tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đừng lo cho Trung Quốc!

  • Cập nhật : 19/01/2016

(Kinh te)

Tiêu dùng ở đây đang tăng mạnh, giá bất động sản đi vào ổn định, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu đã hồi phục và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa để kích thích tài khóa cũng như tiền tệ nếu cần thiết.

Cách đây 1 năm, tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói rằng đất nước của ông có thể tránh được kịch bản “hạ cánh cứng”. Năm nay, thị trấn nhỏ bé xinh đẹp của Thụy Sĩ lại chuẩn bị chào đón những nhân vật cấp cao đến dự sự kiện này và những chuyên gia như nhà kinh tế từng đạt giải Nobel Joseph Stiglitz hay CEO Tidjane Thiam của Credit Suisse nói rằng ông Lý vẫn đúng.

Có thể bạn sẽ nhíu mày trước lời nhận định của hai chuyên gia này. Trung Quốc vừa khiến cả thế giới chao đảo ngay đầu năm mới với 5.000 tỷ USD bị thổi bay khỏi TTCK toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến cả thế giới phải lo ngại về triển vọng tăng trưởng và thị trường hàng hóa cũng vì Trung Quốc mà chao đảo theo.

“Cảm xúc thường đi quá xa và quá nhanh, thiên lệch quá mức về phía những kịch bản tồi tệ”, Tim Adams – Chủ tịch Viện Tài chính quốc tế IIF – nhận định. “Cuối cùng thì cũng giống như mọi nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề của họ và vượt qua được giai đoạn này”.

Nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về Trung Quốc sau khi số liệu được công bố sáng nay cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990. Ngoài ra, điều khiến họ e ngại là ‘quả bom nợ” ước tính lên đến 28.000 tỷ USD, nguy cơ chiến tranh tiền tệ xuất phát từ nhân dân tệ và một TTCK lao dốc.

Vì Trung Quốc giờ đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đóng góp tới 15% GDP toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng lây lan sang các quốc gia khác hiển hiện rõ nét. Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng hóa, máy móc và có thể “xuất khẩu” giảm phát sang các nước khác luôn là mối lo thường trực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế vẫn tìm ra được những lý do để lạc quan về Trung Quốc. Tiêu dùng ở đây đang tăng mạnh, giá bất động sản đi vào ổn định, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu đã hồi phục và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa để kích thích tài khóa cũng như tiền tệ nếu cần thiết.

Giáo sư Stiglitz của ĐH Columbia cho rằng luôn luôn có một khoảng trống giữa những gì xảy ra trong nền kinh tế thực và trên thị trường tài chính. Đúng là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc trên mọi phương diện, nhưng đó không phải là một “cơn địa chấn”.

Đối với Adam Posen, Chủ tịch của Viện nghiên cứu Peterson, tình hình ở Trung Quốc hiện nay giống như cuộc khủng hoảng S&L ở Mỹ trong những năm 1980 – thứ đã gây tổn hại nhưng không đè bẹp nền kinh tế. Người dân Trung Quốc vẫn có tiền tiết kiệm, chỉ một phần nhỏ nợ nước ngoài được tính bằng ngoại tệ và các ngân hàng Trung Quốc không hề có dấu hiệu bất ổn.

“Tôi thực sự nghĩ rằng mọi người đang phản ứng thái quá”, Posen – người từng là một nhà hoạch định chính sách tại NHTW Anh – nói.

Ngân hàng Goldman Sachs cũng ước tính rằng kể cả trong kịch bản xấu hơn, Trung Quốc cũng chỉ khiến GDP của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu giảm 0,2 điểm phần trăm mà thôi.

Một số người lập luận rằng kinh tế Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi tiêu dùng và dịch vụ. “Họ đang chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và sản xuất sang dựa vào tiêu dùng. Quá trình này mang đến nhiều nỗi đau, nhưng tôi tin rằng họ sẽ thành công’, Thiam nói. “Tôi đến Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1984, và bất kỳ ai đã từng ở Trung Quốc thời năm 1984 sẽ lạc quan về đất nước này”.

Ngược lại, một số người tỏ ra lo lắng hơn. Chuyên gia kinh tế trưởng Willem Buiter đến từ Citigroup cho rằng có 55% khả năng Trung Quốc sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong vài năm tới. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng Trung Quốc là một “thành phần” trong “ly cocktail nguy cơ” mà kinh tế Anh phải đối mặt.

Trung Quốc sẽ là chủ đề nóng thu hút nhiều cuộc tranh luận tại diễn đàn năm nay. Các đại biểu Trung Quốc tham dự gồm có Chủ tịch Jack Ma của Alibaba, Chủ tịch Ya-qin Zhang của Baidu và Jiang Jianqing – Chủ tịch của ngân hàng ICBC.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục