Trung Quốc cung cấp tên lửa phòng không cho Campuchia
Mỹ thắt chặt an ninh hàng không vì sợ khủng bố
Trung Quốc thúc đẩy mở văn phòng đại diện với Đài Loan
Ít nhất 350 ngôn ngữ được sử dụng ở Mỹ
'Ông Tập Cận Bình khẳng định dàn tên lửa không nhắm Đài Loan'
Bầu cử tự do và công bằng ở Myanmar - những điều ít biết
- Cập nhật : 07/11/2015
(Quoc te)
Ngày 6-11 là hạn cuối của cuộc vận động tranh cử kéo dài hai tháng tại Myanmar. Ngày 8-11, cử tri Myanmar sẽ cầm lá phiếu thực hiện cuộc bầu cử “tự do và công bằng” đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1960.
Người dân ở Yangon đi mua áo và phù hiệu của đảng phái chuẩn bị cuộc bầu cử ngày 8-11 - Ảnh: Reuters
Cuộc bầu cử ở Myanmar, trước đây gọi tên là Burma, đang trở thành tâm điểm chú ý của chính trị khu vực và thế giới vì tính chất chuyển hóa sang con đường dân chủ sau thời kỳ lãnh đạo của giới quân nhân.
Từ bốn năm qua, tiến trình hướng đến dân chủ của Myanmar trở nên sôi động với việc chuẩn bị cho bầu cử có sự tham gia của nhiều đảng phái và một nhân vật được xem là biểu tượng của đấu tranh vì dân chủ: bà Aung San Suu Kyi.
Quốc hội vùng
Trong cuộc tổng tuyển cử quan trọng lần này vào ngày 8-11, người dân sẽ bầu quốc hội trung ương và địa phương với việc chọn lựa ứng viên cho thượng viện (gọi là Amoytha Hluttaw), hạ viện (gọi là Pyithu Hluttaw) và ứng viên cho quốc hội vùng.
Myanmar bao gồm 7 bang (Kachin, Kayah, Kayin, Chin, Mon, Arakan, Shan) tương ứng với mỗi khu vực sinh sống của các dân tộc ở khu vực biên giới và 7 vùng (Sagaing, Taninthayi, Bago, Magway, Mandalay, Rangoun, Ayeyarwady) ở trung tâm của đất nước, là nơi tập trung của dân tộc chiếm đa số (người Bamars).
14 bang và vùng nêu trên có quốc hội riêng với quy mô thành viên tùy thuộc số dân trong khu vực đó. Các thành phố lớn như Yangon, Mandalay và Pagan được chia thành quận. Thủ đô mới Nay Pyi Daw là vùng lãnh thổ riêng biệt nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của tổng thống.
Bầu cử trực tiếp một vòng
Hệ thống bầu cử của Myanmar hoạt động theo thể chế phổ thông đầu phiếu trực tiếp, bầu một vòng và ứng viên cao phiếu hơn sẽ thắng tại khu vực mình tranh cử.
Vì thế các đảng phái nhỏ, đại diện các nhóm thiểu số dân số ít sẽ ít có cơ hội thành công ở cấp bầu cử quốc gia.
Chẳng hạn ở bầu cử thượng viện, bang người Karen ít ỏi cũng cũng phải cử ứng viên tham gia ở Nay Pyi Daw bằng với ứng viên của bang người Shan, nhưng chắc chắn cơ hội thành công là vô cùng ít ỏi vì dân số người Shan cao gấp 20 lần.
Ưu thế của phái quân đội
Theo hiến pháp năm 2008, ¼ số ghế của các cơ quan lập pháp đương nhiên dành cho người của bên quân đội, không cần bầu.
Điều này được cho là bất bình đẳng gây thiếu dân chủ cho cuộc bầu cử và bị phe đối lập cũng như các nhà quan sát quốc tế lên tiếng nhiều trong thời gian qua.
Do đó, đương nhiên bên quân đội có quyền phủ quyết đối với những thay đổi thể chế bởi mọi thay đổi đều phải có sự đồng thuận của hơn 75% số phiếu quốc hội.
Năm 2015, các thành viên quân đội và Đảng Đoàn kết và phát triển vì liên minh (USDP) xuất thân từ quân đội giữ hơn 78% số ghế của quốc hội.
Tổng thống được bầu thế nào?
Cử tri Myanmar sẽ không bầu trực tiếp tổng thống mà tổng thống được chọn qua việc bỏ phiếu của nhóm nghị sĩ từ thượng viện, hạ viện và nhóm nghị sĩ từ quân đội.
Mỗi nhóm sẽ cử ra ứng viên cho chức vụ tổng thống nhiệm kỳ 5 năm. Sau đó toàn thể quốc hội sẽ bỏ phiếu kín và ứng viên được cao phiếu nhất sẽ là tổng thống, hai người còn lại làm phó tổng thống.
Việc lựa chọn ứng viên tổng thống sẽ do các đảng phái có đại diện trong quốc hội thảo luận kín với nhau, thậm chí đến giờ cũng chưa có ứng viên chính thức nào được tiết lộ tên tuổi.
Phải đến tháng 3-2016 thì tên tuổi của tổng thống thắng cử mới được thông báo trong kỳ họp đầu tiên của quốc hội mới.
Dù cuộc bầu cử lần này được đánh giá là vì dân chủ và công bằng nhưng giới quan sát cho rằng những trở lực cho việc chuyển thành một chế độ dân chủ thật sự còn phải nổ lực nhiều lắm.
Người dân Myanmar rất thiếu thông tin về tiến trình bầu cử và không biết ứng viên là ai vì những người tranh cử không được cử tri địa phương biết mặt.
Ngoài ra theo quy định, ở khu vực bầu cử nào có số lượng cử tri tham gia không đạt quá bán sẽ hủy bầu cử ở nơi đó.
Trong số 33,5 triệu cử tri ở tuổi đi bầu, các nhà quan sát quốc tế cho rằng khoảng 4-10 triệu không được phép bỏ phiếu.
Chẳng hạn, có khoảng 850.000 người dân có “thẻ trắng”, chủ yếu là người Hồi giáo thiểu số như người dân tộc Rohingyas, người Kokang, người Wa và những nhóm thiểu số gốc Hoa hoặc Ấn.
Từ tháng 6 vừa qua, họ đã biết thông tin không được quyền bỏ phiếu vì bị xem là “công dân tạm thời”.
270.000 người ở bang Chin, vùng bị ảnh hưởng vì lũ lụt hồi mùa hè vừa qua, và 100.000 người dân ở bang Kachin phải di tản vì xung đột quân sự đã không có tên trong danh sách đi bỏ phiếu.
Ở bang Shan, có khoảng 600.000 người sinh sống tại những khu vực đang bị đội quân người Wa và Mongla kiểm soát cũng không có lá phiếu vì chính quyền không thể can thiệp vào những vùng đất này.
Ngay cả số người Myanmar đang làm việc ở nước ngoài cũng không thể tham gia bỏ phiếu vì không có thông tin.
Chỉ 34.000 người kịp đăng ký đúng hạn để có thể đi bỏ phiếu. Con số chính thức người Myanmar làm việc ở nước ngoài công bố là 2 triệu nhưng các nhà chuyên môn cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều vì chỉ riêng ở Thái Lan đã có khoảng 3 triệu lao động người Myanmar.
Những vấn đề tổ chức, an ninh và tính đảng phái của ủy ban bầu cử quốc gia (có lợi cho chính phủ đương nhiệm) cũng đang đặt ra tính tin cậy đối với cuộc bầu cử lần này.
Thậm chí đã có những vụ tấn công nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo, chiếm khoảng 5% dân số, nên các nhà quan sát cho rằng sẽ khó có khả năng ứng viên Hồi giáo nào đó thắng cử trở thành đại biểu nhân dân và điều đó càng khiến cộng đồng khó có cơ hội nói lên tiếng nói của mình.