Mỗi nước đều có một lý do riêng cho việc duy trì thay vì cắt giảm sản lượng để bảo vệ lợi ích về giá, nhưng điều này sẽ không thể kéo dài mãi mãi.
Xuất hiện làn sóng chạy đua “bành trướng” quy mô tại Việt Nam của doanh nghiệp Thái?
- Cập nhật : 03/08/2015
(tin kinh te)
Thị trường Việt Nam đang có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người Thái. Các doanh nghiệp của Thái Lan đang hiện diện đáng kể tại nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hóa chất, vật liệu xây dựng, bán lẻ…
Việc tập đoàn SCG của Thái Lan thâu tóm thành công Bao bì Tín Thành (Batico) đã giúp nối dài danh sách các doanh nghiệp tại Việt Nam “bán mình” cho các doanh nghiệp Thái Lan trong thời gian gần đây.
Các thương vụ đáng kể trước đó có thể kể đến như Prime Group (cũng chính SCG mua lại), Phú Thái Group, phân bón Baconco, Nguyễn Kim và thương vụ đình đám nhưng chưa hoàn tất là BJC mua Metro Vietnam.
Thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các doanh nghiệp Thái Lan đang dần có sự hiện diện đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam. Người Thái hiện đang nắm quyền kiểm soát đối doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp – C.P Vietnam, doanh nghiệp gạch xây dựng lớn nhất – Prime Group, Red Bull – một trong những doanh nghiệp đồ uống lớn nhất…
Một khi việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A lớn đến từ các nhà đầu tư Thái.
Trong số các doanh nghiệp Thái Lan có sự hiện diện đáng kể tại Việt Nam, những cái tên nổi bật nhất có thể kể đến như C.P Group, nhóm TCC Holdings / Berli Jucker (BJC) và SCG – các doanh nghiệp này đều đã hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu, đầu tư hàng trăm triệu USD vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
SCG – từ xi măng, vật liệu xây dựng tới giấy, nhựa, hóa dầu
SCG (Siam Cement Group) đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 nhưng sự hiện diện của doanh nghiệp này chỉ được biết đến nhiều vào năm 2012 khi SCG thông qua công ty con SCG Building Materials đã chi tới 240 triệu USD để mua lại 85% cổ phần của Prime Group.
Không lâu sau đó, một đơn vị thành viên khác của SCG là Nawaplastic đã mua gom lượng lớn cổ phần của Nhựa Tiền Phong (23,8%) và Nhựa Bình Minh (20,4%).
SCG hiện là cổ đông lớn nhất (44%) của dự án Lọc hóa dầu Long Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD.
Hiện tại SCG đang có gần 20 công ty con và công ty liên kết tại Việt Nam. Tính đến 30/6/2015, tổng giá trị tài sản của SCG tại Việt Nam đạt xấp xỉ 716 triệu USD và doanh thu nửa đầu năm 2015 đạt 288 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
C.P Vietnam – Thống trị lĩnh vực nông nghiệp
CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P Vietnam) là trường hợp đầu tư trực tiếp thành công nhất của người Thái trên đất Việt.
C.P Vietnam – được sở hữu 100% bởi C.P Group - là công ty lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như chăn nuôi gà, lợn. Năm 2014, doanh thu của C.P Vietnam đạt 2,07 tỷ USD; bao gồm 867 triệu USD doanh thu thức ăn chăn nuôi và 1,2 tỷ USD đến từ chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Trong 2 năm 2013-2014, trong khi doanh thu thức ăn chăn nuôi tăng trưởng rất thấp, chưa đến 10%/năm thì doanh thu từ mảng chăn nuôi – chế biến thực phẩm của C.P Vietnam lại tăng 25-30%/năm.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi & những thương vụ đình đám
Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Thái đang thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam nhưng nếu chọn ra người có động thái quyết liệt nhất thì không ai khác xứng đáng hơn tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Vị tỷ phú 71 tuổi này sở hữu khối tài sản trị giá 12 tỷ USD với 3 nhánh đầu tư chính gồm ThaiBev (bia, đồ uống), BJC (thương mại, bao bì) và TCC Holdings (bất động sản, đầu tư).
Chính tỷ phú này là tác giả của thương vụ BJC mua lại hệ thống Metro Việt Nam với giá 655 triệu euro. Mặc dù thương vụ này bị đình trệ vì một số lý do kỹ thuật nhưng tỷ phú Charoren vẫn quyết tâm thực hiện bằng được dự định của mình.
Cũng trong lĩnh vực thương mại, ngay từ năm 2013, BJC đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng.
Không lâu sau khi công bố thương vụ mua lại Metro, F&N – doanh nghiệp đồ uống Singapore nằm dưới sự kiểm soát của ThaiBev – đã chi thêm 100 triệu USD để gia tăng sở hữu tại Vinamilk. Hiện F&N là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 11%, tương ứng lượng cổ phần trị giá hơn 600 triệu USD.
Khách sạn Melia Hanoi và tòa nhà Melinh Point Tower - hai bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và Tp.HCM – cũng là những tài sản thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Charoen.
Theo Wall Street Journal, ThaiBev đã đặt vấn đề với cơ quan chức năng của Việt Nam về việc mua 40% cổ phần của Sabeco với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó không có thêm thông tin cụ thể nào về thương vụ này.
Trong số các doanh nghiệp của 4 tỷ phú giàu nhất Thái Lan - gồm Dhanin Chearavanont (C.P Group), Charoen Sirivadhanabhakdi (TCC/BJC), gia đình Chirathivat (Central Group) và Chalerm Yoovidhya (Red Bull) – thì Central Group là chưa có dấu ấn lớn tại Việt Nam.
Hiện tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan mới mở 2 trung tâm mua sắm Robins tại Royal City và Crescent Mall. Đầu năm 2015, PowerBuy – đơn vị thành viên của Central – đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi điện máy Nguyễn Kim. Phía Central cũng được cho là mua lại hệ thống điện máy PICO nhưng cả 2 bên đều chưa xác nhận.
Kiến Khang