Nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế, Trung Quốc đang bơm tiền vào nơi không xứng đáng.
ASEAN là trọng tâm của châu Á - Thái Bình Dương
- Cập nhật : 18/02/2016
(Tin kinh te)
Trái với kỳ vọng của nhiều người, Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands đã kết thúc nhưng không có sáng kiến nào mới về vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác an ninh biển.
Tổng thống Barack Obama chụp hình lưu niệm với lãnh đạo các quốc gia ASEAN tại Sunnylands sáng 17-2 (giờ VN) - Ảnh: Quỳnh Trung
Ngày 17-2, ngày cuối cùng của Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands với phiên thảo luận duy nhất về an ninh - chính trị đã kết thúc với một Tuyên bố chung.
Tuyên bố chung cũng không đề cập đích danh Trung Quốc khi nói về các tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp thực tế Bắc Kinh đang gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Sáng kiến kết nối Mỹ - ASEAN
Từ 9g sáng 16-2 (giờ địa phương), nhiều đoàn xe lần lượt đưa lãnh đạo các nước ASEAN đến Trung tâm hội nghị Sunnylands tham gia phiên thảo luận có chủ đề bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đón tiếp họ ở cổng vào là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tại phiên họp diễn ra theo phong cách thân mật này, Tổng thống Obama mời lãnh đạo các nước Đông Nam Á thảo luận về vấn đề biển, chủ nghĩa khủng bố và các thách thức xuyên quốc gia trong thời gian khoảng hai giờ.
Kết thúc thảo luận, Tổng thống Obama và lãnh đạo các nước ASEAN cùng chụp hình lưu niệm trước khi ông Obama bước vào phòng họp báo trong sự mong chờ của hàng trăm nhà báo khắp thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Obama nhấn mạnh một trong những thông điệp chính của ông trong hai ngày làm việc chính thức ở Sunnylands chính là nước Mỹ đã, đang và sẽ có cam kết mạnh mẽ, bền vững đối với ASEAN và người dân các nước này.
Tổng thống Obama cho biết ông và lãnh đạo các nước ASEAN đã cùng nhau thống nhất nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò trọng tâm, không thể thiếu đối với hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, Tổng thống Obama công bố một sáng kiến mới mang tên Kết nối Mỹ - ASEAN. Đây là một mạng lưới các trung tâm khắp khu vực nhằm điều phối sự can dự kinh tế cũng như kết nối nhiều hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nhau.
Ngoài ra, hai bên đã đạt được một nỗ lực mới nhằm giúp tất cả quốc gia ASEAN hiểu hơn về những yếu tố chính của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như những cải cách cần có để đủ điều kiện tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.
Ông Obama cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ dạy tiếng Anh cho “những người có tư tưởng đổi mới, sáng tạo” ở Đông Nam Á.
Không có sáng kiến mới về hợp tác an ninh
Tuy nhiên về lĩnh vực hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải, ông Obama không đưa ra sáng kiến hoặc chương trình hợp tác mới nào. Thay vào đó, ông Obama chỉ nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh và đối tác tăng cường năng lực hàng hải.
Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Tổng thống Obama cho biết Mỹ và các nước ASEAN cùng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với một trật tự khu vực, nơi mà các thông lệ, nguyên tắc quốc tế và quyền của tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ đều cần phải được bảo vệ.
Hai bên cũng thảo luận về sự cần thiết của những bước đi rõ ràng ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng, bao gồm yêu cầu ngừng bồi đắp đảo, các hoạt động xây dựng mới và hoạt động quân sự hóa các khu vực tranh chấp. Tự do hàng hải được bảo vệ và hoạt động thương mại không bị ngăn trở.
“Chúng tôi đã thảo luận những tranh chấp giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các biện pháp pháp lý như thế nào, chẳng hạn như phán quyết sắp tới của tòa trọng tài dựa theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển” - ông Obama nói.
Tuy nhiên, không thấy ông Obama đề cập Trung Quốc trong bài phát biểu liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, ông Obama nhắc lại Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động tuần tra ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép, cũng sẽ ủng hộ quyền của các quốc gia khác làm điều tương tự.
Tuy nhiên trong phần trả lời câu hỏi đã được lên kế hoạch trước, ông Obama không trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến quan hệ Mỹ - ASEAN khiến nhiều nhà báo quốc tế, đặc biệt là các nhà báo ASEAN, cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng.
Thay vào đó, ông Obama dành thời gian trả lời các câu hỏi của giới truyền thông Mỹ về các vấn đề Nga - Syria, ứng viên tổng thống Donald Trump, đề cử thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ...
Việt Nam đóng góp tích cực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982; phát huy vai trò của các thể chế đa phương và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực.
Nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của quan hệ ASEAN - Mỹ, Thủ tướng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Mỹ và các đối tác nói chung đối với lập trường của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng đánh giá tích cực những tiến triển và kết quả quan trọng đạt được trong quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ thời gian qua, mong muốn hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2016 - 2020, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mỹ phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Ý kiến phát biểu cũng như đề xuất ở các phiên thảo luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị đã được các nhà lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Tuổi Trẻ