Putin: Bất cứ lực lượng nào đe doạ Nga sẽ bị tiêu diệt
Thủ tướng Medvedev: Kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Mỹ tiêu diệt “bộ trưởng tài chính” của IS
"Thành phố ma" của Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu vào tuần tới
Thủ tướng Malaysia quyết không từ chức
5 mối lo của cử tri Singapore
- Cập nhật : 10/09/2015
(Tin kinh te)
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 17, diễn ra vào thứ sáu (11-9), được giới quan sát quốc tế đánh giá là quan trọng nhất với đảo quốc sư tử trong 50 năm qua.
Thủ tướng Lý Hiển Long, lãnh đạo Đảng cầm quyền PAP, chụp ảnh selfie với các cử tri sau cuộc tuần hành tại khu trung tâm thương mại của Singapore ngày 8-9 - Ảnh: Reuters
Theo báo Financial Times, trước nhất là vấn đề người nhập cư, chính xác hơn là lao động nhập cư. Theo chuyên gia phân tích chính trị kiêm phó giáo sư Eugene Tan của Đại học Quản lý Singapore, đây là “nguyên nhân của mọi vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử lần này”. Nhập cư là câu chuyện đã và luôn bức xúc với nhiều người dân Singapore.
Chính sách nới lỏng kiểm soát nhập cư một mặt thúc đẩy kinh tế Singapore, nhưng mặt khác cũng làm tăng dân số nước này từ 4,4 triệu người năm 2006 lên 5,5 triệu người năm 2014. Điều này vừa gây áp lực cho cơ sở hạ tầng, vừa khiến người dân bức xúc vì phải cạnh tranh gay gắt việc làm với người nước ngoài khi tỉ lệ thất nghiệp trong nước vẫn là 2%.
Thứ hai là sự kiểm nghiệm sức mạnh của đảng cầm quyền. Cuộc bầu cử năm 2011 được xem là “sự kiện bước ngoặt” khi lần đầu tiên thử thách về khả năng chiếm ưu thế của Đảng Hành động nhân dân (PAP). Mặc dù lần đó PAP giành được 81/87 ghế trong quốc hội, nhưng tỉ lệ phiếu ủng hộ họ đã giảm xuống còn 60,1% - mức thấp nhất trong lịch sử, tạo điều kiện để các đảng đối lập có được sự hiện diện đầu tiên quan trọng trong cơ quan lập pháp Singapore.
Mặc dù gần như chắc chắn PAP vẫn sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 11-9, nhưng giới quan sát cho rằng chắc chắn lực lượng đối lập sẽ đóng vai trò kiểm soát nhất định trong chính phủ do PAP cầm quyền.
Thứ ba, người dân Singapore bước vào cuộc bầu cử với những lo ngại về tình hình kinh tế trong bối cảnh sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và những rối loạn chính trị ở quốc gia láng giềng Malaysia.
Sản xuất công nghiệp của Singapore đã giảm 6,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, còn tháng 6 cũng giảm 4%. Mặc dù vẫn là trung tâm tài chính sôi động nhưng sản xuất vẫn chỉ chiếm 17% GDP của Singapore.
Dù đã tách khỏi Malaysia từ 1965 và trở thành quốc gia phát triển hơn rất nhiều, nhưng Singapore vẫn lệ thuộc vào nguồn cung cấp nước từ phương bắc. Chính Thủ tướng Lý Hiển Long từng nói: “Nếu Malaysia gặp trục trặc, không ổn định hay chia rẽ, điều đó sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội và cả nền an ninh của chúng ta”.
Thứ tư là vấn đề lương hưu và nhà ở. Quỹ an sinh (CPF) là hệ thống tài chính giúp người lao động Singapore đóng góp các khoản tiết kiệm căn cứ theo độ tuổi và mức thu nhập có hưởng lãi hằng năm. Tuy nhiên mức quy định người dân khi tới 55 tuổi phải có tài khoản CPF tối thiểu 113.000 USD đang gây áp lực với người thu nhập thấp.
Hơn 80% người dân Singapore đang sống trong các căn hộ do Ủy ban nhà ở Singapore (HDB) xây dựng. Tuy nhiên nhiều đảng đối lập phàn nàn về giá các căn hộ của HDB quá cao so với khả năng chi trả của lao động nghèo.
Thứ năm là vấn đề giao thông công cộng. Với 5,5 triệu dân chen chúc trên diện tích 720km2, mật độ dân số Singapore thuộc loại đông nhất thế giới chỉ sau Monaco. Thực tế cho thấy dân số đông đang gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Những năm qua đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng với hệ thống tàu điện ngầm và đã có lúc ảnh hưởng tới 250.000 người đi lại.
Tranh đua 89 ghế
Chín đảng phái chính trị ở Singapore đều đã cử ra đủ các đại diện tranh cử ở tất cả 29 khu vực bầu cử trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên Đảng PAP phải đối mặt với thách thức lớn: cả 89 ghế trong quốc hội đều có thể được tranh cử.
Theo Channel News Asia, trong ngày hôm qua, các đảng phái chính trị đã tổ chức 12 cuộc tuần hành vận động cử tri, trong đó riêng PAP có bảy cuộc và ứng cử viên độc lập Han Hui Hui tổ chức riêng một cuộc tuần hành.
Trước đó, Đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long đã công bố danh sách 89 ứng cử viên. Đảng Lao động (WP) tuyên bố tranh cử 28 ghế, nhiều hơn năm ghế so với cuộc bầu cử năm 2011.
Theo Wall Street Journal, trong cuộc tổng tuyển cử lần này, không chỉ bầu ra một quốc hội mới, thông qua lá phiếu, người dân Singapore còn cho thấy là sự đánh giá của họ về mô hình phát triển đất nước của chính phủ dựa trên hai yếu tố: giảm lao động nước ngoài và đổi mới chiến lược kinh tế.