tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trung Quốc "tuổi xế chiều" và thử thách vượt Mỹ

  • Cập nhật : 18/05/2016

(The gioi)

Cách đây không lâu, nhiều người cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ. Tuy nhiên, yếu tố dân số cho thấy dường như dự báo này sẽ không thể trở thành hiện thực.

Ở hai nửa của địa cầu, hai cuộc tranh luận – một diễn ra công khai và một đang âm thầm diễn ra nhưng đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của thế giới - đang dần trở nên căng thẳng hơn. Nhìn bề ngoài thì chúng không có quan hệ gì với nhau, nhưng trong sâu thẳm thì hoàn toàn ngược lại.

Cuộc tranh luận thứ nhất là ở Mỹ, có liên quan đến vấn đề nhập cư. Những thành viên của đảng Cộng hòa như Donald Trump và Ted Cruz lên tiếng mạnh mẽ nhất, mà điển hình là lời đề nghị xây một bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico và trục xuất hàng triệu người nhập cư ra khỏi nước Mỹ. Trong khi đó cuộc tranh luận thứ hai đang âm thầm diễn ra ở Bắc Kinh, về việc đối phó với Mỹ trên biển.

Cả hai cuộc tranh luận này đều có một điểm chung: thể hiện vai trò của Mỹ trên trường quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ với châu Phi về cả kinh tế và chính trị, khuấy động biển Đông, cho ra mắt Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để đối chọi với Ngân hàng thế giới. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với hàng loạt dự án đường sắt, đường bộ và cảng biển kết nối Trung Quốc với phần còn lại của châu Á và cả châu Âu. Dự án này không chỉ giúp tăng cường sức mạnh thương mại của Mỹ mà còn là tầm ảnh hưởng trên chính trường.

Trung Quốc cũng bộc lộ tham vọng muốn gây ảnh hưởng lên cả “sân sau” của Mỹ, mà động thái rõ ràng nhất là kế hoạch xây kênh đào Nicaragua của tỷ phú Vương Tĩnh nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama do Mỹ xây dựng. Tuy nhiên dự án này đã bị dừng lại vô thời hạn sau khi chứng khoán Trung Quốc sụp đổ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng sự kiện TTCK đổ vỡ chính là những cảnh báo sớm về kịch bản kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái. Tồi tệ hơn là nền kinh tế giảm tốc vào đúng giai đoạn không thuận lợi về mặt xã hội: trong vài năm nữa thế hệ Baby Boomers (những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số) của Trung Quốc sẽ về hưu. Nước này sẽ chuyển từ trạng thái dân số trẻ sang dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp.

Dưới đây là những con số biết nói về tình trạng này: hiện nay cứ 5 người đang làm việc thì chỉ có 1 người nghỉ hưu. Đến năm 2040, tỷ lệ sẽ giảm xuống chỉ còn 1,6:1. Đến năm 2050 độ tuổi trung bình của cũng tăng từ mức 30 của đầu thế kỷ này lên 46 tuổi. Số người trên 65 tuổi được dự báo sẽ tăng từ mức gần 100 triệu của năm 2005 lên hơn 329 triệu người vào năm 2050 – lớn hơn cả Đức, Nhật, Pháp và Anh cộng lại.

Có thể dễ dàng nhìn thấy những hệ lụy đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Dân số trở thành một lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Đáng báo động hơn là ngân sách phải chi cho hưu trí tăng mạnh trong khi thu ngân sách sụt giảm.

Không giống với người dân của những thành phố thịnh vượng miền Đông Trung Quốc, hàng trăm triệu nông dân và lao động nhập cư có rất ít tiền tiết kiệm và gần như không có lương hưu. “Trung Quốc đặt mục tiêu phủ sóng hệ thống hưu trí đến tất cả mọi người, nhưng làm như vậy sẽ rất đắt đỏ”, một chuyên gia kinh tế đến từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.

Mark L. Haas, giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Duquesne, cho rằng cách mà các nước lớn đối phó với những thay đổi về cơ cấu dân số sẽ tác động rất lớn đến trật tự kinh tế thế giới.

Những sự kiện gần đây phản ánh phần nào sự thực này. Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm 300.000 quân nhân và nói rằng đây là hành động thể hiện thiện chí mong muốn hòa bình. Tuy nhiên, yếu tố dân số là lời giải thích hợp lý hơn.

Năm ngoái số dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sụt giảm tới 4,87 triệu người, khiến nước này thiếu hụt lao động. Trong bối cảnh chi phí tiền lương tăng cao, duy trì lực lượng quân đội lớn nhất thế giới không phải là điều khôn ngoan.

Để đối phó với tình trạng khẩn cấp về dân số, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách 1 con. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi này sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, ở Trung Quốc có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ không muốn sinh nhiều con. Tỷ lệ sinh ở đây đã bắt đầu giảm xuống ngay cả trước khi chính sách 1 con được áp dụng vào năm 1978. Chính sách 1 con càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo dự đoán đến năm 2020 ở Trung Quốc số cử nhân sẽ nhiều hơn 30 triệu người so với số phụ nữ độc thân ở cùng độ tuổi.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng trong 1 đến 2 thập kỷ tới, áp lực xã hội và ngân sách mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ lớn đến mức nước này sẽ phải thực thi điều khó tin đối với quốc gia đông dân nhất thế giới: thu hút người nhập cư mà chủ yếu là lao động châu Phi.

Cách đây không lâu, nhiều người cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ. Tuy nhiên, yếu tố dân số cho thấy dường như dự báo này sẽ không thể trở thành hiện thực.

Tất nhiên Mỹ cũng có những áp lực về dân số. Dẫu vậy, Mỹ đang ở một vị thế tốt hơn hẳn khi xét về hệ thống hưu trí và an sinh xã hội. Trong khi lực lượng lao động Trung Quốc đang co hẹp, lực lượng lao động của Mỹ được dự báo sẽ tăng 31% trong giai đoạn 2010 – 2050. Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và giảm áp lực cho hệ thống an sinh xã hội. Cùng lúc đó Mỹ có lợi thế về thu nhập bình quân đầu người.

Mỹ không đối mặt với tình trạng dân số suy giảm phần lớn là nhờ người nhập cư. Dù cao hơn Trung Quốc và nhiều nước châu Âu khác, tỷ lệ sinh của Mỹ (ở mức 2,1 trẻ/phụ nữ) vẫn chưa đủ cao để tránh tình trạng dân số giảm. Theo Viện nghiên cứu Pew, người nhập cư và con cháu của họ sẽ đóng góp tới 88% tăng trưởng dân số của nước Mỹ trong 50 năm tới.

Người nhập cư đang bị chỉ trích theo nhiều cách, làm lu mờ tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế và tương lai của nước Mỹ. Đôi lúc họ bị cho là kẻ đánh cắp việc làm và cơ hội của công dân Mỹ, thậm chí bị gọi là tội phạm. Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy. Người nhập cư giúp nước Mỹ thịnh vượng hơn và tiếp sức cho Mỹ trong cuộc đua với Trung Quốc.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục