Trong cuộc duyệt binh lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc ngày 3/9 tới, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không tham dự dù đã được mời, mà chỉ cử “nhân vật số 2” Choe Ryong-hae đến Bắc Kinh.
Bác bỏ vụ kiện "đường 9 đoạn", Trung Quốc sẽ tự đẩy mình vào thế khó
- Cập nhật : 14/06/2016
(The gioi)
Nếu Trung Quốc vẫn cố tình bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện “đường 9 đoạn”, thì chính Trung Quốc sẽ tự đưa mình vào thế khó trong quan hệ với các nước, cũng như một lần nữa tự thừa nhận rằng họ lại tiếp tục phớt lờ luật pháp quốc tế.
Đó là nhận định của Giáo sư Erik Franckx, thành viên PCA, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vrije (Bỉ) trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề cuộc Tọa đàm “Quản lý và giải quyết các vấn đề biển phức tạp" tại Hà Nội ngày 13/6.
Trung Quốc sẽ tự "buộc" mình với các hạn chế
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về thời gian PCA sẽ đưa ra phán quyết đối với vụ kiện "đường 9 đoạn" của Philippines, ông Franckx cho rằng, đây là điều khó dự đoán vì PCA phải xem xét, xử lý nhiều vấn đề liên quan trong đơn kiện của Philippines nhằm xác định những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực nằm bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.
PCA sẽ làm rõ định nghĩa của các thực thể trên Biển Đông để xác định xem chúng là đảo, bãi cạn hay đá trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Có nhiều phỏng đoán về thời gian, có thể trong tháng này, vài tuần nữa, tháng sau hay vài tháng nữa. Cái gì đến sẽ đến, chúng ta cứ chờ đợi xem tòa sẽ phán quyết ra sao, ông nói.
Giáo sư Franckx cũng đề cập đến thái độ của Trung Quốc luôn khăng không không tham gia vụ kiện và kêu gọi Philippines dừng vụ việc để đối thoại song phương. Bắc Kinh còn lập luận rằng, sự can thiệp của tòa trọng tài là mang tính áp đặt và vì thế họ không thể chấp nhận phán quyết của tòa (bên thứ 3).
“Ở đây, chúng ta thấy rõ rằng, là một nước lớn với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhưng Trung Quốc đã ngang nhiên phớt lờ luật pháp quốc tế. Điều này sẽ không hay ho gì cho Bắc Kinh vì làm như vậy, họ ngày càng đưa mình vào thế khó”, giáo sư nhấn mạnh.
Ông Franckx đưa ra lý lẽ để giải thích rõ hơn về “thế khó” mà Bắc kinh tự buộc mình rằng: Nếu Bắc Kinh cố tình không chấp nhận phán quyết của PCA được đưa ra theo quy định của UNCLOS 1982, thì chính họ sẽ tự đặt ra các hạn chế cho các khuôn khổ mà họ muốn thiết lập để giải quyết các tranh chấp với các nước khác. Bởi lẽ, khi PCA công bố kết luận về vụ kiện, các nước khác sẽ biết tòa nói gì và rồi họ sẽ có thể nói với Trung Quốc rằng những gì mà người Trung Quốc đang nói với họ là không theo khuôn khổ pháp lý.
Phán quyết của PCA sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam
Nói về tác động của phán quyết mà PCA sẽ đưa ra tới đây đối với các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông, ông Franckx cho rằng, kết luận của tòa trọng tài ít nhất sẽ giúp thu hẹp khuôn khổ pháp lý và tạo điều kiện để các bên có thể dễ dàng tìm được giải pháp trong giải quyết các tranh chấp.
Giáo sư Erik Franck cho rằng, sẽ không hay ho gì cho Trung Quốc nếu nước này tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế (Ảnh: Mạnh Thắng)
“Dù phán quyết theo hướng nào đều sẽ là cơ sở để cho Việt Nam và các nước liên quan tới tranh chấp Biển Đông dựa vào đó để cân nhắc giải pháp cho mình, kể cả trường hợp phải dùng đến hành động pháp lý như Philippines đã làm để khẳng định chủ quyền. Vì vậy, theo tôi, Việt Nam cần xem xét thật kỹ lưỡng kết luận của vụ kiện để có thể có biện pháp phù hợp cho mình”, ông Franckx nói với phóng viên Dân trí.
Nhận định về phản ứng của Mỹ đối với các hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới, theo ông Franckx, Mỹ sẽ nghiên cứu kỹ kết quả của vụ kiện mà PCA sẽ tuyên bố.
Nếu tòa trọng tài kết luận rằng các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông là các bãi nửa nổi nửa chìm (low-tide elevation), thì nước này sẽ không có cơ sở để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đối với các thực thể đó.
“Điều này sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý cho Mỹ tiến hành các động thái khác nhằm thúc đẩy tự do hàng hải ở khu vực trong chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của họ”, Giáo sư Franckx cho hay.
Cần chiến lược toàn diện đối với an ninh biển
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc tọa đàm, Phó Đô đốc Michiel Hijmans, cựu Phó trưởng Đại diện quân sự Hà Lan tại NATO và EU, cũng nhấn mạnh lập trường của EU là mong muốn các tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Về kinh nghiệm của EU trong việc đối phó với vấn đề an ninh biển, ông Hijmans nhìn nhận an ninh biển là một trong những ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay vì nó có liên quan tới nhiều vấn đề như tranh chấp lãnh thổ, khủng bố, hải tặc, thiên tai, ô nhiễm, di cư…Theo cựu Phó trưởng Đại diện quân sự Hà Lan tại NATO và EU, để đảm bảo an ninh biển, các quốc gia cần phải huy động sự phối hợp của nhiều bộ ngành, chứ không chỉ có mỗi lực lượng hải quân.
Theo Phó Đô đốc Michiel Hijmans, an ninh biển là một những ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay (Ảnh: Mạnh Thắng)
Đặc biệt, thực tiễn của EU cho thấy môi trường biển được quản lý hiệu quả bởi một hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc: luật quốc tế, luật liên minh châu Âu và luật quốc gia. Sự thành công này bắt nguồn từ việc các nước thành viên EU chia sẻ nhận thức chung về sự cần thiết phải phát triển bền vững, sẵn sàng nhượng một phần “chủ quyền quốc gia”, cho phép các cơ quan liên quan của EU xây dựng và thực thi một hệ thống quản lý tài nguyên bền vững chung cho toàn bộ khu vực.
Điều quan trọng để bảo vệ an ninh biển là xác định lợi ích chiến lược toàn diện cũng như các mối đe doạ, nguy cơ đối với các quốc gia và chuẩn bị các biện pháp cũng như cách thức đối phó, ông Hijmans nói thêm.
Trước đó tại hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh và phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” diễn ra tại Quảng Ninh vừa qua, các học giả trong nước và quốc tế đã bàn về nhu cầu cấp thiết xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế về an ninh và an toàn trên biển ở Đông Á để phát huy vai trò kết nối của môi trường biển giữa các nước trong khu vực.
Các học giả cũng nói về đến sự cần thiết phải có một cơ chế an ninh tập thể thông qua trao đổi trực tiếp, liên tục và thực chất giữa các chủ thể liên quan, trong đó cần tận dụng vai trò của ASEAN và các cơ chế mà ASEAN là trung tâm hiện nay.