tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Học cách làm ăn với doanh nghiệp Nhật

  • Cập nhật : 28/04/2016

(Tin kinh te)

Một đặc tính mà bất cứ DN xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể dễ dàng nhận thấy khi làm ăn với bạn hàng Nhật là yêu cầu, đòi hỏi cao, nhưng khi đã được kiểm chứng và có được niềm tin, thì họ sẽ rất gắn kết, chung thủy…

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn (Agrex) cho biết, Nhật Bản là thị trường chính của công ty, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, trung bình hàng năm Agrex xuất sang Nhật khoảng 10 triệu USD mặt hàng thực phẩm chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao, còn lại hơn 5 triệu USD là sản phẩm cá.

Điều đáng nói, suốt thời gian xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, điều mà công ty có được không chỉ là kim ngạch, doanh thu và lợi nhuận ngày một gia tăng, mà quan trọng hơn là những bài học kinh nghiệm đã tích tụ được. Và điều này trở thành thứ vốn liếng vô cùng quý báu giúp Agrex có được “tấm vé thông hành”, sự kiểm chứng từ một thị trường “khó tính”, yêu cầu cao như Nhật Bản để bước vào các thị trường rộng lớn khác như châu Âu, Mỹ...

de tro thanh ban hang chinh thuc voi dn nhat la ca mot qua trinh dai thu thach cua dn viet

Để trở thành bạn hàng chính thức với DN Nhật là cả một quá trình dài thử thách của DN Việt

“Một đặc tính mà bất cứ DN xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể dễ dàng nhận thấy khi làm ăn với bạn hàng Nhật là yêu cầu, đòi hỏi cao, nhưng khi đã được kiểm chứng và có được niềm tin, thì họ sẽ rất gắn kết, chung thủy…” – ông Long nói.

Vị Tổng giám đốc này cũng đưa ra minh chứng cụ thể, trong số các đối tác làm ăn với Agrex, có công ty Nhật đã đồng hành gần 20 năm. Từ ngày mới bắt đầu, đối tác Nhật đã sang gặp gỡ và cùng với DN xây dựng những quy chuẩn, đào tạo tay nghề, cách làm việc cho công nhân Việt Nam.

Vì vậy, từ mối quan hệ hợp tác làm ăn, dần dần giữa hai bên đã trở thành gắn bó, đồng hành thủy chung, cùng nhau phát triển. Cùng chung nhận xét này, nhiều DN đồ gỗ xuất khẩu tại TP. HCM cho biết, DN Nhật rất cẩn trọng trong việc ký kết hợp tác. Khi mới bắt đầu tìm hiểu và đặt vấn đề mua hàng, bao giờ người Nhật cũng bắt đầu từ những hợp đồng nhỏ, giá trị vừa phải.

Sau một thời gian, khi đã có niềm tin, họ mới dần dần nâng số lượng và giá trị hợp đồng lên. Song, để trở thành bạn hàng chính thức với DN Nhật, thường là cả một quá trình dài thử thách và trong suốt thời gian đó, các đối tác Nhật thường xuyên kiểm tra, giám sát về quy trình, chất lượng sản phẩm để đảm bảo về chất lượng và sự ổn định của sản phẩm.

Tương tự, một Giám đốc điều hành DN xuất khẩu hàng thủy sản chế biến  chia sẻ, muốn trở thành đối tác với DN Nhật trước tiên hãy trở thành những người đáng tin cậy, cẩn thận và tỉ mỉ. Bởi, người Nhật thường quan niệm rằng nếu không làm tốt được những việc nhỏ nhất, thì khó có thể làm được những việc lớn.

Vì vậy, ngay từ những thao tác tưởng chừng là “tiểu tiết” trong sản xuất như đeo găng tay, mặc quần áo bảo hộ đúng cách, hay thậm chí chỉ là việc rửa tay theo đúng quy định trước khi vào xưởng, cầm dụng cụ thao tác, cũng không được bỏ qua, thậm chí còn phải rất chuẩn xác.

Ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành Văn phòng TP.HCM của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cho biết, khi hợp tác làm ăn với ai, các DN Nhật Bản thường quan tâm đến một số vấn đề chủ chốt. Trước tiên là chất lượng sản phẩm. Các đối tác Nhật Bản có những quy định rất rõ ràng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng.

Đơn cử như quy định về  tỷ lệ phế phẩm trong sản xuất xe hơi chỉ cho phép ở mức 1/100.000. Yếu tố thứ hai là giá thành, tương xứng với chất lượng. Đặc biệt, DN Nhật có yêu cầu rất cao về việc tuân thủ thời gian giao hàng. Bởi đây không chỉ là vấn đề có liên quan đến kinh tế, chi phí, mà nó còn là hình ảnh, uy tín và thương hiệu...

Vì vậy, khi muốn bắt tay, hợp tác làm ăn với DN Nhật thì trước tiên các DN Việt nên nắm chắc những điều cơ bản này để có thể có một thị trường ổn định, bền vững, lâu dài.

Tính từ ngày 1/1/1988 đến ngày 15/3/2016, Nhật Bản có 865 dự án còn hiệu lực trên địa bàn TP.HCM đã được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,87 tỷ USD.

Bốn ngành nghề và lĩnh vực thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản lớn nhất tại TP.HCM gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động khoa học và công nghệ; và kinh doanh BĐS. Hiện nay Nhật Bản đứng vị trí thứ 6 về tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

 

Tuyết Thanh
(Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục