Ước tính tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người năm 2014 ở mức 9,55 kg, thấp hơn so với mức trung bình 13,5 kg của thế giới. USDA Post dự báo tổng nhập khẩu dầu thực vật trong năm marketing 2014/15 của Việt Nam đạt 820.000 – 830.000 tấn.
Làm ăn với châu Âu: cơ hội & thách thức
- Cập nhật : 09/08/2015
(Thuong mai)
Việt Nam sẽ dành ưu đãi cho máy móc, ôtô, một số mặt hàng nông sản, đồ uống có cồn... của EU. Ngược lại, VN sẽ được ưu đãi hàng dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ...
Nhiều doanh nghiệp da giày hi vọng xuất khẩu sang EU sẽ khôi phục sau khi FTA được ký kết. Trong ảnh: sản xuất giày xuất khẩu sang EU tại một doanh nghiệp - Ảnh: Tiến Long
Đó là nội dung cuộc trả lời báo chí chiều 5-8 của phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại VN về nội dung Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN - EU vừa cơ bản kết thúc đàm phán.
Theo thông cáo từ phía EU, VN đã đồng ý gỡ bỏ hầu hết thuế xuất khẩu, cam kết sẽ cho tự do hóa thương mại trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông, bưu chính, chuyển phát nhanh. VN cũng sẽ dỡ bỏ hoặc hạ bớt những hạn chế trong sản xuất các mặt hàng thực phẩm, đồ uống... với đầu tư từ EU.
Trả lời báo chí tại buổi họp, ông Jean-Jacques Bouflet - tham tán thương mại phái đoàn EU tại VN - cho biết khoảng 71% mặt hàng nông sản của VN sẽ được giảm về 0% trong khi hàng dệt may, da giày từ châu Âu sang VN cũng sẽ được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
EU sẽ dỡ bỏ thuế dần với hàng dệt may và thủy sản VN, trong đó lộ trình với hàng dệt may VN là bảy năm, đồng thời cấp hạn ngạch (thuế 0%) cho một số mặt hàng, trong đó có gạo.
Tuy nhiên, muốn được hưởng ưu đãi thuế, hàng dệt may VN phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Với EU, xuất xứ phải đảm bảo “quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép”. Nghĩa là vải để may phải của VN, cắt may cũng phải ở VN nhưng cho phép cộng dồn nguồn gốc xuất xứ.
Chẳng hạn, VN mua hàng của đối tác cũng đang là đối tác FTA với EU (Hàn Quốc chẳng hạn), không bao gồm Trung Quốc, cũng được xem như của VN.
Cũng theo ông Jean Jacques Bouflet, nhiều mặt hàng VN xuất sang vẫn còn hạn ngạch và VN cần tính đến xuất khẩu mặt hàng giá trị cao hơn.
“Chẳng hạn với gạo, nếu mở hoàn toàn, VN sẽ xuất khẩu chủ yếu là gạo rẻ tiền. Còn có hạn ngạch, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tập trung vào gạo chất lượng, giá cao, không có tình trạng xuất chui cả gạo của Thái Lan, Malaysia...” - ông Jean-Jacques Bouflet nói.
Ông Jean-Jacques Bouflet cũng trấn an rằng VN đang có thặng dư thương mại lớn với EU và sẽ không có thay đổi sau khi FTA có hiệu lực, bởi với FTA, “hai bên đều thắng, không nên lo ngại thay đổi cục diện thương mại EU - VN”.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về lý do VN tạo thuận lợi cho nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm từ EU, ông Vũ Huy Hoàng, bộ trưởng Bộ Công thương, cho rằng hàng hóa của VN và EU có tính bổ sung cho nhau, ít mặt hàng cạnh tranh trực tiếp.
Theo ông Hoàng, khi hiệp định đi vào thực hiện, các mặt hàng của VN như rau quả, thủy sản, gạo... sẽ được dành ưu đãi về thuế và cơ hội là rất lớn.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng Nhà nước chỉ có vai trò dẫn dắt, còn doanh nghiệp phải chủ động. Cụ thể, doanh nghiệp cần nhận thức đâu là thuận lợi, thách thức để có chiến lược, lộ trình nâng cao chất lượng, giảm giá thành, để không những đứng vững trong nước mà còn có thể mở rộng thị trường ra nước ngoài.
* Ông Trần Quốc Mạnh (phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM):
Nhiều cơ hội cho ngành gỗ
Với việc thuế suất giảm xuống 0% sau khi FTA được ký kết, các doanh nghiệp chế biến gỗ VN có cơ hội mở rộng đối tác, thêm đơn hàng bởi nhiều khả năng các đơn hàng lớn của khách hàng châu Âu sẽ chuyển từ Trung Quốc sang VN.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới máy móc công nghệ, cải thiện hiệu quả lao động, đặc biệt phải tuân thủ chặt các quy chuẩn về nguồn gốc gỗ, kiểm định chất lượng sản phẩm... để đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của những thị trường khó tính này.
* Ông Điền Quang Hiệp (giám đốc Công ty Mifaco, Bình Dương):
Thay đổi cách làm ăn tận dụng cơ hội
Sau FTA, cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận thêm các đối tác châu Âu là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về những quy chuẩn, không chỉ là chất lượng sản phẩm mà cả quy trình sản xuất, điều kiện lao động, lương bổng công nhân...
Nếu các doanh nghiệp vẫn giữ cung cách làm ăn không đàng hoàng, chẳng hạn như nhận đơn hàng nhưng không đảm bảo giao đúng yêu cầu hoặc làm ăn chụp giật, cơ hội không chỉ vuột mất mà tạo nên tiếng xấu cho ngành chế biến gỗ trong nước.
LÊ SƠN
Chờ xuất khẩu giày dép của VN vào EU hồi phục
Ông Nguyễn Văn Lê, phó tổng giám đốc Công ty công nghiệp giày Đông Hưng, cho biết thị trường EU hiện chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến 170 triệu USD năm 2015 của doanh nghiệp này và giữ vai trò thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế bất ổn và khó khăn ở khu vực này thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà mua hàng.
“Họ giảm số lượng đặt hàng, thời gian thanh toán kéo dài và yêu cầu nhà sản xuất hạ giá bán. Ngay cả khi FTA giữa VN và EU được thông qua, nếu kinh tế khu vực EU không ấm lên, tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày VN vẫn chưa thể phát triển mạnh” - ông Lê nhận xét.
Theo các doanh nghiệp, dù thuế suất nhập khẩu giày dép từ VN vào EU sẽ thấp hơn mức 8-17% (tùy loại) như hiện nay sau FTA, nhưng với phương thức xuất khẩu FOB thông dụng hiện nay, phần giá trị gia tăng các doanh nghiệp xuất khẩu thực hưởng vẫn thấp do không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó các tiêu chuẩn xuất khẩu do EU quy định nằm trong số các tiêu chuẩn khắt khe và khó đạt được nhất, với chi phí cao nhất trên thế giới, chưa kể nguy cơ đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn, với mức độ rộng hơn.
TRẦN VŨ NGHI