Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews cho rằng hoạt động bồi đắp các đá của Trung Quốc ở Trường Sa đe dọa gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Tin thế giới đọc nhanh 12-09-2015
- Cập nhật : 12/09/2015
Nga cảnh báo Mỹ về “sự cố ngoài ý muốn” tại Syria
Ngày 11-9, Chính phủ Nga kêu gọi Mỹ nối lại hợp tác quân sự để tránh “những sự cố ngoài ý muốn” tại Syria trong thời điểm Washington cáo buộc Matxcơva triển khai sức mạnh ở Syria.
Theo Reuters, những ngày qua các quan chức Mỹ liên tục bày tỏ sự lo ngại với việc Nga triển khai quân sự tại Syria. Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo nguy cơ máy bay chiến đấu của Mỹ và liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể đụng độ với lực lượng Nga.
Cả Mỹ và Nga đều khẳng định IS là kẻ thù chung. Tuy nhiên Matxcơva ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Washington cho rằng sự có mặt của ông Assad khiến chiến tranh tại Syria trở nên tồi tệ hơn.
Mới đây tình báo Mỹ khẳng định binh sĩ Nga đã tham gia vào các trận chiến để hỗ trợ cho quân đội của ông Assad. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố “thêm chiến tranh vào chiến tranh” sẽ không giúp giải quyết cuộc xung đột Syria. Điện Kremlin từ chối bình luận về thông tin này.
Trong cuộc họp báo hôm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận nước này có triển khai khí tài giúp chính quyền Assad chống IS. Ông Lavrov nhấn mạnh binh sĩ Nga có mặt ở Syria chỉ để quản lý khí tài và đào tạo cho quân đội của ông Assad. Nga cũng đang tổ chức các cuộc tập trận ở phía đông Địa Trung Hải.
Ông Lavrov chỉ trích việc Mỹ cắt các kênh liên lạc quân sự với Nga vì khủng hoảng Ukraine. “Các kênh liên lạc này là rất cần thiết để tránh những sự cố bất ngờ, ngoài ý muốn” - ngoại trưởng Nga khẳng định.
“Chúng tôi luôn muốn đối thoại quân sự một cách chuyên nghiệp. Mỹ hiểu điều đó. Nhưng nếu Mỹ muốn đóng băng các kênh liên lạc này thì cứ tự nhiên” - ông Lavrov bình thản.
Quan điểm khác biệt về tương lai của ông Assad cản trở Mỹ và Nga hợp tác để chống IS. Các nước châu Âu cũng muốn loại bỏ ông Assad. Đến nay chiến tranh ở Syria đã giết chết 250.000 người.
Trung Quốc sắp khởi tố cựu chủ tịch Tập đoàn tài nguyên
Cáo buộc ông Song biển thủ của công vừa bị chuyển cho các cơ quan pháp lý, Reuters hôm nay dẫn tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho hay.
Ông Song mất chức năm ngoái sau khi bị điều tra do nghi "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Theo cáo buộc, ông Song nhận hối lộ, dùng công quỹ cho các chi tiêu cá nhân như chơi golf và ngoại tình.
Cựu Phó chủ tịch tập đoàn là Wang Shuaiting cũng bị khởi tố với cáo buộc tương tự. Hai người đều bị khai trừ khỏi đảng.
Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc (China Resources Holdings - CRH) là công ty cổ phần kinh doanh năng lượng, đất đai và hàng tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Các công ty con gồm công ty tài nguyên gas, xi măng và điện lực.
Cơ quan điều tra chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc đã điều tra CRH và các đơn vị liên quan trong chiến dịch triệt phá nạn tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập khẳng định tham nhũng là mối nguy với sự sống còn của đảng Cộng sản Trung Quốc và thề truy bắt cả "hổ lẫn ruồi" trong chiến dịch truy quét này.
Bóng đá mang về hơn một tỷ USD cho kinh tế Anh
Khách du lịch tại Anh trung bình chi tiêu 636 bảng (hơn 983 USD). Tuy nhiên, đối với những người kết hợp cả du lịch và xem bóng đá thì con số này phải lên tới 855 bảng, theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS).Trong số khách du lịch nước ngoài tới Anh để xem thể thao, có tới ba phần tư là xem bóng đá. Tổng chi tiêu của những người này lên tới 684 triệu bảng Anh (khoảng 1,05 tỷ USD) trong năm 2014.
Cũng trong năm ngoái, việc hàng trăm nghìn cổ động viên đổ về nước Anh xem các giải bóng đá lớn đã mang về cả tỷ USD cho nền kinh tế này. Sân vận động Old Trafford của Manchester United và Emirates của Arsenal là hai điểm đến phổ biến nhất của 800.000 khách du lịch nước ngoài tới Anh. Trong đó, mỗi sân vận động nhận tới 109.000 lượt khách tham quan.
Ireland là đất nước có lượng khách tới Anh xem bóng đá nhiều nhất với 121.000 người, sau đó là Na Uy với 93.000 người và Thụy Điển với 58.000 người.
Theo số liệu của ONS, tỷ lệ khách tới xem bóng đá ở vùng Tây Bắc nước Anh là cao nhất, khi cứ 10 du khách tới vùng này thì có một đi xem bóng đá. Xếp thứ 2 là vùng Đông Bắc nước Anh và xứ Wales đứng thứ 3.
Ông Richard Scudamore - Giám đốc Điều hành của Premier League cho biết: "Giải Ngoại hạng rất tự hào khi là động lực thúc đẩy du lịch Anh phát triển. Số lượng cổ động viên của giải bóng đá Ngoại hạng Anh trên toàn thế giới hiện đã lên tới 1,2 tỷ người". Ông Scudamore hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Bộ trưởng Du lịch Anh Tracey Crouch cũng từng dành lời khen ngợi cho bóng đá, khi môn thể thao này có thể phát huy tối đa vai trò đối với ngành du lịch bản địa.
Ông chủ sàn bitcoin Mt. Gox bị kết tội biển thủ
Có trụ sở tại Tokyo, Mt.Gox từng là sàn tiền ảo bitcoin có giá trị giao dịch lớn nhất thế giới. Tháng 2/2014, sàn giao dịch này tuyên bố đóng cửa, do đánh mất 750.000 bitcoin của khách hàng và 100.000 bitcoin của công ty, tương đương 500 triệu USD tại thời điểm đó.Sau đó, họ tuyên bố đã tìm ra 200.000 bitcoin trong một ví điện tử "bị bỏ quên". Văn phòng Công tố Tokyo không xác nhận số bitcoin hiện vẫn mất tích.
Mt. Gox khi đó đã không cho nhà đầu tư rút tiền, đổ lỗi cho sự cố kỹ thuật và bị tấn công mạng. Công ty có trụ sở tại Nhật Bản này đã sau đó đã nộp đơn xin phá sản tại Tokyo với tổng nợ lên tới 64 triệu USD.
Karpeles bị cảnh sát bắt giữ đầu tháng 8. Phát ngôn viên của cảnh sát cho biết ông Karpeles bị nghi ngờ đã truy cập vào hệ thống giao dịch và làm tài khoản của mình tăng thêm 1 triệu USD. Mối liên hệ giữa việc này và số bitcoin bị mất tích hiện vẫn chưa được làm rõ. Cảnh sát còn nghi ngờ số bitcoin được ông Karpeles báo mất thực chất không tồn tại.
Trước đó, sau khi nhận được thông tin sẽ bị bắt giữ từ Nikkei, Karpeles lập tức trả lời Wall Street Journal rằng cáo buộc trên là sai và ông "đương nhiên sẽ không nhận tội".
Ra đời năm 2009, tiền ảo Bitcoin hiện được sử dụng trong giao dịch rất nhiều hàng hóa và dịch vụ trên thế giới. Loại tiền này không do ngân hàng trung ương nào phát hành, mà được tạo ra trên mạng bằng cách cho máy tính giải các thuật toán phức tạp. Quá trình này gọi là "đào". Hiện thế giới có khoảng 12 triệu đồng Bitcoin, giới hạn số tiền ảo được tạo ra là 21 triệu đồng.
Thủ tướng Thái dọa truy tố những ai chỉ trích chính phủ
Ngày 11-9, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha dọa sẽ truy tố bất kỳ ai chỉ trích ông và chính phủ. Nhiều người chê chính quyền Bangkok đều bị “điều chỉnh thái độ”.
Theo AFP, trong cuộc họp báo hôm nay 11-9, Thủ tướng Prayut thông báo nhà chức trách vừa bắt cựu bộ trưởng năng lượng Pichai Naripthaphan và cựu nghị sĩ Karun Hosakul của Đảng Pheu Thai bị lật đổ vì chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội.
Trên Facebook, cựu bộ trưởng Pichai chỉ trích kế hoạch cải tổ kinh tế của chính quyền và đề xuất những biện pháp của riêng ông để khôi phục nền kinh tế đang lao đao. Đây là lần thứ bảy ông bị nhà chức trách ép phải dự khóa “hướng dẫn điều chỉnh thái độ”.
“Lần này nếu ông ta không hiểu nữa thì tôi sẽ không tha thứ. Nếu ông ta còn tiếp tục hành động này thì ông ta sẽ bị truy tố” - Thủ tướng Prayut đe dọa. Ông cũng cho biết cựu nghị sĩ Karun bị bắt vì “chỉ trích chính phủ một cách thiếu xây dựng”.
Ông Prayut cũng cảnh báo những người chỉ trích chính phủ: “Bất cứ ai gây chia rẽ hoặc cáo buộc vô căn cứ chống chính phủ sẽ bị truy tố tội gây rối. Đừng có chống lại tôi”.
Trong thời gian qua, rất nhiều người Thái Lan đã bị buộc phải dự các khóa “hướng dẫn điều chỉnh thái độ” vì chỉ trích chính phủ do quân đội tổ chức.
Các khóa “hướng dẫn” này kéo dài khoảng 7 ngày. Theo tổ chức iLaw, số người bị “điều chỉnh thái độ” kể từ cuộc đảo chính năm 2014 đã lên đến hơn 700 người.