tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bóc mẽ chiêu trò ép giá, trả hàng của doanh nghiệp nước ngoài

  • Cập nhật : 14/10/2015

(Tin kinh te)

Thị trường nước ngoài không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn có thị trường đầu cơ. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu không tỉnh táo và thận trọng thì rất dễ bị ép giá, chịu rủi ro trong giao dịch thương mại theo kiểu "chợ trời".

boc me chieu tro ep gia, tra hang cua doanh nghiep nuoc ngoai

Bóc mẽ chiêu trò ép giá, trả hàng của doanh nghiệp nước ngoài

Trong cuộc họp giao ban xuất khẩu 9 tháng năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, có rất nhiều lỗ hổng trong giao dịch thương mại với thị trường ngoài nước và đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tỉnh táo, cần đảm bảo phương thức mua bán chuẩn mực để tránh các nguy hiểm.

Theo ông Nam, thị trường ngoài nước về cơ bản có nhiều thị trường tiêu thụ nhưng lại có các thị trường đầu cơ như Singapore, Dubai, Trung Quốc. Những thị trường này, khi thiếu thì họ mua ồ ạt từ Việt Nam nhưng mua lại đề nghị trả chậm, mua thanh toán sau. Điều này dẫn đến việc khi tồn kho của họ quá lớn, không bán được thì họ nói chất lượng hàng của Việt Nam có vấn đề và trả hàng lại hoặc ép giá xuống.

Ông Nam nói: "Khi cần, họ sẵn sàng mua bán phá giá nhưng khi rủi ro, họ chặn lại hàng, không trả tiền nữa".

Cũng là câu chuyện giao dịch, tại thị trường Nga, ông Nam cho rằng đây là thị trường đang bị cấm vận nhưng ai cũng muốn vào, song họ không có tiền trả bằng USD. "Chúng tôi đưa hàng sang, họ không có tiền trả, tôi không biết làm thế nào, họ nói không có tiền. Lâu nay, chúng tôi bán vào Nga nhiều nhưng lại phải vòng qua châu Âu", ông Nam băn khoăn. 

Ngoài ra, ông Nam còn chỉ ra một số khó khăn của ngành cà phê, cao su như 9 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành giảm 30% về lượng và 31% về giá. Ảnh hưởng của tỷ giá khiến cho giá cà phê giảm từ 40.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg, tồn kho còn 1/3 sản lượng mùa vụ...
Vì vậy, ông Nam cảnh báo các DN nên chuẩn mực trong giao dịch thanh toán và cẩn trọng trong việc lựa chọn khách hàng để tránh các nguy hiểm. Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Cao su cũng mong muốn có hình thức mua đứt bán đoạn theo dạng trao đổi hàng hóa với Nga trên cơ sở thông qua Bộ Quốc phòng. Bởi lẽ, Bộ Quốc phòng mua lượng hàng hóa khá lớn hàng năm từ Nga.

Phản hồi các ý kiến này, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao những thông tin thị trường, kết nối cung cầu, các vấn đề liên quan tới giao dịch thương mại mà ông Nam đã nêu. Thứ trưởng đề nghị tổ liên ngành cần có những tính toán hợp lý, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị kịp thời trong điều hành Chính phủ.


Thứ trưởng nhấn mạnh việc buôn bán thương mại như kể trên thể hiện rõ ý đồ, thủ đoạn của các đối tác nước ngoài, lợi dụng môi trường cạnh tranh thiếu thống nhất của các doanh nghiệp trong phương thức thanh toán, kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ và cơ quan nhà nước không thể áp đặt, sử dụng các quy định hành chính để các doanh nghiệp tuân theo. Trên cơ sở lợi ích, các doanh nghiệp phải tự cân nhắc để có phương thức giao dịch tốt nhất.

Ngoài ra, Thứ trưởng cho rằng doanh nghiệp và Nhà nước cần có sự phối hợp trong các chính sách và nguồn lực hỗ trợ, giương cao vai trò của các Hiệp hội trong xây dựng chính sách, hợp tác thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen lại đề nghị, nếu cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành thì ở góc độ của mình, Chính phủ nên có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc tạo sức mạnh cạnh tranh quốc gia, kể cả Bộ Ngoại giao.  Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn, làm ăn đàng hoàng khôn ngoan hơn. Đặc biệt, ông Vũ đề nghị Bộ Công Thương cần tăng cường đội ngũ nhân lực cho Cục quản lý cạnh tranh để đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.


Khổng Chiêm
Theo Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục