Hàng chục ngàn binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn hôm 17-8, giả lập tình huống CHDCND Triều Tiên tấn công toàn diện.
Tin thế giới đọc nhanh 16-08-2015
- Cập nhật : 16/08/2015
USD tăng sau số liệu kinh tế khả quan của Mỹ
Báo cáo khả quan về giá sản xuất và sản lượng công nghiệp của Mỹ giúp USD tăng nhẹ so với giỏ tiền tệ mục tiêu.
Tuy nhiên sau khi Mỹ công bố số liệu về giá sản xuất và sản lượng công nghiệp, euro bắt đầu giảm. Theo đó, giá sản xuất tại Mỹ tăng 3 tháng liên tiếp tính đến tháng 7/2015 trong khi sản lượng công nghiệp cũng ghi nhận tháng tăng trưởng mạnh nhất trong 8 tháng qua.
Trong cả phiên, euro giảm 0,3% xuống 1,111 USD nhưng lại tăng 1,3% trong cả tuần so với USD. So với yên, USD lại giảm 0,1% xuống 124,28 yên.
Chỉ số đôla ICE, theo dõi biến động tỷ giá giữa USD và 6 đồng tiền mạnh khác, tăng gần 0,1% lên 96,67 điểm. Trong cả tuần, chỉ số này lại giảm 1% - mức giảm mạnh nhất trong 9 tuần qua.
Riêng nhân dân tệ đã giảm 2,9% so với USD trong cả tuần và hiện giao dịch ở 6,3975 nhân dân tệ đổi 1 USD. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định không có cơ sở nào để nhân dân tệ tiếp tục giảm trong tương lai nhưng một số chuyên gia phân tích lại dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nội tệ trong những tháng tới.
Châu Âu nhất trí bơm 96 tỷ USD cứu Hy Lạp
Tuy nhiên quyết định cứu trợ này vẫn đối mặt với một số thách thức lớn. Quốc hội Hy Lạp tuy đã thông qua gói cứu trợ nhưng các nhà làm luật thuộc đảng Syriza cho thấy Thủ tướng Alexis Tsipas có thể kêu gọi một cuộc bầu cử trước hạn. Điều này có thể một lần nữa làm trì hoãn quá trình thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà châu Âu yêu cầu.
Theo các điều khoản cứu trợ, Hy Lạp sẽ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách. Chương trình cứu trợ có thể khiến GDP của Hy Lạp giảm 2,3% trong năm nay và 1,3% trong năm sau.
Ngoài ra, các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp sẽ phải chấp nhận khoản thua lỗ trước khi các ngân hàng Hy Lạp được tái cấp vốn.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) từ lâu đã tỏ ra bi quan về kinh tế Hy Lạp cũng như đặt nghi vấn về khả năng trả nợ của nước này. Đó là lý do tại sao IMF từ chối tham gia gói cứu trợ mới cho đến khi các chính phủ Eurozone tìm ra phương cách giảm gánh nặng nợ nần của Hy Lạp hiện lên tới hơn 200% GDP.
Các nước Eurozone do đó chấp nhận điều kiện của IMF để IMF tham gia cứu trợ trong đó có cho Hy Lạp thêm thời gian trả nợ gốc và lãi và có thể cân nhắc hỗ trợ tài chính thêm cho Hy Lạp nếu cần thiết, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết.
Triều Tiên lại dọa nhấn chìm Hàn Quốc trong biển lửa
Quân đội CHDCND Triều Tiên ngày 15-8 cảnh báo sẽ tấn công Hàn Quốc và nhấn chìm nước này trong biển lửa cũng như cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân với Mỹ.
Những cảnh báo được phát đi khi căng thẳng quân sự có dấu hiệu gia tăng trên bán đảo Triều Tiên vì một vụ tấn công bằng mìn mà Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên thực hiện cũng như một cuộc tập trận Mỹ - Hàn sắp diễn ra.
Sau vụ nổ mìn làm hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng trong một cuộc tuần tra biên giới, Seoul đã nối lại chương trình tuyên truyền bằng loa phóng thanh công suất cực lớn ở khu phi quân sự mà nước này đã không thực hiện trong hơn một thập kỷ.
Bình Nhưỡng bác bỏ những cáo buộc và nói việc chĩa loa phóng thanh sang nước này để tuyên truyền là một động thái “khiêu khích về mặt quân sự”.
Triều Tiên cũng cảnh báo “hành động quân sự tổng lực để đập tan mọi phương tiện chiến tranh tâm lý ở khắp mặt trận”, theo một tuyên bố từ quân đội nước này phát đi trên hãng tin nhà nước KCNA.
Tất cả các đơn vị Hàn Quốc liên quan tới vụ phát loa phóng thanh “dù là cơ động hay cố định sẽ không thoát khỏi những đòn trừng phạt”, thông báo của Triều Tiên nói.
Triều Tiên trước đó còn cảnh báo sẽ nhấn chìm Seoul “trong biển lửa” nếu các nhà hoạt động Hàn Quốc tiếp tục việc rải truyền đơn bằng khinh khí cầu dọc theo biên giới.
Thứ hai tới, ngày 17-8, sẽ bắt đầu cuộc tập trận kéo dài hai tuần “Ulchi Freedom” với sự tham gia của hàng chục ngàn binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ. Cuộc tập trận giả định đối phó với một cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Ủy ban quốc phòng nhà nước Triều Tiên ngày 15-8 cũng đã cảnh báo Mỹ sẽ hứng chịu “những hành động quân sự mạnh mẽ nhất” nếu cuộc tập trận diễn ra.
Ủy ban này tuyên bố: “Quân đội Triều Tiên không còn chỉ đối phó với vũ khí hạt nhân của Mỹ bằng súng trường như trong quá khứ, mà đã “được trang bị hùng hậu bởi các vũ khí tấn công và phòng thủ hiện đại nhất… bao gồm răn đe hạt nhân”.
Cả hai miền Triều Tiên ngày 15-8 đã tổ chức những hoạt động lớn kỷ niệm 70 năm ngày bán đảo Triều Tiên thoát ách nô lệ Nhật Bản.
Đây từng được kỳ vọng là dịp để hai bên tiến gần nhau hơn, nhưng những hoạt động mấy ngày qua cho thấy quan hệ giữa hai miền không hề được cải thiện.
Kêu gọi minh bạch, Thủ tướng Malaysia bị cười cợt
Lời kêu gọi cần có sự trong sạch hơn trong tài chính chính trị của Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã hứng chịu thêm những chỉ trích.
Thủ tướng Malaysia đang chịu sức ép trước các thông tin do trang Sarawak Report và báo Wall Street Journal đăng tải hồi tháng trước, trong đó nói gần 700 triệu USD đã được chuyển vào các tài khoản cá nhân của ông từ quỹ 1MDB, nơi ông làm cố vấn.
Ông Najib bị yêu cầu phải giải thích nguồn gốc số tiền này. Ban đầu, như AFP cho biết, ông Najib bác bỏ các cáo buộc và nói đây là một âm mưu chính trị.
Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia sau đó giải thích rằng số tiền đó ông có được là do các mạnh thường quân ở nước ngoài đóng góp nhưng không nói chi tiết.
Hôm 14-8, ông Najib lên tiếng rằng Malaysia đang thiếu các quy định đầy đủ về các khoản quyên góp chính trị cũng như chi tiêu cho tranh cử.
“Vì vậy, vấn đề cấp thiết là phải quản lý ngân quỹ chính trị để đảm bảo trách nhiệm và sự minh bạch vì lợi ích của các hành vi chính trị tích cực” - ông Najib nói trong một tuyên bố.
Ông cũng nói chính phủ sẽ lập một ủy ban nhằm đề ra một kế hoạch chi tiêu chính trị liêm chính. Tuy nhiên, ông không đề cập gì đến những cáo buộc chống lại ông gần đây.
Ngay lập tức, các phát biểu của ông bị đem ra chỉ trích và cười cợt. Nhân vật đối lập Kim Kit Siang nói ông Najib đang tìm cách trốn tránh việc giải thích khoản tiền 700 triệu USD.
“Ông ấy không có quyền đưa ra kế hoạch gì cho đến khi trả lời câu hỏi về chuyện này” - ông Lim nói.
Một người khác bình luận trên Facebook của thủ tướng Malaysia rằng: “Đây là một màn ảo thuật đánh lạc hướng dư luận”.
Nga yêu cầu Mỹ bỏ lá chắn tên lửa châu Âu
Ngày 14-8, chính phủ Nga lên tiếng kêu gọi Mỹ hủy bỏ kế hoạch lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu vì Iran đã ký thỏa thuận hạn chế hạt nhân với các cường quốc.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo ở Matxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để Mỹ tiếp tục chương trình lá chắn tên lửa, chứ đừng nói là một chương trình đang tăng tốc và rõ ràng nhắm hạn chế sức mạnh hạt nhân của Nga”.
Trước đó, Nga nhiều lần phản đối Mỹ lập lá chắn tên lửa ở châu Âu. Washington trấn an rằng lá chắn này nhằm mục tiêu bảo vệ Mỹ và châu Âu trước nguy cơ tấn công tên lửa từ những quốc gia “xấu” như Iran và Triều Tiên, chứ không nhằm kiềm chế Matxcơva.
Hồi tháng 7, Iran đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc là hạn chế chương trình hạt nhân nước này để đổi lấy việc được dỡ bỏ cấm vận thương mại. Do đó, chính phủ Nga bắt đầu gây sức ép với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama “không nói sự thật” khi khẳng định Mỹ cần lá chắn tên lửa trước “mối đe dọa thực sự” từ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí của Iran. Các quan chức Matxcơva cho rằng giờ vấn đề hạt nhân Iran đã được giải quyết, Washington nên từ bỏ kế hoạch xây lá chắn tên lửa.
Tuy nhiên người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran dù được thực hiện đầy đủ cũng sẽ không xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Tehran.
Theo thỏa thuận tháng 7, các biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran vẫn sẽ được duy trì trong tám năm.
“Nếu Iran tiếp tục phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục hợp tác để ngăn chặn mối đe dọa này thông qua lá chắn tên lửa NATO” - người phát ngôn này nhấn mạnh.
Trước đó Nga từng đe dọa sẽ đưa tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander tới Kaliningrad, sát biên giới các quốc gia NATO, nếu Mỹ dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu.