Bao bì đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, phân phối và tiếp thị sản phẩm ra thị trường. Ngày nay, bao bì không chỉ để trình bài, mô tả, quảng cáo cho sản phẩm hay đơn thuần là vật bảo quản
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
- Cập nhật : 02/11/2015
(Tai chinh)
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu của các các quốc gia luôn có nguy cơ gặp rủi ro, gây bất lợi cho nền kinh tế. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được xem như một giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn tài chính và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các quốc gia.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được xem như một giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn tài chính và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Nguồn: internet
Tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm
Tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm trong tín dụng xuất khẩu được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu được tổ chức cung cấp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm và phụ thuộc vào một số yếu tố như loại rủi ro có thể gặp phải, nước nhập khẩu, quy tắc nguồn gốc xuất xứ… Thông thường tỷ lệ được bảo hiểm đối với rủi ro chính trị sẽ cao hơn (90 - 95%) so với rủi ro thương mại (80 - 85%), nhằm giúp các nhà xuất khẩu an tâm hơn khi xuất khẩu tới những thị trường mới, đặc biệt là những thị trường có nhiều bất ổn về chính trị như chiến tranh hay bạo động, qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng khai thác các thị trường mới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm trong bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chịu ảnh hưởng bởi quy tắc nguồn gốc xuất xứ, do đây là một yếu tố quan trọng quyết định mức thuế các loại hàng hóa nhất định phải chịu và những rào cản thương mại mà hàng hóa có thể gặp phải khi xuất khẩu tới một quốc gia nào đó. Nếu nước nhập khẩu là thành viên của OECD thì các công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ ấn định tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm cao hơn. Quốc tịch của sản phẩm ảnh hưởng đến tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm vì tỷ lệ thành phần nhập khẩu cao sẽ loại bỏ phần lớn các rủi ro. Hiện có 3 tiêu chuẩn để xác định quá trình gia công, chế biến: (i) Tiêu chuẩn thành phần đưa ra một tỷ lệ tối thiểu của thành phần, nguyên liệu trong nước hay tỷ lệ tối đa thành phần, nguyên liệu nhập khẩu trong giá trị hàng hóa; (ii) Tiêu chuẩn kiểm tra để xác định nguồn gốc, sản phẩm, phải trải qua các cuộc kiểm tra đặc biệt (được áp dụng phổ biến tại Nhật Bản); (iii) Tiêu chuẩn về quá trình thay đổi trong hạng mục thuế được áp dụng phổ biến nhất. Hàng hóa được coi là đã trải qua quá trình gia công, chế biến đầy đủ khi sản phẩm được chuyển từ hạng mục thuế quan này sang hạng mục thuế quan khác trong danh mục phân loại hàng hóa HS ở cấp độ ít nhất là 4 chữ số đầu.
Tại Trung Quốc, chính sách hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu được thể hiện qua việc Công ty Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Trung Quốc (SINOSURE) không áp dụng quy tắc nguồn gốc xuất xứ trong sản phẩm bảo hiểm của mình. Theo đó, không có một tỷ lệ nội địa bắt buộc nào được áp dụng làm điều kiện để cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Tỷ lệ phí bảo hiểm
Tỷ lệ phí bảo hiểm là mức phí nhất định tính trên tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu mà người được bảo hiểm sẽ phải trả cho công ty bảo hiểm.
Hiện nay, thỏa thuận về hỗ trợ tín dụng xuất khẩu chính thức của OECD nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất, các nước thành viên và không phải thành viên OECD đều áp dụng. Một trong những điều khoản quan trọng nhất của thỏa thuận này là quy định về tỷ lệ phí bảo hiểm tối thiểu, mức phí thấp nhất mà các thành viên tham gia được phép áp dụng trong cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. OECD đưa ra công thức tính tỷ lệ phí bảo hiểm tối thiểu được áp dụng cho mỗi quốc gia dựa trên một số yếu tố như mức độ rủi ro của quốc gia, tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm, chất lượng của sản phẩm được bảo hiểm… Tỷ lệ phí bảo hiểm tối thiểu chỉ áp dụng cho 7 mức độ rủi ro quốc gia (1 - 7), không áp dụng cho những nước nhập khẩu có rủi ro bằng 0, do những nước này rủi ro quốc gia là không đáng kể.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ phí bảo hiểm được quyết định dựa trên các yếu tố như mức độ rủi ro của nước nhập khẩu, điều kiện tín dụng, thời hạn tín dụng. Các mức độ rủi ro A1 - D2 tương ứng với 8 mức độ rủi ro từ 0 - 7 theo phân loại rủi ro quốc gia của OECD. Tỷ lệ phí bảo hiểm của SINOSURE thường nằm trong khoảng từ 0,1 - 1%. Như vậy, SINOSURE không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với nhà xuất khẩu để được cung cấp bảo hiểm mà tùy thuộc vào lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu và những rủi ro có thể gặp phải để quyết định có cung cấp bảo hiểm hay không, nếu cung cấp thì sẽ cung cấp với tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm và tỷ lệ phí bảo hiểm là bao nhiêu.
Tại Hàn Quốc, phí bảo hiểm (trong bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn) được tính theo các tỷ lệ khác nhau, tùy thuộc vào việc hợp đồng bảo hiểm là toàn phần hay không. Với các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm toàn phần, phí bảo hiểm được tính bằng hệ số 1,2 nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm cơ bản cho các giao dịch D/A (trong bảo hiểm tín dụng người mua trực tiếp) hoặc cho các giao dịch L/C (bảo hiểm tín dụng cho vay lại); các doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm toàn phần thì phí bảo hiểm được tính bằng hệ số 1,5 nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm cơ bản cho các giao dịch D/A hoặc cho các giao dịch L/C.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Về mô hình thành lập công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Thành lập một công ty chuyên biệt về cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có ưu điểm là sản phẩm dịch vụ của công ty được chuyên biệt hóa cao nên khi tình hình thị trường quốc tế biến động, các công ty này có thể thay đổi các chính sách của mình một cách linh hoạt, phù hợp với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu, mà không làm ảnh hưởng tới các chính sách cũng như nghiệp vụ của các loại hình sản phẩm bảo hiểm khác như ở ngân hàng hay một công ty bảo hiểm sẵn có.
Mặt khác, trình độ quản lý và trình độ nghiệp vụ chuyên môn tại các nước đang phát triển còn một số hạn chế nhất định, do đó, khi xây dựng một công ty chuyên biệt về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ làm giảm bớt gánh nặng về quản lý so với việc cùng lúc quản lý nhiều nghiệp vụ dẫn đến tình trạng hoạt động không đạt hiệu quả tối ưu.
Bên cạnh đó, công ty chuyên biệt về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ có điều kiện thuận lợi để chuyên môn hóa các hoạt động kinh doanh trong từng khâu, từng chu trình, qua đó, nâng cao dần trình độ nghiệp vụ cho nguồn nhân lực, cũng như tập trung nghiên cứu tìm ra những điểm còn hạn chế để hoàn thiện sản phẩm, đưa ra các sản phẩm phù hợp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Vì vậy, thành lập một công ty chuyên biệt về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với việc phát triển thêm sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại một ngân hàng hay một công ty bảo hiểm sẵn có. Do đó, tương tự như các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam có thể áp dụng và phát triển mô hình thành lập một công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chuyên biệt nhằm hỗ trợ tối đa và hiệu quả hơn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp và quốc gia.
Về tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm và tỷ lệ phí bảo hiểm: Việc chưa áp dụng tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ đối với hàng xuất khẩu được cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như trường hợp của SINOSURE tạo ra một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi lẽ, đối với các nước đang phát triển, khi trình độ công nghiệp kỹ thuật chưa cao, thì việc gia công sản phẩm cho nước ngoài là không thể tránh khỏi, nên nếu áp dụng tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ sẽ làm giảm số lượng các doanh nghiệp được cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Về vai trò của Nhà nước: Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu do Nhà nước sở hữu nhưng Nhà nước không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của công ty mà chỉ đưa ra các quyết định quan trọng khi cần thiết nhằm giúp công ty bảo hiểm có thể hoạt động một cách linh hoạt, thích ứng nhanh hơn, phù hợp hơn khi thị trường có biến động, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với mô hình mà Nhà nước vừa nắm quyền sở hữu vừa can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, Việt Nam nên áp dụng mô hình của SINOSURE và Công ty Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) thì sẽ khả thi hơn.
Các loại hình, sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều được chia thành bảo hiểm ngắn hạn và bảo hiểm trung - dài hạn như: Bảo hiểm toàn bộ, bảo hiểm thư tín dụng, bảo hiểm tín dụng người mua, bảo hiểm tín dụng nhà cung cấp… Đặc biệt, Hàn Quốc đã chú trọng hơn trong việc hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu nông - ngư nghiệp thông qua sản phẩm bảo hiểm xuất khẩu nông - ngư nghiệp. Còn tại Nhật Bản, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình bảo hiểm đặc biệt được phát triển từ tháng 4/2005 đến nay nhằm hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản.