Công ty TNHH KSB Việt Nam (có vốn đầu tư nước ngoài) dự định nhập khẩu máy trộn chất lỏng có mã HS là 7479. Hiện mã này không có trong Giấy chứng nhận đầu tư hay đăng ký kinh doanh của Công ty.
Cắt giảm thuế trong EVFTA: Lợi thế và thách thức sẽ ngang nhau
- Cập nhật : 28/04/2016
(Tin kinh te)
Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được ký kết có phạm vi rộng và mức độ tự do hóa sâu, khi đi vào thực hiện, dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội mới đối với hoạt động kinh doanh thương mại giữa Việt Nam và EU.
Để hiểu rõ hơn, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những cơ hội và thách thức khi hiệp định trên có hiệu lực vào năm 2018.
- Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vậy ông đánh giá về mức độ ảnh hưởng của hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU vừa ký kết?
Ông Trần Ngọc Quân: Cuối tháng 12/2015, hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018.
Đây được coi là hiệp định thế hệ mới, tạo động lực quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc phát triển thương mại, đầu tư bởi nền kinh tế của hai bên có tính bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp.
Theo nội dung đã đạt được trong các vòng đàm phán, việc ký kết EVFTA sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7 đến 10 năm.
Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới...
Ngoài việc giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường EU, đồng thời FTA cũng sẽ là bước đột phá thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU đặc biệt là kinh tế và thương mại.
- Vậy theo ông, đâu là những lợi thế cũng như khó khăn của Việt Nam khi thực thi các cam kết của Hiệp định này?
Ông Trần Ngọc Quân: Theo lộ trình, những mặt hàng chế biến, chế tạo có mức cắt giảm thuế quan lớn hơn những mặt hàng thô, sơ chế. Tuy nhiên, khó có thể nói mặt hàng nào có lợi thế hơn khi hiệp định có hiệu lực.
Ví dụ, ngay trong sản phẩm thủy sản, thủy hải sản chế biến thì mức độ cắt giảm thuế quan sẽ nhiều hơn khi xuất khẩu sang EU.
Ngoài ra, việc thực thi các cam kết trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mở ra các cơ hội tiếp cận thị trường rất lớn giữa hai bên, đồng thời cũng tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các nước tham gia hiệp định trong việc kinh doanh và tiếp cận thị trường của nhau.
Hiệp định này cũng đưa ra một số quy tắc trong việc tạo môi trường kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thị trường một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, với sân chơi bình đẳng được quy định trong hiệp định này thì khi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp EU ở ngay tại thị trường trong nước.
Đứng trước cơ hội to lớn đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng vào Việt Nam để sản xuất, tận dụng ưu đãi để xuất sang EU, do đó ngay bản thân các doanh nghiệp trong nước có thể được coi là thách thức tích cực, bởi khi doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức này sẽ trưởng thành hơn.
Thực tế hiện nay, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu nhiều áp lực về các tiêu chuẩn kỹ thuật do yêu cầu cao về vấn đề kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc xuất xứ.
Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì thuận lợi khi xuất sang EU khi không còn rào cản thuế.
- Hiện có khoảng 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, vậy để tận dụng hiệu quả các cơ hội về thị trường, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì?
Ông Trần Ngọc Quân: Hiện tại hiệp định chưa có hiệu lực nhưng phía các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp làm sao tận dụng hiệp định này, đồng thời thành lập tổ công tác thực thi FTA Việt Nam- EU và Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổ công tác này có nhiệm vụ tìm ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa các lợi thế mà hiệp định mang lại cũng như giản thiểu những tác động tiêu cực.
- Vậy vấn đề truy suất nguồn gốc hàng hóa, đây có phải là một rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi muốn hưởng các lợi thế không?
Ông Trần Ngọc Quân: Trong FTA này có đặt vấn đề phát triển bền vững về lao động, an toàn môi trường…. Tuy nhiên đây lại là chương mang tính hỗ trợ hợp tác.
Theo đó, EU hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và cũng để khuyến khích Việt Nam thực hiện các công ước Việt Nam đã tham gia. Về cơ bản, phía EU không tạo ra nghĩa vụ mới mà chỉ hỗ trợ Việt Nam phát triển tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông./.
Đức Duy
Theo Vietnam+