Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của các công ty Châu Âu đã cải thiện đáng kể do các nhà đầu tư kỳ vọng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU có thể mang lại triển vọng trong tương lai.
Nới biên độ tỷ giá không có lợi nhiều cho xuất khẩu
- Cập nhật : 19/08/2015
(Tai chinh)
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ giúp hàng hóa Trung Quốc giá nguyên vật liệu giảm sẽ có lợi cho Việt Nam. Trong khi đó, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá chỉ có tác dụng về tâm lý chứ không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu.
Trao đổi với Vinanet về tác động của việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ giúp hàng hóa Trung Quốc đã rẻ lại càng rẻ hơn và nhiều người cho rằng như thế hàng Việt Nam sẽ không cạnh tranh được và tình hình nhập siêu với Trung Quốc thêm trầm trọng.
“Điều này là không đáng lo ngại” – TS Bùi Trinh nói “Vì bản chất nhập khẩu từ Trung Quốc 60% là nguyên vật liệu, trên 30% cho máy móc thiết bị và chỉ khoảng gần 10% cho tiêu dùng cuối cùng”.
Như vậy, TS Bùi Trinh khẳng định việc giá hàng nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc giảm sẽ có lợi cho Việt Nam.
Ông Bùi Trinh cho rằng kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, nếu không nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ nước khác. “Như vậy tại sao Ngân hàng Nhà nước lại vội vàng nâng biên độ tỷ giá?” – ông Bùi Trinh nêu quan điểm.
Theo tính toán của vị chuyên gia này, đồng Việt Nam mất giá 2% thì chỉ số giá sản xuất (PPI) ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,43% và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá tăng lên 0,52% và GDP có thể giảm 0,21%.
Trò chuyên với Vinanet, một lãnh đạo của Tổng cục Thống kê cũng cùng quan điểm này. Vị này cho rằng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu được hàng hóa với giá rẻ hơn. Nhờ đó, chi phí sản xuất được giảm bớt, góp phần nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam bởi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Mỹ, Liên minh châu Âu.
“Việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá chỉ có tác dụng về tâm lý chứ không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu. Bởi vì các tính toán thực tế đều cho thấy điều chỉnh tỷ giá không làm xuất khẩu tăng” – vị lãnh đạo Tổng cục Thống kê bày tỏ quan điểm.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Trước hết về mặt tính toán, nhập khẩu tăng lên tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP, làm tăng trưởng giảm xuống. Thế nhưng tác động gián tiếp của nó là tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp do chi phí cho yếu tố đầu vào rẻ hơn, giúp sản xuất tăng lên. Khi những mặt hàng này được xuất khẩu sang các nước có thể bù đắp cho việc GDP giảm vì nhập khẩu tăng.