Trái với xu thế ảm đạm của năm 2015, mặt hàng gạo đang trở nên “có giá”, tạo điểm nhấn cho nhóm hàng nông lâm thủy sản khi xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá trị trong tháng đầu năm.
Organic: Thị trường béo bở
- Cập nhật : 01/02/2016
(Tin kinh te)
Việt Nam có nguồn nông sản phong phú để chế biến thành sản phẩm sạch, có khả năng cạnh tranh cao, mang lại giá trị gia tăng lớn
Nông nghiệp Việt Nam nếu theo hướng organic (nông nghiệp hữu cơ) sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về giá cả. Đây là nhận định của ông Nguyễn Lâm Viên - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit - về hướng đi của ngành nông nghiệp trong thời hội nhập tại một cuộc tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) vừa tổ chức.
Đầu ra lớn
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bé Dũng (Bình Thuận), đánh giá với hơn 20 năm phát triển ở Bình Thuận, nguồn cung trái thanh long đã khá lớn nhưng chủ yếu xuất qua Trung Quốc (70%-80%) nên rất bấp bênh. Dù thanh long tươi xuất khẩu đi các nước ngày một nhiều nhưng thu nhập của người trồng và DN kinh doanh mặt hàng này ngày càng sa sút. Xuất sang thị trường khác như châu Âu, Mỹ thì cần nhiều thời gian, trong khi đặc thù thanh long không đáp ứng được nếu xuất trái tươi.
“Tôi từng nhiều lần tìm hướng ra cho thanh long nhưng phải đến năm 2014 mới gặp một DN giới thiệu công nghệ tiên tiến làm nông sản sạch. Vậy là cuối năm đó, tôi nhập dàn máy sấy dẻo thanh long. Do dàn máy hơn 20 tỉ đồng, tôi phải thế chấp toàn bộ nhà cửa cho ngân hàng để vay vốn. Lúc đó, tôi như làm liều vậy, nếu không thành công thì trắng tay. Suốt mấy tháng sau đó, DN của tôi tập trung mày mò làm thanh long sấy dẻo. Cho đến khi thử hết gần 20 tấn thanh long mới ra được sản phẩm như hôm nay” - ông Dũng nói và đưa miếng thanh long sấy dẻo mỏng như miếng bánh tráng, hứa hẹn sẽ hấp dẫn người tiêu dùng, lên khoe.
Cũng là sản phẩm trái cây chế biến xuất khẩu nhưng con đường của ông Võ Phát Triển, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, có vẻ thuận lợi hơn. Từ 10 năm qua, xoài sấy dẻo của DN này đã được người Đức ưa chuộng vì nguồn nguyên liệu sạch. Nhu cầu của thị trường đối với xoài sấy dẻo ngày càng tăng, có khách hàng đặt mỗi tháng 3 container loại 40 feet nhưng ông Triển phải từ chối vì không đáp ứng được. Vì thế, ông kỳ vọng có thêm DN Việt cùng làm nông sản sạch để liên kết đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Lâm Viên thuật lại: “Mới đây, khi tham gia hội chợ ở Mỹ, nhiều đối tác nước ngoài nói với tôi rằng muốn có hiệu quả kinh tế cao, Việt Nam nên tập trung làm sản phẩm organic”.
Giá trị tăng ít nhất 50%
Ông chủ Vinamit cho biết từ đầu, Vinamit đã định hướng làm thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng gặp không ít khó khăn do xu hướng này chưa phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, Vinamit vẫn theo đuổi mục tiêu của mình. “Vinamit không sử dụng chuối già mà dùng chuối xiêm dù chuối già đẹp hơn, ngon hơn. Vinamit không chọn chuối già bởi ở vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ (ĐBSCL) có một cánh rừng chuối xiêm tự nhiên từ 6.000-10.000 ha, nguồn nguyên liệu lâu dài cho chúng tôi” - ông Viên giải thích.
Theo nhiều chuyên gia, organic là hướng đi khả thi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập. Organic là những sản phẩm thực phẩm bình thường nhưng không sử dụng 80 loại hóa chất, phân bón. Nhìn xa hơn, theo vị phó chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, phát triển nông sản theo hướng organic sẽ là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế. “Về lâu dài, nông nghiệp Việt Nam đặc thù tiểu nông, nếu theo xu hướng đại quy mô như đi vào vùng gai nhọn, sẽ bị đâm đau. Còn đi theo ngách organic, sản phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả. Nông sản hữu cơ đã qua chế biến, giá trị sẽ tăng ít nhất 50% so với sản phẩm bình thường” - ông Nguyễn Lâm Viên nhận định.
Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành DNTN Cỏ May, nhìn nhận nông nghiệp Việt Nam rất trù phú và có nhiều tiềm năng để khai thác, nghiên cứu cho ra những sản phẩm sạch nếu biết ứng dụng công nghệ tiên tiến. Việt Nam có nhiều nông sản có thể chế biến theo hướng organic như gấc, sen… “Bên cạnh sản xuất thức ăn gia súc và xuất khẩu gạo, DN Cỏ May nhận thấy có thể tận dụng rất nhiều thứ “hay ho” hơn. Thay vì lấy cám cho heo ăn, chúng tôi đã đưa khoa học, công nghệ vào để chiết xuất ra dầu cám. Trong dầu cám chứa nhiều thành phần khác dùng trong mỹ phẩm, dược phẩm nên có giá trị gia tăng cao hoặc áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nấm rơm sạch mà chuyên gia nước ngoài tự tin chấm muối ăn tại chỗ” - ông Thiện nói.
(Theo Người Lao Động)