Cư dân biên giới và thương nhân kinh doanh, giao dịch tại chợ biên giới được thanh toán qua ngân hàng bằng nhân dân tệ (CNY), tiền đồng Việt Nam (VND); chỉ được phép thanh toán tiền mặt bằng VND, không được thanh toán tiền mặt bằng CNY.
Những điểm mới về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- Cập nhật : 08/09/2018
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 07- NQ/TW của Bộ Chính trị, năm 2017, Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới, trong đó có một số chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản của các chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành từ năm 2018.
7 điểm mới của Nghị định 125/2017/NĐ-CP
Ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu (XNK) ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu (NK) ngoài hạn ngạch thuế quan. Việc ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đáp ứng được 3 mục đích sau:
Một là, thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu (XK), NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN và thống nhất với quy định của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Hai là, giải quyết các kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế XK, thuế NK của các bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ), Hiệp hội (Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam), cơ quan hải quan và kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động XNK.
Ba là, hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế NK theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đó là từ năm 2018 trở đi, thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt tại các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt giảm nhanh, do vào giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế NK.
Đặc biệt, thuế NK ưu đãi đặc biệt giảm xuống 0% theo Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt trong nội khối ASEAN (gọi tắt là Biểu thuế ATIGA - Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 – 2022).
Theo đó, từ ngày 01/01/2018 có 98,26% số dòng thuế tại Biểu thuế ATGIA về mức 0%, trong đó có mặt hàng xe ô tô nguyên chiếc các loại nên dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường xe ô tô Việt Nam và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Vì vậy, cần sửa đổi chính sách thuế đối với linh kiện ô tô để góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu, qua đó góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển...
Ngoài các mục đích trên, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP có những điểm mới sửa đổi như sau:
Thứ nhất, thay thế 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để thống nhất với danh mục hàng hóa XNK Việt Nam gồm: Phụ lục I - Biểu thuế XK theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục II - Biểu thuế NK ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục III - Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) đã qua sử dụng; Phụ lục IV - Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Thứ hai, bổ sung nguyên tắc kê khai tên hàng và mã hàng đối với các mặt hàng thuộc nhóm có STT 211 “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” tại Biểu thuế XK khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, bổ sung 2 điều kiện xác định mặt hàng XK thuộc nhóm hàng có STT 211 như sau:
- Điều kiện 1: Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm (gọi chung là hàng hoá) không thuộc các nhóm có STT từ 01 đến STT 210 tại Biểu thuế XK;
- Điều kiện 2: Có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về việc thực hiện thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan chung và hạn ngạch thuế quan riêng theo các FTA. Nhờ đó, góp phần cụ thể hóa chính sách đối với các mặt hàng quản lý theo hạn ngạch, tạo minh bạch và thuận lợi cho cơ quan hải quan và DN trong quá trình thực thi.
Thứ tư, bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế NK đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2022. Trong năm 2017, việc giảm thuế NK đối với xe ô tô nguyên chiếc theo Hiệp định ATIGA (giảm thuế suất về 0% từ 1/1/2018), ngành sản xuất, lắp ráp xe trong nước đã bị tác động mạnh.
Chính phủ đã có các cuộc họp thảo luận để tìm giải pháp khắc phục tác động bất lợi của việc hội nhập và ngày 14/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 14/3/2017 giao Bộ Tài chính “Rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế NK ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế”.
Đây là chỉ đạo rất kịp thời và là cơ sở quan trọng để Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành, Hiệp hội trình Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung Điều 7a quy định về thuế NK ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô NK theo Chương trình ưu đãi thuế.
Theo đó, đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế là DN đảm bảo tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế gồm: DN phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 - 2021), mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định tại điểm b.12 khoản 3.2 Mục I Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP; Linh kiện NK được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được...
Thứ năm, sửa đổi thuế NK ô tô đã qua sử dụng theo hướng tăng mức thuế NK đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với mức cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, giữ nguyên thuế suất đối với xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở lên và xe ô tô tải đã qua sử dụng.
Cụ thể, tại Phụ lục III Nghị định số 125/2017/NĐ-CP quy định, mức thuế tuyệt đối đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc (nhóm 87.03) là 10.000 USD/chiếc.
Mức thuế hỗn hợp đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh trên 1.000cc (kể cả ô tô chở người có khoang chở hành lý chung, SUVs và ô tô thể thao, nhưng không kể ô tô van) thuộc nhóm 87.03 là 200% hoặc 150% + 10.000 USD, lấy theo mức thấp nhất.
Mức thuế hỗn hợp đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh trên 1.000cc khác thuộc nhóm 87.03 là giá tính thuế xe ô tô đã qua sử dụng nhân với mức thuế suất của dòng thuế xe ô tô mới cùng loại cộng 10.000 USD đối với xe trên 1.000cc nhưng không quá 2.500cc và cộng 15.000 USD đối với xe trên 2.500cc.
Đối với xe ô tô từ 10 - 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm 87.02, mức thuế bằng giá tính thuế xe ô tô đã qua sử dụng nhân với mức thuế suất của dòng thuế xe ô tô mới cùng loại cộng 10.000 USD đối với xe dưới 2.500cc và cộng 15.000 USD đối với xe từ 2.500cc trở lên.
Thứ sáu, về mức thuế suất thuế XK, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã sửa đổi thuế XK, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng, cụ thể: có 02 nhóm mặt hàng tăng thuế suất: Mặt hàng gỗ tròn thuộc nhóm 44.03 tăng từ 10% - 25%; mặt hàng gỗ đã cưa hoặc xẻ thuộc nhóm 44.07 từ mức 10%, 20% lên mức 25%; Có 05 nhóm mặt hàng giảm thuế suất (mặt hàng nhôm dạng thanh, que, hình thuộc nhóm 76.04 từ 7% xuống 5%; Mặt hàng nhôm chưa gia công, dạng thỏi, mã hàng 7601.10.00.10, 7601.20.00.10 từ 10% xuống 5%; tinh quặng sắt đã qua chế biến (có tiêu chí kỹ thuật cụ thể) giảm từ 40% xuống 20%; xỉ thuộc nhóm 26.18, 26.19, 26.20 từ 10% xuống 5%; đồng dạng thanh, que, hình thuộc nhóm 74.07 từ 10% xuống 5%; 01 nhóm mặt hàng than gỗ rừng trồng sửa đổi mô tả hàng hóa là than gỗ và giữ nguyên tiêu chí kỹ thuật; 01 nhóm mặt hàng bột oxit silic mịn và siêu mịn bổ sung tiêu chí kỹ thuật.
Thứ bảy, về mức thuế suất thuế NK, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi các nhóm mặt hàng chính sau:
- Sửa đổi thuế NK của dòng thuế do chuyển đổi danh mục và 17 nhóm mặt hàng có sự thay đổi về mô tả hàng hoá, đầu, đuôi, bong bóng và các phụ phẩm ăn được sau giết mổ khác của cá tươi, hoặc ướp lạnh; Các loại cây và các bộ phận của cây, loại đã cắt, nghiền hoặc dạng bột; Cây dược liệu, loại đông lạnh hoặc ướp lạnh; Thuốc trừ côn trùng; Lốp bơm hơi bằng cao su, máy chiếu, mạch điện tử tích hợp...
- Sửa đổi thuế NK, tiêu chí kỹ thuật của 33 nhóm mặt hàng như mặt hàng than, ethanol nhiên liệu (E100), clinker, xi măng, sắt thép...
- Bổ sung thêm 5 nhóm vào Chương 98 (ví dụ: set top boxes, thuốc trị mụn trứng cá, kính quang học chưa được gia công về mặt quan học...) với mức thuế suất thuế NK ưu đãi riêng.
10 Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2018-2022/2023
Cùng với việc ký ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, năm 2017, Chính phủ cũng đã ký ban hành 10 Nghị định về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018-2022/2023. 10 Nghị định này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, cụ thể:
- Nghị định số 149/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2018 - 2022 (VKFTA).
Biểu thuế VKFTA gồm 10.788 dòng thuế có mã HS 8 số và 59 dòng thuế có mã HS 10 số, trong đó 317 dòng thuế áp dụng riêng đối với hàng hóa NK từ Khu công nghiệp Khai Thành GIC.
Năm 2018, biểu thuế VKFTA đã giảm thuế suất của 653 dòng thuế so với năm 2017 và giảm thuế suất của 704 dòng xuống 0%, tập trung ở các nhóm hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.
- Nghị định số 150/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên giai đoạn 2018 – 2022 (VN-EAEU FTA).
Biểu thuế VN-EAEU FTA giai đoạn 2018-2022 gồm 10.771 dòng thuế có mã HS 8 số và 94 dòng thuế có mã HS 10 số. Tính đến năm 2018, Biểu thuế VN-EAEU FTA có 5.535 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất XK như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử, nhựa nguyên liệu, phân bón, ngô, lúa mì...
- Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018-2022 (ACFTA).
Biểu thuế ACFTA gồm 10.813 dòng thuế chi tiết ở cấp độ 8 số. Năm 2018, Biểu thuế ACFTA đã giảm thuế suất của 588 dòng thuế từ 5%, 10% xuống 0% gồm các mặt hàng chính thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế phẩm bánh kẹo, thực phẩm chế biến, hóa chất, thuốc kháng sinh, nguyên liệu diệt, vải may mặc, quần áo, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, tàu thuyền.
Năm 2018 có 216 dòng thuế (2,3% dòng thuế) có mức thuế suất 50% bắt đầu được đưa vào thực hiện cam kết từ danh mục không cắt giảm trước đó gồm các mặt hàng trứng đường, muối, lá thuốc lá, xi măng…
- Nghị định số 154/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi Lê giai đoạn 2018-2022 (VCFTA).
Biểu thuế VCFTA gồm 10.774 dòng thuế có mã HS 8 số và 89 dòng thuế có mã HS 10 số. Năm 2018, Biểu VCFTA giữ nguyên thuế suất của 4.985 dòng thuế, giảm thuế suất của 4.113 dòng thuế, trong đó có 2.742 dòng có thuế suất 0% chủ yếu thuộc các nhóm: Cây và các bộ phận của cây (nhóm 1211), thức ăn gia súc đã chế biến (Chương 23), hóa chất vô cơ (Chương 28), hoá chất hữu cơ (Chương 29) nhựa (Chương 39), gỗ (Chương 44), sắt thép (Chương 73, Chương 74), máy móc thiết bị (Chương 84), bộ phận xe cộ (Chương 87).
- Nghị định số 155/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế giai đoạn 2018-2023 (VJEPA).
Biểu thuế VJEPA gồm 10.773 dòng thuế có mã HS 8 số và 88 dòng thuế có mã HS 10 số. Năm 2018, Biểu VJEPA giảm thuế NK của 5.545 dòng thuế, trong đó, có 456 dòng có thuế suất là 0%, chủ yếu các nhóm chất béo, đường, đá xây dựng, hóa chất hữu cơ, nhựa, cao su, gỗ, bột giấy, vải, ngọc trai, sắt thép, nhôm, thiếc, dụng cụ cầm tay, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ, nhạc cụ.
Về mức độ giảm thuế, có 2.918 dòng có mức cắt giảm sâu từ 50% - 67%, 604 dòng có mức cắt giảm trung bình từ 20% - 45% và 1.567 dòng có mức cắt giảm từ 4% -18%.
- Nghị định số 156/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ATIGA.
Biểu thuế ATIGA gồm 10.813 dòng thuế có mã HS 8 số (tăng 1.255 dòng so với biểu thuế cũ). Năm 2018, theo cam kết Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018 (chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm từ sữa...).
Khoảng 2% số dòng thuế của Biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm – SL (được phép duy trì thuế suất ở 5% - gia cầm sống, thịt gà, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường), các mặt hàng thuộc Danh mục loại trừ GE và CKD.
- Nghị định số 157/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018 – 2022 (AKFTA).
Biểu thuế AKFTA gồm 10.813 dòng thuế có mã HS 8 số. Năm 2018, Biểu AKFTA giảm thuế của 477 dòng thuế từ mức 5% và 10% xuống 0%, gồm các mặt hàng chính thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.
- Nghị định số 158/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Australia – Newzealand giai đoạn 2018-2022.
Biểu thuế ASEAN – Australia – Newzealand gồm 10.807 dòng thuế có mã HS 8 số và 12 dòng thuế có mã HS 10 số. Năm 2018, Biểu thuế ASEAN – Australia – Newzealand giảm thuế của 2.738 dòng, trong đó có 2.337 dòng 0%, tập trung nhóm mặt hàng: Vải các loại, may mặc, loại khác, hàng may mặc và đồ phụ trợ may mặc, quần áo và quần áo cũ, thủy sản và chế phẩm. Nhóm mặt hàng cắt giảm nhiều nhất (20%) là ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
- Nghị định số 159/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2018 – 2022.
Biểu thuế ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2018-2022 gồm 10.776 dòng thuế có mã HS 8 số và 82 dòng thuế có mã HS 10 số. Năm 2018, Biểu thuế ASEAN - Ấn Độ giảm thuế của 5.668 dòng, trong đó nhóm mặt hàng cắt giảm nhiều nhất (giảm 5%) là chế phẩm từ thịt, thủy sản và chế phẩm, rau quả và chế phẩm từ rau quả.
- Nghị định số 160/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018-2023.
Biểu thuế ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018-2023 gồm 10.776 dòng thuế có mã HS 8 số và 85 dòng thuế có mã HS 10 số. Năm 2018, Biểu thuế ASEAN – Nhật Bản giảm thuế của 6.201 dòng, trong đó từ ngày 1/4/2018 có 3.426 dòng hàng giảm về 0%, tập trung nhóm mặt hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sắt, thép, đồng, kim loại và sản phẩm bằng sắt, thép, kim cơ bản, vải các loại, may mặc, loại khác.
Nhóm mặt hàng cắt giảm nhiều nhất (5%) là nguyên liệu dệt may, da giầy, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sắt, thép, đồng, kim loại và sản phẩm bằng sắt, thép, kim cơ bản.
Các chính sách mới ban hành nêu trên và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 sẽ góp phần ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển kinh doanh bền vững, phù hợp với định hướng phát trển kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế XNK ưu đãi;
2. Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
3. Nghị định số 149/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2018 - 2022;
4. Nghị định số 150/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam; để thực hiện FTA giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên giai đoạn 2018 – 2022.
PHÒNG CHÍNH SÁCH THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU – VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ (BỘ TÀI CHÍNH)
Theo Tapchitaichinh.vn