11/2015
(Kinh te)
Chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng ngay trên sân nhà hoặc nguy cơ phải bán thương hiệu, phụ thuộc vào bản thân mỗi doanh nghiệp
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được chính thức hình thành từ đầu năm 2016 đang mở ra cơ hội, đi kèm thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) trên sân nhà khi năng lực cạnh tranh của DN Việt vẫn còn kém xa các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…
Nếu hàng ngoại tốt, không ai “làm ngơ”
Khác với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã, đang tham gia, các thị trường trong AEC có nhiều mặt hàng khá tương đồng và cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt. “Ở khu vực chợ Châu Đốc (An Giang), giá bán những chiếc quần sọc, quần dài bằng vải kaki của Campuchia, Thái Lan chỉ vài chục ngàn đồng/cái. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những sản phẩm này đi bằng đường chính ngạch? Người tiêu dùng dù có ưu ái hàng Việt cách mấy cũng không thể làm ngơ với hàng ngoại đa dạng, giá rẻ và chất lượng tốt hơn” - ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, lấy câu chuyện trên để nói về những thách thức mà DN ngành may mặc nội địa sẽ gặp phải khi vào AEC.
Bằng quan sát của mình, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Đẹp, thấy rằng làn sóng hàng ngoại từ các nước lân cận đang tràn vào rất mạnh mẽ. Khu vực các chợ gần biên giới lâu nay vốn chỉ có hàng Trung Quốc, nay hàng Thái Lan tràn ngập và cạnh tranh gay gắt với hàng Việt. DN nhỏ riêng chuyện tăng năng lực sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt cạnh tranh trên thị trường đã rất khó, nay phải “chiến đấu” với hàng chính ngạch khi thuế suất không còn. Rất nhiều DN thừa nhận công nghệ, năng suất lao động đang thua kém và sản phẩm làm ra giá cao hơn hàng ngoại nhưng để tồn tại trong hội nhập buộc họ phải tự cải tiến sản xuất kinh doanh từ thay đổi máy móc thiết bị, bao bì mẫu mã để nâng chất lượng, mở rộng nhà xưởng, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm.
Vào chuỗi cung ứng hoặc bán mình?
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP HCM, nêu một thực trạng đang diễn ra là rất nhiều tập đoàn Thái Lan qua đàm phán mua lại DN nhựa trong nước theo hướng mua đứt 100%. Đối tác Thái Lan đặt thẳng vấn đề một năm lợi nhuận bao nhiêu, 10 năm sau lợi nhuận bao nhiêu rồi sẵn sàng mua với giá “rất hài lòng”. Kết quả là 4 DN đứng đầu trong ngành nhựa đã rơi vào tay những ông chủ người Thái. “Một lúc nào đó, sự phát triển của cả ngành nói chung và mỗi DN trong nước nói riêng sẽ lệ thuộc vào những ông chủ đang ngồi ở nước ngoài” - ông Việt Anh lo lắng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các DN sẵn sàng bán mình? Có một thực tế, trong khi các DN nước ngoài đang chuẩn bị sẵn tiềm lực, vốn liếng để tận dụng lợi thế cho hội nhập thì rất ít DN trong nước tự tin bước vào sân chơi lớn. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ để có ngày hôm nay, công ty đã chuẩn bị từ năm 2005 khi AFTA được khởi động. Chuỗi liên kết 4 nhà: nhà chăn nuôi, nhà khoa học, DN tổ chức sản xuất và phân phối đồng thời làm nhạc trưởng được tổ chức kỹ lưỡng từ rất lâu. “Hiện Vissan đang tiếp tục áp dụng phát triển chăn nuôi theo truy xuất nguồn gốc, bằng cách mua lại trại chăn nuôi và tổ chức những vùng hạt nhân để hợp tác chăn nuôi với hộ xung quanh, không chỉ làm cho DN mà còn nâng năng suất chăn nuôi của ngành nông nghiệp” - ông Mười nói.
