Bộ Ngoại giao Philippines ngày 11.11 thông báo Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) vừa ấn định ngày diễn ra phiên tranh tụng kế tiếp cho vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Người được quan tâm nhất cuộc bầu cử ở Singapore
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tin kinh te)
Cuộc tổng tuyển cử diễn ra tại Singapore ngày 11-9 có gương mặt đáng chú ý: Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Low Thia Khiang của đảng Lao động (WP) và ông Chee Soon Juan của Đảng dân chủ Singapore (SDP).
Đảng Hành động Nhân dân được dự đoán sẽ giành chiến thắng tại cuộc bầu cử ngày 11-9 ở Singapore - Ảnh: Reuters
Ngày 11-9, các cử tri Singapore sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra quốc hội mới, cuộc bầu cử được đánh giá là quan trọng nhất kể từ ngày thành lập quốc đảo.
Hãng tin AFP điểm qua ba gương mặt hiện đang được quan tâm nhiều nhất trong cuộc tổng tuyển cử lần này.
1. Lý Hiển Long – con trai nhà lãnh đạo sáng lập Singapore
Thủ tướng Lý Hiển Long, 63 tuổi là người đứng đầu chính phủ Singapore trong 11 năm, là con trai của cố thủ tướng Lý Quang Diệu.
Ông Lý Hiển Long nguyên là chuẩn tướng trong quân đội được hưởng nền giáo dục của Anh, giai đoạn đầu nắm quyền ông từng phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận cho rằng ông sẽ không thể trở thành thủ tướng nếu không có sự đỡ đầu từ cha mình.
Tuy nhiên sau khi lãnh đạo đảng Hành động nhân dân (PAP) giành chiến thắng qua hai nhiệm kỳ, ông đã trở thành một thủ tướng gần gũi, thân thiện, khác với phong cách lãnh đạo nghiêm ngặt của cha ông, thủ tướng Lý Quang Diệu đã từ trần hồi tháng 3 năm nay.
Thủ tướng Lý Hiển Long là một trong số không nhiều các nguyên thủ quốc gia đã tận dụng đưc tối đa hiệu quả mạng xã hội. Ông rất thích chụp ảnh selfie đưa lên Facebook và cũng không ngại chia sẻ niềm vui này với những người ủng hộ ông tại các sự kiện cộng đồng.
Ông Lý Hiển Long trở thành thủ tướng thứ ba tại Singapore vào ngày 12-8-2004, kế nhiệm ông Goh Chok Tong, người từng là phó thủ tướng của cha ông.
Ông cũng đã lãnh đạo PAP đi tới thắng lợi năm 2006 trong vai trò lần đầu tiên nắm giữ cương vị lãnh đạo đảng này.
Tuy nhiên trong cuộc bầu cử năm 2011, PAP đã thu được tỉ lệ phiếu ủng hộ thấp nhất trong lịch sử cầm quyền của họ, chỉ đạt 60%, mặc dù vẫn giành được 80/87 ghế.
Cuộc bầu cử ngày 11-9, có thể được xem như một cuộc trưng dầu dân ý về những gì ông Lý Hiển Long đã làm được cho đất nước Singapore.
2. Low Thia Khiang – Chính trị gia lặng lẽ gây dựng đảng
Cựu giáo viên cấp hai Low Thia Khiang 59 tuổi là nhà lãnh đạo của Đảng Lao động (WP), đảng đối lập lớn nhất tại Singapore.
Được biết tới như một chính trị gia mềm mỏng, linh hoạt và có khả năng thu hút người khác, ông Low Thia Khiang đã chăm chút gây dựng đảng WP trở thành một tổ chức chính trị có sức ảnh hưởng trên thực tế vượt xa hơn nhiều so với việc họ chỉ có 7 ghế trong quốc hội khóa trước.
Ông Low kiên trì với mục tiêu xây dựng bền vững đảng WP và cái đích cuối cùng là tạo dựng hệ thống chính trị song song tồn tại hai đảng phái ở Singapore.
Ông Low nghiên cứu văn học Trung Quốc và đồng thời là một doanh nhân. Ông hy vọng đợt bầu cử này sẽ giúp các đảng đối lập giành được khoảng 20 ghế để có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động của đảng cầm quyền chiếm đa số trong quốc hội.
3. Chee Soon Juan – chính trị gia nhiều tai tiếng
Ông Chee Soon Juan, 53 tuổi là lãnh đạo của Đảng dân chủ Singapore, một đảng đối lập quy mô nhỏ tại Singapore.
Với thực tế từng bị ở tù và cũng từng tuyên bố phá sản, ông Chee là bất ngờ lớn nhất trong chiến dịch tranh cử khi thu hút được hàng ngàn người tuần hành ủng hộ ông sau nhiều năm thất thế chính trị.
Ông Chee phải tuyên bố phá sản và không đủ điều kiện đăng ký ứng cử năm 2006 sau khi không trả được 350.000 USD tiền bồi thường thiệt hại cho cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và người kế nhiệm Goh Chok Tong vì tội bôi nhọ thanh danh.
Tuy nhiên sau khi trả hết nợ năm 2012, ông đã thoát khỏi tình trạng phá sản và lại đủ điều kiện tham gia ứng cử trong ngày hôm nay (11-9).
Ông Chee cũng từng bị ngồi tù vì tội biểu tình công khai khi chưa được phép và tội coi thường pháp luật.
Trong suốt nhiều năm, ông này liên tiếp bị truyền thông trong nước đưa tin bất lợi, tuy nhiên lần này, ông đã rất khéo léo tranh thủ được lợi thế của mạng xã hội để tiếp cận các cử tri Singapore.
Tại một cuộc tuần hành vào buổi trưa ở khu trung tâm thương mại, ông Chee đã được chào đón giống như một người nổi tiếng và ký tặng những người hâm mộ.
Theo Tuổi Trẻ