Báo Người Lao Động trân trọng giới thiệu bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Đàm phán - không bao giờ chỉ được mà không mất gì"
- Cập nhật : 12/02/2016
(Tin kinh te)
Một ngày cuối năm bận rộn, tại căn phòng nhỏ với những chồng tài liệu khổng lồ, chúng tôi có cơ hội được trò chuyện với một chuyên gia đàm phán hội nhập của Bộ Tài chính.
Với vóc dáng nhỏ nhắn, phong thái giản dị, chân thật nhưng sâu sắc và hóm hỉnh, câu chuyện của anh về một Hiệp định TPP “rất to tát” lại được chuyển tải một cách thật nhẹ nhàng, đơn giản. Anh là Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính - Trưởng nhóm Hàng hóa của Đoàn đàm phán TPP Việt Nam.
Không phải ngày một ngày hai, TPP được "bàn" đến trong suốt 7-8 năm. Vậy những ngày đầu, chúng ta đã "tham gia" như thế nào. Anh còn nhớ không?
Khoảng năm 2008-2009, Hoa Kỳ và một số nước có đến Việt Nam để giới thiệu về TPP thì tôi đã được tham gia nghe và trao đổi về Hiệp định này. Khi đó, họ giới thiệu cho chúng ta biết về TPP với những khái niệm còn rất chung, rất nhiều nội dung chúng ta cũng chưa định hình và hiểu rõ được. Những nội dung cụ thể đầy đủ hơn về sau này đã được xây dựng dần qua quá trình đàm phán.
Tôi còn nhớ, trong 3 phiên đàm phán đầu tiên, Việt Nam chỉ tham gia với vai trò là quan sát viên đặc biệt, hay còn gọi là thành viên liên kết, được phép dự đàm phán, được tham gia ý kiến nhưng không được biểu quyết. Nhưng giai đoạn đó cơ bản là trao đổi quan điểm nên vai trò của Việt Nam cơ bản cũng như 7 nước thành viên khác khi đó là Hoa Kỳ, New Zealand, Chile, Singapore, Brunei, Úc và Peru.
Tham gia đàm phán TPP có nhiều nhóm, mỗi nhóm phụ trách một lĩnh vực cụ thể. Nhóm hàng hoá gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và tôi, với vai trò là đại diện Bộ Tài chính, được giao nhiệm vụ làm trưởng nhóm, điều phối trong nhóm.
Trong nhóm thì đại diện của mỗi cơ quan có nhiệm vụ rất rõ ràng, như Bộ Công Thương phải đảm bảo đối tác đàm phán phải mở cửa cao nhất cho ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản, còn Bộ Tài chính thì đảm bảo mở cửa thị trường cho hàng hoá của các đối tác ở mức phù hợp nhất. Vì vậy, phải điều phối để các mục tiêu trên đều đạt kết quả cao nhất. Nói cho dễ hiểu là "đi mặc cả", xem "vốn" của mình ít hay nhiều để "mặc cả" cho phù hợp.
Vậy cụ thể đàm phán được tiến hành thế nào? Nghe nói công việc "đàm phán" rất vất vả, nặng nhọc, không chỉ "đấu" trí mà thời gian cũng rất áp lực. Với TPP, chúng ta có thế không?
Khi tham gia đàm phán, có những phiên làm chung với các nước, có phiên làm song phương với từng nước. Trong một ngày, một đoàn đàm phán có thể có một hoặc nhiều hoạt động như thế diễn ra liên tục. Cuối ngày, cả đoàn họp lại với nhau để báo cáo phần công việc của mình và xin ý kiến Trưởng đoàn để có hướng xử lý trong những ngày đàm phán tiếp theo.
Trên cơ sở những nội dung đã chuẩn bị và xin chỉ đạo về chủ trương từ nhà (ở Việt Nam-PV), chúng tôi chuẩn bị nhiều kịch bản, phương án đàm phán trong khuôn khổ đấy. Cách thức phối hợp phải thật nhịp nhàng sao cho cả đoàn như một cỗ máy đồng điệu, vận hành trơn tru, cùng nhau hoàn thành tốt dưới sự chỉ đạo từ nhà và điều phối của đồng chí Trưởng đoàn.
Tính chính thức thì có 19 vòng đàm phán, ngoài ra còn có những vòng không chính thức và rất nhiều các phiên đàm phán song phương với từng nước đối tác trong TPP. Tổng cộng khoảng 40 vòng.
Trong số đó thì có những phiên đàm phán chung kéo dài khoảng 1-2 tuần với sự tham gia thảo luận của cả 12 nước thành viên về những vấn đề chung. Ngoài ra, còn có những phiên đàm phán riêng với từng nước thành viên để xử lý các mối quan tâm chung của hai bên. Thậm chí, chỉ thảo luận trong các phiên đàm phán thôi cũng chưa đủ, hai nước còn gặp mặt thêm (đàm phán song phương) để giải quyết những khúc mắc, tồn đọng. Quá trình đó diễn ra liên tục trong suốt hơn 5 năm.
Nói chung việc đàm phán khá căng thẳng, nhất là khi các nước tổ chức đàm phán tại Nam Mỹ như ở Peru hay Chile vì sau một chặng đường dài có khi mất tới gần 48 tiếng từ lúc rời Việt Nam mới đến được Peru hay Chile thì ngay sau đó phải bắt tay vào đàm phán. Thậm chí trên đường đi cũng đã phải thu xếp lịch đàm phán song phương cũng như chuẩn bị các nội dung làm việc.
Tham gia đàm phán TPP có khá nhiều nước lớn, Việt Nam có sợ “bị bắt nạt” không?
Cũng phải xác định mình cần họ, họ cũng cần mình, như vậy thì 2 bên là đối tác của nhau. Đàm phán thành công thì lập luận phải tốt, họ lập luận tốt thì ta nghe, ta lập luận tốt thì họ cũng phải nghe. Tâm niệm như vậy để ta không phải "sợ" họ và nói chung đôi lúc cũng phải "rắn" và "liều" (cười).
Đối tác nào theo anh là khó đạt được thỏa thuận nhất?
Những nước có lợi ích là khó đàm phán nhất. Như với Hoa Kỳ là đối tác quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất của Việt Nam trong TPP thì những mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ là những mặt hàng được bảo hộ ở mức cao nên quá trình đàm phán khá khó khăn, hay họ đòi ta mở cửa thị trường rất nhanh cho những mặt hàng mà họ có thế mạnh. Hoặc như với Mexico thì họ cũng rất lo ngại các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày…
Nếu định lượng, anh nghĩ, chúng ta đã đạt được bao nhiêu % mục tiêu đặt ra?
Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là làm sao mang về lợi ích nhiều nhất cho quốc gia. Định lượng thì rất vô cùng, con số là bao nhiêu còn tùy vào kỳ vọng của từng người đánh giá.
Riêng tôi, luôn xác định rằng đã đi đàm phán thì không bao giờ chỉ được mà không mất gì. Chúng ta buộc phải mở cửa thị trường ở trong khuôn khổ có thể chấp nhận được và khi các nước mở cửa thị trường cho Việt Nam thì chắc chắn phải trên mức mình chấp nhận được. Nếu họ đòi hỏi quá cao hoặc mở cửa dưới mức mình yêu cầu thì chưa thể kết thúc đàm phán.
TPP được xem như một sự kiện lớn đối với Việt Nam, thậm chí có thể còn quan trọng hơn cả thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Rất nhiều kỳ vọng, nhiều phân tích, bình luận, nhận định. Liệu chúng ta có đang "thổi phồng" quá những lợi ích, tác động mà TPP mang lại?
Sau khi chúng ta gia nhập WTO thì ai cũng nói đến WTO. Bây giờ là TPP thì công chúng và báo chí cũng "xôn xao" như vậy. Có thể thấy sự “xôn xao” ấy xuất phát từ quy mô của Hiệp định. Như WTO - đây là một tổ chức lớn, tạo ra những quy tắc thương mại toàn cầu, trong khi Việt Nam khi đó đang là nền kinh tế chuyển đổi. Hòa nhập vào WTO, Việt Nam phải sửa đổi cả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với các cam kết. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
TPP cũng tương tự. Với hàng nghìn trang văn kiện, hàm lượng nội dung đồ sộ hơn trong nhiều lĩnh vực. Khác với các Hiệp định thương mại tự do đã ký, TPP có phạm vi rộng hơn, mức độ cam kết sâu hơn, từ đó tác động lớn hơn và buộc ta sẽ phải có nhiều điều chỉnh cơ chế chính sách. Hiện nay, dù chưa thực hiện TPP, chúng ta vẫn đang tái cơ cấu nền kinh tế để phù hợp hơn với xu hướng hội nhập. Thêm TPP, nền kinh tế nước ta sẽ có thêm cú hích, thêm động lực, thêm sức ép để quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên cũng phải nói điều đó có xảy ra không còn tuỳ thuộc TPP khi nào được ký kết và phê chuẩn có hiệu lực; và chúng ta cũng cần bình tĩnh, tỉnh táo để đánh giá, nhận định đầy đủ cơ hội cũng như thách thức của TPP.
Nhìn chung, mỗi nền kinh tế, dù có quy mô khác nhau, nhưng đều tồn tại các doanh nghiệp khác nhau từ lớn, vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Mỗi loại doanh nghiệp đều có phân khúc thị trường riêng và lợi thế riêng. Vấn đề là doanh nghiệp phải khai thác được lợi thế đó. Trong một nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải tự thân là chính. Kết quả đàm phán chỉ đem lại cơ hội, còn biến cơ hội đó thành thực tế thì phụ thuộc vào chính doanh nghiệp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Hồng Vân
Báo Hải quan