Hay như với Công ty Nước giải khát Bidrico, ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc, nhớ lại giai đoạn khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008, lúc đó rất nhiều hội thảo khuyên DN tái cấu trúc, bỏ những sản phẩm tiêu thụ kém, cắt bớt chương trình quảng cáo tiếp thị và cả cắt giảm nguồn nhân lực, không đầu tư máy móc thiết bị… Nhưng riêng Bidrico làm khác, khi hết việc, DN đã tổ chức nâng cao năng lực của cán bộ, công nhân viên để họ có khả năng đảm nhận yêu cầu công việc cao hơn. Đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ thiết bị mới từ năm 2008-2013. “Khi khủng hoảng đi qua, chúng tôi có máy móc công nghệ mới, giữ được người giỏi và tập trung phát triển thị trường. Đến giờ, công nghệ bán tự động của Bidrico tương đương với các nước, sản phẩm xuất khẩu sang 16 quốc gia trong đó có những quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật… đủ sức cạnh tranh trong AEC” - ông Hiến chia sẻ.
Dù vậy, không phải mất hết cơ hội cho những DN “bây giờ mới nhảy”. Kinh nghiệm từ những DN chuẩn bị kỹ lưỡng cho thấy xu hướng bán mình, bán thương hiệu cho nước ngoài sẽ còn tiếp tục nhưng trong cuộc chơi lớn này DN vừa và nhỏ Việt hoàn toàn có thể tồn tại bằng cách tham gia một khâu sản xuất trong chuỗi cung ứng lớn. Ngay các nước trong AEC có thể trở thành một chuỗi lớn trên thế giới, như Việt Nam hay Campuchia, Lào mỗi nước sẽ làm một công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan:
Doanh nghiệp cần một cơ chế phục vụ
Trước phát triển của hội nhập, bản thân các DN ngành nông nghiệp thực phẩm cũng đang gặp khó khăn do sự đồng bộ trong chính sách nông nghiệp chưa được kiểm soát tốt. Nhà nước phải là người cầm trịch để DN phát triển sản phẩm theo hướng truy xuất nguồn gốc bền vững hơn. Cùng với cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh, các DN kỳ vọng nhà nước thay đổi chuyển dần sang cơ chế phục vụ, không hẳn chỉ số giờ nộp thuế, thời gian làm thủ tục thông quan… giảm đi mà còn là cung cách phục vụ. Bởi tạo điều kiện cho DN phát triển là trách nhiệm của quản lý nhà nước.
Với ngành bán lẻ thực phẩm, lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong AEC là được người Việt ủng hộ và tính truyền thống của sản phẩm, như sử dụng thịt tươi sống chứ không đông lạnh - hàng rào kỹ thuật tự nhiên. Bản thân mỗi DN phải biết mình đang mạnh, yếu điểm nào và lợi thế cạnh tranh riêng của ngành mình để phát triển.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng:
Ngân hàng cũng cạnh tranh gay gắt
Hội nhập kinh tế đang đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Có thể nói trong khối ASEAN, chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với điều kiện phải nắm bắt được cơ hội. Riêng lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vào AEC, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường vốn, hệ thống thanh toán và công nghệ thông tin, tự do hóa dịch vụ tài chính. Theo lộ trình đến năm 2020, Việt Nam phải tự do hóa gần như hoàn toàn, mở cửa dịch vụ tài chính - ngân hàng khoảng 70% (thay vì mức mở cửa khoảng 30% hiện nay). Khi đó, các ngân hàng trong nước sẽ gặp thách thức rất lớn. Bởi năng lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam dù đã tiến bộ nhiều nhưng nếu so với nước ngoài, sản phẩm công nghệ cao và quản trị rủi ro tốt hơn thì chúng ta vẫn chưa theo kịp.
ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch:
Sản phẩm du lịch phải khác biệt
Phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua việc triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) trong khu vực là một trong những vấn đề quan trọng khi AEC chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Khi đó, người lao động có thể tìm được công việc tốt hơn từ các nước nhưng ngược lại là thách thức cho DN (nhà hàng, khách sạn, lữ hành) vì sẽ bị thiếu hụt lao động.
Nếu chúng ta không tiếp cận được trình độ chuyên nghiệp và quản trị toàn cầu thì khi cả ASEAN trở thành một điểm đến chung, quảng bá chung cho cả khu vực nhưng du khách sẽ tới các điểm đến khác hấp dẫn hơn, thay vì Việt Nam. Do đó, ngành du lịch phải nỗ lực nhiều hơn nữa tạo ra những giá trị chỉ có ở Việt Nam, bản thân mỗi DN phải có sản phẩm riêng biệt mang dấu ấn khác biệt, văn hóa bản địa mới có thể kéo du khách về sân nhà. Linh Anh ghi