Theo Kyodo, ngày 19/1, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,4%, do sự sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.
Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã lỗi thời!
- Cập nhật : 12/01/2016
(Kinh te)
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhận ra rằng cần phải hiện đại hóa chính sách của họ bằng cách tăng cường khuyến khích các sáng kiến riêng và cạnh tranh.
Sau một thời gian tăng trưởng quá nóng, rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại. Tuy nhiên, các chính sách của nước này trong những tháng gần đây có nhiều điều chưa "chuẩn", và do đó, việc suy giảm một cách tự nhiên lại trở thành khủng hoảng.
Chỉ trong 1 tuần, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc giảm gần 10%, gây áp lực lên giá chứng khoán và giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, việc chỉ số chứng khoán hay giảm giá không phải là những vấn đề kinh tế lớn. Vấn đề lớn cần quan tâm hiện nay là những người điều hành nền kinh tế có nhận ra rằng đây là thời điểm đưa ra những thay đổi cơ bản trong cơ chế quản lý hay không, khi niềm tin vào họ đang giảm.
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 7%, giảm so với mức 10,6% trong năm 2010 nhưng tốc độ này vẫn được coi là tốt đối với nền kinh tế đang phát triển. Vấn đề là kinh tế bùng nổ nhờ đầu tư, chi tiêu và cho vay một cách lãng phí, nhiều khoản cho vay không được trả lại. Sau khi Trung Quốc bị cuốn vào vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ giải quyết vấn đề bằng cách bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế. Tiếp đó, các nhà hoạch định chính sách lại không đưa ra những chính sách cải cách cần thiết để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả.
Từ năm ngoái, Trung Quốc sử dụng phương tiện truyền thông của nhà nước để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân đổ tiền tiết kiệm và vốn vay vào thị trường chứng khoán, tạo ra bong bóng chứng khoán. Sau đó, bong bóng chứng khoán vỡ, chính phủ đổ lỗi cho những kẻ đưa tin đồn thất thiệt và các nhà đầu cơ, đồng thời yêu cầu các công ty chứng khoán và các công ty nhà nước tiếp tục mua chứng khoán, chỉ đơn giản là để người ta không để ý đến những vấn đề đằng sau đó.
Bài học ở đây rất rõ ràng: Thay vì cố gắng quản lý giá cổ phiếu theo hướng vi mô, Trung Quốc phải củng cố nền kinh tế, trước hết là chuyển trọng tâm từ đầu tư sang tiêu thụ. Điều này quan trọng vì Trung Quốc không thể phát triển mãi bằng cách bắt nông dân rời làng và đưa họ vào các nhà máy. Điều cần làm là phát triển ngành dịch vụ. Ví dụ, cần tạo ra nhiều việc làm, giúp nền kinh tế cạnh tranh hơn bằng cách tạo điều kiện cho các DN tư nhân đầu tư vào các ngành vốn đang được một vài các công ty nhà nước thống lĩnh như viễn thông hay bảo hiểm.
Trung Quốc cũng phải "làm sạch" hệ thống tài chính. Nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay hàng tỷ USD để xây dựng đường sắt cao tốc, phát triển bất động sản và các dự án khác, nhưng việc đầu tư không hiệu quả, không thể trả được nợ. Chính phủ nên khuyến khích việc cấu trúc lại các khoản đã cho vay để các ngân hàng không bị tê liệt vì nợ xấu và có thể tiếp tục các khoản vay mới. Các công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả cũng nên bị đóng cửa.
Việc Trung Quốc làm thế nào để giải quyết những vấn đề này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng do nước này đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ dầu, đậu tương và quặng sắt nhiều nhất thế giới, do đó, nếu nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này giảm thì kinh tế Brazil, Saudi Arabia và Nam Phi đều sẽ bị ảnh hưởng.
Các nước công nghiệp phát triển như Đức, Nhật Bản và Mỹ đều xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc và nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư rất nhiều tiền vào đây. Do đó, các nước này cũng "dễ bị tổn thương". Mặc dù mức độ "tổn thương" ít hơn so với các nước xuất khẩu hàng hóa thông thường. Một số nhà phân tích lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục chỉ sử dụng công cụ điều tiết quen thuộc là phá giá đồng nhân dân tệ. Điều này sẽ khiến Trung Quốc tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu nhưng nó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nước khác trong nền kinh tế toàn cầu.
Bản thân đồng nhân dân tệ cũng bị áp lực vì khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, nhiều người dân và các công ty ở Trung Quốc kêu gọi chuyển sang sang tiết kiệm bằng đồng USD để mua bất động sản và đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, suy cho cùng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhận ra rằng cần phải hiện đại hóa chính sách của họ bằng cách tăng cường khuyến khích các sáng kiến riêng và cạnh tranh. Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong 3 thập kỷ qua và cách tiếp cận dựa trên mệnh lệnh - kiểm soát để quản lý kinh tế không còn mang lại hiệu quả như trước nữa.