Việc để Nhà nước hay thị trường quyết định giá cả hàng hóa thiết yếu không phải là câu hỏi dễ trả lời.
Khe cửa hẹp cho dầu Tường An
- Cập nhật : 20/05/2016
(tin kinh te)
Cơ hội để Tường An vươn lên trên thị trường dầu ăn đang ngày càng hẹp khi họ không nắm trong tay quyền tự quyết. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh và nguy cơ tiếp tục đánh mất thị phần lại ngày càng lớn.
Từng thống lĩnh thị trường dầu ăn trong nhiều năm nhưng cổ đông Tường An (HOSE: TAC) đang chứng kiến thị phần ngày càng sụt giảm. Cái tên Tường An từng là cái tên nằm trong tiềm thức khi chọn lựa mua hàng của các bà nội trợ. Thế nhưng cái tên này đang dần quên đinó dường như đang trở nên nhạt hơn khi sự cạnh tranh ngày càng lớn kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Nếu như cách đây hơn 10 năm, Tường An chiếm trên 35% thị phần dầu ăn thì hiện tại chỉ còn khoảng 20% và nguy cơ tiếp tục trượt.
Sự cạnh tranh từ các công ty trong nước và các sản phẩm ngoại nhập có giá thành thấp hơn khiến cho miếng bánh ngày càng bị chia nhỏ ra nhiều mảnh. Khi nhu cầu thị trường được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng Tường An hầu như không có cách nào để tăng trưởng doanh số. Lợi nhuận gộp không có sự cải thiện khiến cho lợi nhuận không có sự tăng trưởng như kỳ vọng của cổ đông. Biên lợi nhuận gộp chỉ xấp xỉ chưa đến 10% và chưa cho thấy sự cải thiện nào trong suốt nhiều năm.
Điểm sáng trong năm 2015, Tường An có lợi nhuận tăng 10% so với năm trước, mức tăng khá cao so với những năm liền trước đó. Yếu tố đã giúp TAC giảm được giá vôn đó chính là nguyên liệu đầu vào giảm mạnh trong năm 2015. Nhưng nhìn chung, doanh số bán hàng của TAC lại tiếp tục giảm, so với năm 2014 là giảm 13%. Năm 2016, TAC đặt mục tiêu doanh thu 3.750 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2015, lợi nhuận 65 tỷ đồng, giảm so với mức xấp xỉ 70 tỷ đồng đạt được năm 2015.
Áp lực từ dầu nhập khẩu
Mới đây, cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chính thức công bố thuế nhập khẩu tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%, tính từ ngày 8/5/2016 đến 7/5/2017.
Kể từ 8/5/2017 trở đi, nếu không gia hạn thuế tự vệ với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu, mức thuế sẽ trở về 0%. Điều này cũng có nghĩa ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ chấm dứt được bảo vệ sau một thời gian dài áp thuế các sản phẩm dầu ăn nhập khẩu từ các nước.
Tại đại hội cổ đông năm ngoái, đã có nhiều ý kiến đóng góp của cổ đông xoay quanh vấn đề tự chủ nguyên liệu của TAC, tình hình cạnh tranh sản phẩm dầu ăn ngày càng gay gắt khi lộ trình thuế nhập khẩu dầu tinh luyện sắp được giảm về mức 0%.
Tuy vậy, cho đến nay, ban lãnh đạo TAC vẫn chưa có động thái gì cho thấy sự chuẩn bị gì trước áp lực cạnh tranh và sụt giảm thị phần ngày càng lớn.
Điều gì sẽ xãy ra với các doanh nghiệp sản xuất mặt dầu thực vật trong nước khi thuế tự vệ mặt hàng này giảm dần về 0 trong năm tiếp theo?
Vào thời điểm từ năm 2010-2012, khi chưa có thuế tự vệ nhập khẩu, lượng nhập khẩu dầu tinh luyện đã tăng đột biến số lượng vào thị trường Việt Nam. Theo Sở Công thương, nếu năm 2010 lượng dầu thực vật nhập khẩu là hơn 350.000 tấn, thì năm 2012 con số này đã trên 664.000 tấn.
Lúc đó, lãnh đạo của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) từng chia sẻ với báo chí rằng, việc áp thuế suất thuế nhập khẩu dầu ăn về 0% từ đầu năm 2012 khiến các đơn vị trong ngành lao đao và Vocarimex cũng không ngoại lệ.
Lượng nhập khẩu dầu chỉ giảm đà tăng năm 2013/2014 sau khi Bộ Công thương ra quyết định áp thuế suất thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam. Giảm xuống 4% vào giữa năm 2014 và 3% từ giữa năm 2015 đã phần nào hỗ trợ doanh nghiệp dầu thực vật trong nước chống chọi với các sản phẩm nhập khẩu.
Nhận xét về tình hình cạnh tranh trong ngành hiện nay, một trưởng phòng Marketing của một công ty trong ngành cũng từng nhận định rằng cạnh tranh trong ngành sản xuất dầu ăn ngày càng gay gắt. Thị trường liên tục xuất hiện các nhãn hiệu dầu ăn mới, và chỉ cần một công ty cho ra đời một dòng sản phẩm mới là có hàng chục thương hiệu cùng loại xuất hiện.
Tại các siêu thị lớn ở TP.HCM, thời gian gần đây người tiêu dùng đã không còn lạ lẫm với các loại dầu ăn nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Singapore... Mặc dù giá bán lẻ trên thị trường không rẻ so với hàng nội nhưng sở dĩ các công ty thương mại, công ty sản xuất dầu ăn đua nhau nhập khẩu cả hàng đóng chai và dầu dạng can lớn về đóng chai là do giá gốc của dầu nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với hàng sản xuất trong nước.
Khi thuế tự vệ nhập khẩu được gở bỏ hoàn toàn vào giữa năm 2017 từ mức 3% trong năm vừa qua, các sản phẩm nhập khẩu sẽ giảm được chi phí khá lớn so với TAC do biên lợi nhuận gộp của TAC khá thấp chỉ chưa đến 10%. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ để TAC có thể duy trì được thị phần hiện tại.
Tuy vậy, kịch bản có thể sẽ khác, bởi lẽ nếu như thuế nhập khẩu giảm 3%, đồng nghĩa với việc TAC cũng sẽ hưởng lợi nhờ yếu tố giá vốn giảm tương ứng. Nhưng thực tế lại không phải vậy.
Bao giờ Vocarimex hết chi phối ?
Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường nhiên năm trước, ngoài áp lực cạnh tranh thì vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là chuyện mua nguyên liệu đầu vào. Nhiều cổ đông đã tỏ ra bức xúc khi Công ty mua nguyên liệu từ Vocarimex (công ty mẹ chiếm 51% cổ phần tại Tường An). Vocarimex không sản xuất ra nguyên liệu mà lại nhập từ nước ngoài rồi về bán lại cho Tường An lấy lời.
Điều đáng nói là doanh thu từ việc cung ứng nguyên liệu cho công ty con như Tường An và Dầu Tân Bình đang chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong tổng doanh thu của Vocarimex. Chẳng hạn, trong năm 2013, Vocarimex bán nguyên liệu cho Tường An với doanh số gần 2.235 tỉ đồng trong tổng số 3.593 tỉ đồng doanh thu thuần. Nếu như giá vốn chênh lệch 1% thôi, TAC đã có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng tiền mua nguyên liệu.
Đại hội năm trước, nhiều cổ đông đã quan ngại rằng, việc phải mua lại nguyên liệu từ khâu trung gian Vocarimex mà không chủ động mua trực tiếp có thể khiến cho chi phí bị đẩy lên cao.
Vấn đề này dự kiến sẽ tiếp tục là đề tài sôi sục trong đại hội cổ đông năm nay. Khi mà Vocarimex không dễ gì từ bỏ việc bán nguyên liệu cho Tường An vì khoản này đóng góp tới hơn nữa doanh số của công ty mẹ.
Mới đây, bên phía Vocarimex cũng vừa thông qua nghị quyết đại hội đồng cổ đông với doanh thu 4.100 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015 nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng vượt bậc với con số 140 tỷ đồng, tăng 275% so với 51 tỷ đồng thực hiện trong năm 2015. Với kế hoạch đặt ra cao như vậy, việc rút lui không cung cấp nguyên liệu cho TAC là rất khó xảy ra.
Để ý rằng, từ 2012 đến nay giá dầu cọ và dầu nành thế giới sụt giảm mạnh gần ½ so với đã tạo điều kiện giúp TAC giảm chi phí đầu vào. Tuy vậy, mức giảm là chưa tương xứng và lợi nhuận biên của TAC vẫn không có sự thay đổi nào đáng kể.
Với tình hình kinh doanh sắp tới được dự báo còn nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh lớn, bên cạnh đó, việc nguyên liệu đầu vào chủ động, và giá cả có khả năng bật tăng trở lại từ vùng giá thấp nhất trong năm năm qua có thể sẽ khiến giá vốn hàng bán tăng trở lại.
Khi doanh thu không tăng, các khoản chi phí từ quản lý doanh nghiệp cho đến chi phí bán hàng đều khó có thể giảm thêm. Lúc này yếu tố đóng vai trò quan trọng có thể can thiệp là giá vốn hàng bán lại không thể tác động thì làm sao TAC có thể duy trì được lợi nhuận chứ chưa nói đến tăng trưởng?
Hoàng Trung
(Theo Người Đồng Hành)