Hầu hết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết, các cam kết cắt giảm thuế đều ở mức 80% trở lên đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu, song cũng tạo nên những áp lực cạnh tranh trên chính sân nhà.
Chuyện chưa kể về các FTA và những điều hối tiếc
- Cập nhật : 12/02/2016
(Tin kinh te)
Nếu Việt Nam biết tận dụng tốt hơn những cơ hội trong Hội nhập thì những thành quả từ Hội nhập có thể sẽ lớn hơn…
Một trong những điều đáng tiếc nhất được chính người trong cuộc kể lại rằng, Việt Nam đã không ký Hiệp định thương mại song phương BTA Việt Nam – Hoa Kỳ sớm hơn do những ngập ngừng, lo ngại trước việc hội nhập với một “cựu thủ”.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA cho biết do chậm trễ nên Việt Nam đã không thể mở đường để kết thúc sớm hơn việc gia nhập WTO, nên buộc phải kéo dài thời điểm này sau Trung Quốc 5 năm.
Từ chậm chân trong BTA đến lỡ nhịp với WTO
Chuyện kể, bắt đầu từ năm 1995, sau 4 năm đàm phán, tháng 7/1999, đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã thống nhất được quan điểm và dự kiến BTA có thể ký kết ngay tại New Zealand tháng 9/1999, nhân dịp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng đến phút cuối, kế hoạch này đã không thành, trở thành nỗi tiếc nuối cho cả hai bên.
Ông Lương nói: Nếu chúng ta ký được BTA sớm hơn như kế hoạch ban đầu thì có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán WTO vì Hoa kỳ là đối tác quan trọng nhất trong đàm phán song phương. Tuy nhiên, vì sự chậm trễ trong ký BTA nên Trung QUốc đã chớp cơ hội kết thúc nhanh đàm phán gia nhập WTO và được kết nạp vào WTO ngay trong năm 2001.
Việc đàm phán WTO sau một nước lớn như Trung Quốc đã khiến chúng ta vất vả hơn rất nhiều vì những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, thách thức hơn từ phía các đối tác song phương. Kết quả là đến cuối năm 2006, chậm hơn Trung Quốc đến 5 năm, Việt Nam mới gia nhập WTO.
Theo nhìn nhận của TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong kinh doanh quốc tế, thời điểm có vai trò cực kỳ quan trọng, nên việc gia nhập WTO sau Trung Quốc tới 5 năm đã đánh mất nhiều cơ hội đối với Việt Nam trong việc thu hút nhiều nguồn đầu tư chiến lược của thế giới, cũng như chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu ra thế giới các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh như dệt may, da giày…
Vị chuyên gia trên còn cho rằng, nếu Việt Nam quyết liệt đẩy mạnh cải cách trong nước để nâng cao năng lực hội nhập, năng lực thực thi cam kết hội nhập tốt hơn thì VIệt Nam sẽ được hưởng lợi hơn từ hội nhập, cũng như không chịu những bất ổn vĩ mô kéo dài như nhập siêu, thâm hụt ngân sách, lạm phát cao.
“Có thể nói Việt Nam đã làm tốt khía cạnh tuân thủ, còn chưa thành công trong chiến lược ứng phó. Có nghĩa là Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập về rỡ bỏ thuế quan,trợ cấp xuất khẩu, các hàng rào đầu tư đối với ngành dịch vụ, cam kết sở hữu trí tuệ… Nhưng chiến lược ứng phó thể hiện sự chủ động trong việc đẩy mạnh cải cách thể chế trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thì chưa làm được”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá.
Giỏi thực thi, yếu ứng phó
Đó là thực thi cam kết BTA với Hoa Kỳ, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội sân khách thì tại sân nhà, doanh nghiệp lại không làm được. Đoàn đàm phán đã rất nỗ lực trong trì hoãn mở cửa ngành dịch vụ bán lẻ - một ngành được xem là nhạy cảm nên đạt được thỏa thuận là sau 9 năm, tức năm 2009 mới mở cửa. Gia nhập WTO chúng ta cũng bảo lưu cam kết này. Song cả doanh nghiệp và Chính phủ đều chưa có nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh đối phó với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, nên các doanh nghiệp lớn đã có mặt tại Việt Nam, chiếm những vị trí đắc địa
Đối với WTO, việc thực thi cũng được tuân thủ song những nhiệm vụ liên quan đến ứng phó như cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực, cạnh tranh doanh nhiều, nâng cao hiệu quả đầu tư còn nhiều bất cập, phát triển nhân lực còn hạn chế, chưa có nhiều đột phá.
Đó là việc năm 2007 sau khi gia nhạp WTO, lạm phát của Việt Nam đã ở mức cao vào năm 2008. Bất ổn kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách, nợ xấu kéo dài suốt giai đoạn 2008 – 2013, đo những điểm yếu mang tính cấu trúc của nền kinh tế đã làm cho năng lực doanh nghiệp đi xuống.
Trong những năm qua, hàng năm có khoảng 50.000 doanh nghiệp phải dừng, giải thể và phá sản do những bất ổn vĩ mô gây ra. Trong khi đó, hàng rào của chúng ta với hàng hóa trong nước lại bỏ ngỏ, nên hiện hàng hóa của các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… tràn ngập.
Bài toàn nhập siêu cũng không được giải quyết do công nghiệp phụ trợ trong một thời gian dài trước khi gia nhập WTO còn thiếu và yếu. Vì thế mở cửa càng làm cơ hội cho nhập khẩu gia tăng, gây thâm hụt cán cân thương mại. Công nghiệp phụ trợ yếu khiến cho xuất khẩu không chỉ dựa vào nhập khẩu mà nền kinh tế còn không thu hút được các công ty FDI vào lĩnh vực này.
Theo đánh giá của TS. Thắng, những cơ hội mà Việt Nam tận dụng được là không nhiều, chủ yếu xuất phát từ điều kiện bên ngoài thuận lợi do gia nhập WTO, chứ không phải từ cải cách bên trong. Thực trạng ngày đáng lo ngại ở chỗ là làm cho nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào bên ngoài, khi nền kinh tế thế giới phát triển thì ta cũng phát triển, nhưng khi kinh tế thế giới suy thoái thì nước ta cũng chịu hậu quả nặng nề.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ/ CafeF