Mỹ hỗ trợ Đông Nam Á duy trì an ninh biển
Tàu USS Fitzgerald trong một chuyến đi ngang Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ
Nhà Trắng ngày 17.11 thông báo chính phủ Mỹ sẽ cấp tổng cộng 259 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam Á để hỗ trợ các nước này duy trì an ninh biển, theo AFP.
Trong đó, Việt Nam sẽ nhận 40,1 triệu USD trong tài khóa hiện nay (1.10.2015 - 30.9.2016) và tài khóa kế tiếp (1.10.2016 - 30.9.2017), Indonesia nhận gần 20 triệu USD và Malaysia nhận 2,5 triệu USD. Còn Philippines, đồng minh của Mỹ, sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ kỷ lục 79 triệu USD trong tài khóa hiện nay.
Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Barack Obama đặt chân đến thủ đô Manila để dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (18 - 19.11). “Chuyến thăm này khẳng định cam kết của chúng tôi duy trì an ninh của vùng biển khu vực và quyền tự do hàng hải”, ông Obama phát biểu sau khi lên thăm tàu chiến lớn nhất của Philippines, BRP Gregario Del Pilar, vốn được hoán cải từ tàu tuần duyên do Mỹ tặng tại Philippines.
Ông Obama còn tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao cho Philippines một tàu tuần duyên và một tàu khảo sát, đồng thời nhấn mạnh nước ông có cam kết “bọc sắt” đối với an ninh ở Philippines. Theo Reuters, Tổng thống Obama có thể nêu vấn đề Biển Đông và các quan hệ quân sự khi gặp người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III bên lề APEC vào hôm nay 18.11. Ngoài ra, một số nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng ông Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến nhất trí về một thỏa thuận nhằm mở đường cho Tokyo cung cấp cho Manila thiết bị quân sự đã qua sử dụng, có thể là một máy bay để tuần tra ở Biển Đông.
Trước khi ông Obama đến Philippines một ngày, khu trục hạm Mỹ USS Fitzgerald đã cập cảng ở Manila, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày. Theo thông cáo từ Đại sứ quán Mỹ ở Philippines, sự hiện diện của tàu USS Fitzgerald còn có mục đích bảo vệ an ninh cho APEC.
Trung Quốc giết 17 người gồm cả phụ nữ, trẻ em tại Tân Cương
Hãng Reuters ngày 18-11 dẫn nguồn tin Mỹ cho biết lực lượng an ninh Trung Quốc đã giết chết 17 người ở khu tự trị Tân Cương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
17 người nói trên bị cáo buộc tham gia vụ tấn công tại mỏ than Sogan thuộc địa khu Aksu, Tân Cương vào ngày 18-9, làm ít nhất 50 người thiệt mạng. Trong đó, các nghi phạm tấn công một số lao động nhập cư người Hán bằng dao.
Theo cảnh sát Tân Cương, trong số 17 người này – tất cả đều là nghi phạm – có 3 người đàn ông được xác định là những kẻ cầm đầu, ngoài ra, còn có các thành viên trong gia đình của họ. Khi Reuters liên lạc với chính quyền khu tự trị này thì không nhận được hồi âm.
Cảnh sát Ghalip Memethe cho biết: “Tôi được các đồng nghiệp tham gia vụ đột kích kể rằng lực lượng quân đội đã đánh thuốc nổ một hang động nơi 17 nghi phạm trên đang lẩn trốn. Đó là lý do họ có thể giết tất cả nghi phạm cùng lúc. Tổng cộng 17 thi thể được tìm thấy sau vụ nổ”.
Cảnh sát bán quân sự trong một nhiệm vụ ở Tân Cương. Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 14-11, một trang blog Trung Quốc đăng tải hình ảnh cho thấy cảnh sát vũ trang nước này đang thực hiện nhiệm vụ kéo dài 56 ngày để “nhổ tận gốc những kẻ khủng bố ở Tân Cương”. Chi tiết sứ mệnh không được tiết lộ, chỉ biết các nghi phạm đã bị tiêu diệt. Thông tin này sau đó được gỡ bỏ khỏi hệ thống mạng.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bộ phận duy nhất của Bắc Kinh thường xuyên trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài, khẳng định ông không hay biết gì về cuộc điều tra nói trên.
Các nhóm nhân quyền và những người lưu vong từ Tân Cương cáo buộc chính phủ Trung Quốc kiểm soát gắt gao tôn giáo và văn hóa của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ bản địa. Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc chiến “chống khủng bố quyết liệt” nhằm vào các phần tử ly khai và Hồi giáo cực đoan tại đây.
Nhóm khủng bố Philippines chặt đầu con tin Malaysia
Truyền thông Malaysia và Phillipines hôm 17-11 đưa tin một con tin người Malaysia đã bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf tại Philippines chặt đầu trên đảo Jolo.
Ông Bernard Then, một kỹ sư 39 tuổi, bị hành quyết trên đảo Jolo, miền Nam Philippines vào khoảng 16 giờ (giờ địa phương) hôm 17-11.
Cách đây 6 tháng, ông Then bị một nhóm tay súng bắt giữ khi đang ăn tại nhà hàng Seafood King ở bang Sabah - Malaysia. Nhóm bắt cóc xuyên biên giới này sau đó đã bàn giao ông Then lại cho nhóm Abu Sayyaf.
Khi đó, bà chủ nhà hàng Thien Nyuk Fun, 50 tuổi, cũng bị bắt làm con tin nhưng đã được thả hôm 8-11 sau khi nộp khoản tiền chuộc 600.000 USD.
Chủ nhà hàng Thien Nyuk Fun (trái) và ông Bernard Then (phải). Ảnh: The Star
Ông Then, người đã kết hôn và đang làm việc ở Campuchia, gặp nạn trong lúc đi nghỉ cùng vợ ở Malaysia.
Quân đội Philippines cho rằng thất bại trong cuộc đàm phán khiến ông Then bị chặt đầu. Các nguồn tin cho biết nhóm Abu Sayyaf tăng mức tiền chuộc và không đồng ý thả ông Then mặc dù trước đó đã đồng ý số tiền thỏa thuận ban đầu.
Báo The Star cho hay các tay súng nhóm Abu Sayyaf đang bị quân đội Philippines truy bắt ở khu vực đồi Butaran xung quanh làng Indanan ở đảo Jolo. Các lực lượng an ninh đã được điều động tìm kiếm phần thi thể còn lại của ông Then được chôn gần nơi ông bị chặt đầu.
Đây là lần đầu tiên nhóm khủng bố này sát hại một người Malaysia.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lên án vụ hành quyết. “Tôi, chính phủ và tất cả người dân Malaysia đều bị sốc khi nghe tin công dân nước mình Bernard Then bị sát hại và chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động này” - ông Najib chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
Vị thủ tướng này cũng kêu gọi chính quyền Philippines cần có hành động chống lại “nhóm người độc ác và dã man” để đưa bọn chúng ra trước công lý. Đồng thời, Malaysia cũng sẽ hợp tác với cơ quan chức năng Philippines điều tra vụ việc.
Đảo Jolo là thành trì của Abu Sayyaf, một nhóm được biết đến với các vụ đánh bom, bắt cóc và chặt đầu con tin. Nhóm này thường đòi tiền chuộc để đổi lấy sự tự do của con tin.
Nhóm nghị sĩ Mỹ thăm Tây Tạng, kêu gọi đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma
Một nhóm gồm 7 nghị sĩ của đảng Dân chủ do lãnh đạo của đảng này ở Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi dẫn đầu trong chuyến làm việc tại Trung Quốc tuần qua đã đến Tây Tạng gặp người dân ở vùng đất này, theo AP ngày 18.11.
Đây là chuyến đi hiếm hoi, được xem là đầu tiên của các nhà ngoại giao nước ngoài đến vùng đất Tây Tạng kể từ sau cuộc bạo loạn chống chính phủ xảy ra hồi năm 2008. Bắc Kinh kể từ đó đã hạn chế báo chí cũng như các nhà ngoại giao đến vùng đất nhạy cảm này.
Bà Pelosi, người lâu nay luôn chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, và đã đề nghị có chuyến đi khảo sát vùng Tây Tạng trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nhân chuyến công du của ông đến Mỹ hồi tháng 10.2015, nói rằng cần có một giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Tây Tạng.
Theo bà Pelosi, Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối để Tây Tạng độc lập, trong khi lãnh đạo tinh thần đang sống lưu vong ở nước ngoài Đạt Lai Lạt Ma chỉ muốn Tây Tạng được tự trị, quan điểm này luôn được phía Mỹ ủng hộ.
“Nếu họ (chính phủ Trung Quốc) nghĩ đến độc lập thì ông ấy (Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nói đến sự tự trị, chúng ta chỉ ủng hộ sự tự trị, vì vậy tôi nghĩ cần tìm ra một cơ hội để có tiếng nói chung”, bà Pelosi được Reuters trích phát biểu trong 1 cuộc họp báo.
Người dân Tây Tạng - Ảnh: AFP
Người đứng đầu của đảng Dân chủ ở Hạ viện cho rằng chuyến đi của các nghị sĩ Mỹ đến Tây Tạng có ý nghĩa quan trọng đối với mong muốn làm cầu nối của Mỹ trong việc giúp hòa giải và hiểu nhau hơn giữa Bắc Kinh và Tây Tạng.
Tuy nhiên ông Jim McGovern, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nhân quyền của Hạ viện Mỹ, cho rằng chuyến đi không phải không có những giây phút căng thẳng đến mức “nảy lửa” giữa đoàn nghị sĩ Mỹ với giới chức Trung Quốc.
“Vài vấn đề xảy ra tranh cãi nảy lửa hơn những vấn đề khác. Tôi không thể nói chắc chắn rằng chính phủ Trung Quốc sẽ đồng ý làm điều này, điều kia nhưng tôi không tin mọi cánh cửa đều đóng”, ông McGovern nói, theo Reuters.
Trung Quốc bắt đầu kiểm soát Tây Tạng từ năm 1950. Bắc Kinh luôn cáo buộc Đạt Lai Lạt Ma kích động gây bạo động ở Tây Tạng, kể cả phong trào tự thiêu kéo dài trong nhiều năm, nhằm phản đối chính sách của Bắc Kinh lên vùng đất này.
“Tôi tin Đạt Lai Lạt Ma là một phần của giải pháp, không phải là vấn đề, cho việc giải quyết những đối đầu về sự tự trị của Tây Tạng”, ông McGovern chia sẻ, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại để thực hiện nguyện vọng, mong muốn của người dân Tây Tạng là tự do thực hiện đạo Phật và giữ gìn văn hóa, theo AP.
Triều Tiên phản đối chỉ trích của quốc tế về xuất khẩu lao động
Triều Tiên lên tiếng phản đối những chỉ trích của các nước và tổ chức, trong đó có Liên Hiệp Quốc nói rằng Bình Nhưỡng thực hiện chính sách xuất khẩu lao động "cưỡng ép" để mang ngoại tệ về cho chính phủ.
“Họ nói rằng hàng ngàn lao động Triều Tiên bị bạc đãi và đang tham gia vào hoạt động lao động cưỡng bức (ở nước ngoài)”, ông Ri Hung-sik, đại sứ của Triều Tiên phát biểu trong cuộc họp báo ở New York hôm 17.11, theo Reuters.
“Điều đó hoàn toàn sai trái và thêu dệt”, ông Hung nói. “Đây là sự vu khống vớ vẩn nhắm vào nền cộng hòa của chúng tôi”, ông nói tiếp.
Điều tra viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Marzuki Darusman hồi tháng 10.2015 bày tỏ sự quan ngại đối với chính sách xuất khẩu lao động của Triều Tiên. Ông cho rằng Bình Nhưỡng ép 50.000 người đi lao động ở nước ngoài trong điều kiện như “lao động khổ sai”. Ông Darusman kêu gọi chính phủ các nước nơi tiếp nhận lao động Triều Tiên nên tiến hành điều tra.
Ông Ri phản bác điều này, nói rằng người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài bao gồm Nga, Trung Quốc, Kuwait và Angola là tự nguyện. “Chúng tôi có người lao động của mình làm việc ở nước ngoài theo những hợp đồng hợp pháp”, ông Ri nói. Tuy nhiên, ông không xác nhận có bao nhiêu lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài.
Ông Ri Hung-sik (giữa), đại sứ của Triều Tiên trong cuộc họp báo ở New York hôm 17.11 - Ảnh: Reuters
Trước đó, nhiều tổ chức nhân quyền cũng chỉ trích chính sách xuất khẩu lao động của Triều Tiên. Các tổ chức này nói lao động Triều Tiên làm việc trong điều kiện khắc khổ, tiền lương phải nộp gần hết cho chính phủ để phục vụ chương trình hạt nhân.
Trong cuộc họp của một ủy ban của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng trước, ông Darusman cho biết trong điều kiện bị cấm vận của Liên Hiệp Quốc vì chương trình hạt nhân, Triều Tiên vẫn kiếm được từ 1,2 đến 2,3 tỉ USD mỗi năm từ chính sách xuất khẩu lao động.
Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong tuần này sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đưa ra nói về tình hình vi phạm nhân quyền của Triều Tiên, theo Reuters. Bình Nhưỡng phản bác việc bỏ phiếu nghị quyết này và yêu cầu EU và Nhật rút lại dự thảo.
(
Tinkinhte
tổng hợp)