Việt Nam tham gia TPP với tư cách là một nước nông nghiệp chứ không phải là công nghiệp. Thế nhưng những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi đang bị “đầu độc” ngày càng phổ biến. Do vậy nguy cơ chưa kịp cạnh tranh hội nhập đã chết ngay trên sân nhà là rất gần.
Thương mại điện tử - Con đường mới cho xuất khẩu
- Cập nhật : 25/10/2015
(Thuong mai)
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu hiện nay đã nhận thức một cách sâu sắc sức mạnh của thương mại điện tử và đang dần chuyển công việc kinh doanh từ truyền thống sang môi trường trực tuyến. Do đó, việc đẩy mạnh kênh bán hàng qua thương mại điện tử sẽ được nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn nhất là khi Hiệp định TPP chính thức được thông qua.
Trong những năm gần đây, nhu cầu bán hàng và marketing trực tuyến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng tăng lên. Các doanh nghiệp nhỏ ưa chuộng các dịch vụ đa dạng và hiệu quả nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu về từ khoản đầu tư cho hoạt động marketing. Thương mại điện tử đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để mở rộng hoạt động kinh doanh và các giao dịch trực tuyến, giúp định hướng cho sự phát triển của sản phẩm và dịch vụ mới của doanh nghiệp. Tính linh động và hiệu quả của thương mại điện tử giúp hoạt động kinh doanh của họ phát triển và trở nên cạnh tranh hơn so với đối thủ trong một môi trường kinh doanh quốc tế đầy thử thách.
Theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng, cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam đang được mở ra khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thông qua ngày 5.10 vừa qua. Theo đó, các nước tham gia Hiệp định TPP đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai. TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội này và sử dụng thật tốt công nghệ thông tin để hỗ trợ cho xuất khẩu của mình.
Đầu tư website đa ngôn ngữ
Theo đại diện Công ty Dịch thuật toàn cầu EXPERTRANS Phan Đức Tâm, để tận dụng và khai thác tốt kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý việc đầu tư website đa ngôn ngữ bởi xu hướng mua hàng qua mạng hiện chiếm ưu thế trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Nhất là, website đa ngôn ngữ được cho là công cụ hữu ích đưa hàng hóa của doanh nghiệp ra thế giới với chi phí thấp nhất. Kết quả nghiên cứu hành vi người dùng mua hàng qua mạng cho thấy, khả năng quyết định mua hàng có thể tăng 4 lần nếu khách hàng được tham khảo sản phẩm trên website có ngôn ngữ bản địa và 37% khách hàng sẽ tiếp tục xem các bài viết liên quan đến website nước ngoài nếu sử dụng ngôn ngữ bản địa của họ.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và công nghệ OSB Trần Đình Toản, để có thể khai thác tốt các kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần tập trung tối ưu hóa gian hàng điện tử; tăng khả năng quảng bá; tối đa khả năng tiếp cận nhà nhập khẩu; tối ưu hóa chăm sóc khách hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Giám đốc Xuất nhập khẩu Đặng Quang Vũ cho hay, đơn vị đã tận dụng tốt kênh thương mại điện tử để phát triển thêm thị trường mới, bán nhiều hàng hóa hơn. Để làm được điều này, Hapro đã đưa các thông tin chi tiết về sản phẩm, chất lượng và các thông tin cần thiết về công ty, làm tăng sự tin tưởng cho khách hàng. Theo ông Đặng Quang Vũ, hiện Hapro không chỉ phát triển mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia, với doanh thu bán hàng hơn 9.000 tỷ đồng/năm. Do đó, sớm tích cực tiếp cận kênh thương mại điện tử để xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm các đối tác nhập khẩu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, chương Thương mại điện tử của Hiệp định TPP đã khuyến khích các nước thành viên TPP thúc đẩy thương mại không giấy tờ giữa các doanh nghiệp và Chính phủ, như các mẫu khai thuế quan được đưa ra dưới dạng điện tử, cũng như cung cấp chứng minh xác thực và chữ ký điện tử cho các giao dịch thương mại. Hợp tác giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng lợi thế của thương mại điện tử và khuyến khích hợp tác chính sách liên quan tới việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, sự đe dọa của tội phạm máy tính và khả năng của tội phạm máy tính.