Bộ trưởng thương mại các nước đồng thuận khả năng tiếp tục triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong khi phía Mỹ vẫn quyết "nói không" với TPP.
Trung Quốc ví mình như 'vệ binh' của toàn cầu hóa
- Cập nhật : 14/05/2017
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã mở đầu Diễn đàn Vành đai, Con đường bằng bài phát biểu mô tả nước này như một lực lượng tạo nên sự bình ổn.
Trong Diễn đàn Vành đai và Con đường vừa khai mạc tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc cam kết theo đuổi thương mại tự do và sẽ đầu tư hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước tham gia kế hoạch của mình. Trung Quốc đang muốn xây mạng lưới cơ sở hạ tầng trải khắp toàn cầu, nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa hàng thế kỷ trước.
Trước lãnh đạo 29 quốc gia và đại diện từ hàng chục nước khác, trong bài phát biểu khai mạc, ông Tập đã mô tả Trung Quốc như một lực lượng tạo nên sự ổn định, trong bối cảnh thế giới bị thách thức bởi phát triển không cân bằng và nền hòa bình bị đe dọa.
Ông cũng cho rằng Sáng kiến Vành đai, Con đường là "một dự án thế kỷ". Sáng kiến này khởi động năm 2013, nhằm xây dựng các cảng biển, đường ray, đường ống và khu công nghiệp, giúp Trung Quốc dễ dàng giao thương với cả châu Âu, châu Á và châu Phi.Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Tayyip Erdogan đã tham gia sự kiện, cùng đại diện từ hơn 130 quốc gia, các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc và lãnh đạo các ngành công nghiệp nước này. Sáng kiến Vành đai, Con đường hiện trải khắp 65 quốc gia, từ Trung Quốc đến Indonesia và Estonisa. Dù vậy, ông Tập cho biết nó có thể mở rộng với bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng.
Dù vậy, một số quốc gia vẫn còn nghi ngờ về ý định của Trung Quốc. Họ coi đây là bàn đạp cho các công ty Trung Quốc để tiến ra thị trường nước ngoài, đồng thời giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị. Ấn Độ đã từ chối tham gia, do lo ngại các chương trình đầu tư của Trung Quốc với nước láng giềng Pakistan, đồng thời nghi ngờ về tính minh bạch của dự án này. Mỹ cũng chỉ cử đến đây giám đốc phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, thay vì một quan chức nội các.
Tuy nhiên, Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập đang tăng tốc đúng thời điểm chính trị gia Mỹ và châu Âu nghi ngờ lợi ích của toàn cầu hóa. Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại một cách không công bằng. Các công ty châu Âu và Mỹ cũng phàn nàn về sự bảo hộ của Trung Quốc và các chính sách khiến công ty nước ngoài khó hoạt động tại đây.
Những việc này đã giúp Trung Quốc có cơ hội thể hiện bản thân là người bảo vệ toàn cầu hóa. Đây cũng là điểm ông Tập đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1 ở Thụy Sĩ.
"Chúng ta nên xây dựng một nền tảng hợp tác, cũng như ủng hộ và phát triển một nền kinh tế mở. Chúng ta cũng phải tạo ra toàn cầu hóa cởi mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn về kinh tế và lợi ích", ông cho biết.
Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ thành lập 50 phòng nghiên cứu chung, tổ chức các chuyến tham quan nghiên cứu, đồng thời đào tạo 5.000 quản lý, kỹ sư và nhà khoa học nước ngoài. Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sẽ rót thêm 55 tỷ USD cho các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường.
Quỹ đầu tư quốc gia Silk Road Fund cũng sẽ có thêm 14,5 tỷ USD nữa. Ngoài ra, Trung Quốc còn hứa hẹn tăng cho vay và viện trợ quốc tế. Tổng giá trị các khoản hỗ trợ tài chính được công bố hôm nay lên tới 124 tỷ USD, theo Reuters.
Trung Quốc đã có nhiều dự án triển khai từ nhiều năm nay, tại Ethiopia, Lào hay Pakistan. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện được đánh giá rất khiêm tốn so với những gì đã cam kết. Giới phân tích cho rằng việc kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và khối nợ ngày càng tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng tài chính của Trung Quốc trong kế hoạch kết nối hai phần ba dân số thế giới này.
Hà Thu (theo WSJ/FT, Vnexpress)