Đến mặt hàng xe hơi, nguyên tắc xuất xứ hàng hóa gây bất đồng lớn giữa 4 “ông lớn” trên bàn đàm phán TPP là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Mexico.
Triển vọng thị trường cao su và lốp xe thế giới: Tiêu thụ lốp xe tăng gần 8%/năm
- Cập nhật : 08/08/2015
(Tin kinh te)
Dự báo nhu cầu lốp xe thế giới sẽ tăng trung bình 4,3% mỗi năm lên 2,9 tỷ chiếc vào 2017. Về giá trị, tiêu thụ lốp xe dự báo sẽ tăng 7,9% mỗi năm lên 281 tỷ USD.
Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), nguồn cung cao su thiên nhiên được tăng nhanh tại Việt Nam và một số quốc gia khác do diện tích tăng và có xu hướng vượt nhu cầu thế giới trong giai đoạn 2014-2025, sẽ tiếp tục tạo áp lực làm giá cao su thiên nhiên khó tăng cao trong năm 2015 và xu hướng giá thấp có thể kéo dài sang nhiều năm tới.
Nguyên nhân do diện tích cây cao su được một số nước phát triển thêm trong thời kỳ nhu cầu và giá tăng cao giai đoạn năm 2005-2008 và giai đoạn kích thích kinh tế sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2010-2011.
Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ có thể tăng 14,5% trong năm tài chính 2015/16 bắt đầu từ ngày 01/4/2015, lên 750.000 tấn; trong khi tiêu thụ sẽ tăng 4,1%, lên mức cao kỷ lục là 1,06 triệu tấn. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa và các nhà sản xuất lốp xe vẫn duy trì nhập khẩu trong năm 2015/16, do giá trên thị trường thế giới giảm xuống mức thấp.
Trước đó, sản lượng cao su của Ấn Độ năm 2014/15 đã giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu tăng 15,6% lên mức cao kỷ lục 416.554 tấn. Ấn Độ mua cao su thiên nhiên nhiều nhất từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Nhu cầu cao su thiên nhiên
Tổng nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới năm 2015 sẽ đạt 29,1 triệu tấn và tăng lên 30,3 triệu tấn vào năm 2016. Trong đó, nhu cầu cao su tổng hợp sẽ tăng từ 16,8 triệu tấn năm 2015 lên 17,5 triệu tấn năm 2016 và đến 2023 là 21,5 triệu tấn. Còn nhu cầu đối với cao su thiên nhiên sẽ đạt 12,3 triệu tấn trong năm 2015, sau đó tiếp tục tăng lên 12,9 triệu tấn năm 2016 và 16,5 triệu tấn năm 2023.
LMC International Ltd dự báo tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,5% mỗi năm từ nay tới 2018 do nhu cầu tăng đối với lốp xe thay thế, hỗ trợ giá hàng hóa.
Nhu cầu cao su tổng hợp
Đông Nam Á đang là thị trường tiêu thụ cao su latex tổng hợp (synthetic latex polymers) lớn thứ 4 trên thế giới, chiếm 8%. Ba nước Malaysia, Thái Lan và Indonesia chiếm đến 82% nhu cầu tiêu thụ cao su latex tổng hợp tại Đông Nam Á; trong đó, chủng loại sản phẩm được sử dụng nhiều nhất là acrylonitrile butadiene (AB nitrile), chiếm 44,6% tổng khối lượng cao su latex tổng hợp tiêu thụ trong khu vực và đóng vai trò quan trọng đối với ngành sản xuất găng tay tại Malaysia và Thái Lan.
Tăng trưởng GDP lạc quan tại ba quốc gia này sẽ thúc đẩy thị trường cao su latex tổng hợp tại Đông Nam Á tăng trưởng với tốc độ 6,5% đến năm 2018.
Thị trường cao su tổng hợp silicon được dự báo sẽ gia tăng giá trị từ 6,5 tỷ USD năm 2013 lên 11 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng là 9,3% trong giai đoạn 2014 – 2019. Si-li-côn được sử dụng trong các ngành ô tô, điện – điện tử và y tế.
Khu vực châu Á Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ silicon lớn nhất thế giới cả về lượng và giá trị, dẫn đầu là Châu Âu, tiếp đến là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil và Trung Đông. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành xây dựng và ô tô tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường silicon trong thời gian tới.
Tiêu thụ lốp xe
Dự báo nhu cầu lốp xe thế giới sẽ tăng trung bình 4,3% mỗi năm lên 2,9 tỷ chiếc vào 2017. Về giá trị, tiêu thụ lốp xe dự báo sẽ tăng 7,9% mỗi năm lên 281 tỷ USD.
Tăng trưởng của thị trường lốp xe sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Nhu cầu lốp xe toàn cầu cũng sẽ được hỗ trợ bởi các điều kiện kinh tế cải thiện dần ở các nước phát triển thuộc Tây Âu và Bắc Mỹ, song tăng trưởng ở những khu vực này vẫn tiếp tục thấp hơn mức trung bình toàn cầu.
Tăng trưởng mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Khu vực châu Á – TBD sẽ chiếm phần lớn mức tăng nhu cầu lốp xe toàn cầu, chiếm 2/3 tổng mức tăng trưởng tới 2017. Trung Quốc là nước tiêu thụ lốp xe lớn nhất thế giới, chiếm 22% mức tăng nhu cầu toàn cầu trong năm 2012, mặc dù tăng trưởng nhu cầu lốp xe ở Trung Quốc sẽ thấp hơn mức tăng của giai đoạn 2007-2012, bởi cả sản xuất và tiêu thụ ô tô đều tăng chậm lại. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn nằm trong số những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ chiếm 35% tổng sản lượng lốp xe tải nhẹ trên toàn cầu, từ mức 23% năm 2010 và 52% sản lượng xe tải vừa và nặng trên toàn cầu từ mức 43% năm 2010.
Trong số các thị trường lốp xe khác ở khu vực châu Á – TBD trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ (đứng hàng thứ 3 và thứ 4 thế giới trong năm 2012). Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Nhật Bản lên vị trí nước tiêu thụ lốp xe lớn thứ 3 thế giới vào năm 2017.
Nhu cầu lốp xe ở Bắc Mỹ và Tây Âu sẽ cải thiện tương đối so với giai đoạn 2007 – 2012, song mức tăng sẽ vẫn dưới 2% trong giai đoạn từ nay tới 2017. Môi trường kinh tế được cải thiện sẽ giúp cả hai khu vực này tăng sản lượng và tiêu thụ ô tô, hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu lốp xe.
Tuy nhiên, dân số tăng chậm và tồn dư nhiều ô tô của những năm trước sẽ hạn chế mức tưng. Ngoài ra, ảnh hưởng của việc cắt giảm công suất giai đoạn 2007-2012 ở khu vực này sẽ chưa được giải quyết triệt để, bởi một phần lớn công suất sản xuất đã được chuyển dài hạn sang sản xuất ở những nước đang phát triển có chi phí thấp.
Giá cao su thiên nhiên
Giá cao su được dự báo sẽ tiếp tục đà giảm trong dài hạn, vì vậy sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trong giai đoạn tới sẽ càng ngày càng gay gắt hơn, người mua trở nên khó tính hơn và chỉ ưu tiên chọn lựa những nguồn cao su có chất lượng cao, ổn định.