Trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm cố gắng kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu vì mục đích phát triển chung, Sri Lanka, với vị trí địa lý quan trọng ở Ấn Độ Dương, có lẽ là trở ngại lớn của Bắc Kinh.
3 lý do khiến Trung Quốc "run rẩy" khi Anh rời EU
- Cập nhật : 27/06/2016
(The gioi)
Việc Anh rời EU sẽ là một đòn giáng về kinh tế và chính trị đối với Bắc Kinh, đó là đánh giá của báo Mỹ National Interest.
Theo National Interest, “cuộc hôn nhân” 43 năm giữa Anh và EU kết thúc hay còn gọi là Brexit có thể ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, EU, và Trung Quốc. Đây sẽ là một đòn giáng về kinh tế và chính trị đối với Bắc Kinh.
Chính điều này mà Trung Quốc đã lặng lẽ nhưng kiên quyết phản đối Brexit, thông điệp vừa được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Anh hồi tháng 10 năm ngoái. “Trung Quốc hy vọng nhìn thấy một châu Âu thịnh vượng và một EU thống nhất” – thông điệp phía Trung Quốc đưa ra trong chuyến thăm này.
Nhưng tại sao lại Trung Quốc lại đặc biệt quan tâm sâu sắc tới Brexit? Và vì sao Trung Quốc lại đặt tầm quan trọng lớn đến như vậy vào quan hệ Trung- Anh. Để trả lời câu hỏi này, National Interest đã đưa ra ba lý do sau.
Chủ trịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm hồi tháng 10 năm ngoái. Nguồn: NI
Lý do thứ nhất
Bắc Kinh hy vọng sẽ tối ưu hoá mối quan hệ “đang lên” với Anh nhằm phát huy chính sách Trung Quốc đối với EU khi Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ Mỹ và Nhật Bản. Do vậy, Trung Quốc ngày càng hướng tây để tìm kiếm các cơ hội kinh tế, đặc biệt là cho chiến lược “Một vành đai, một con đường” (One belt, One road) mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Để thực thi chính sách này, Trung Quốc đã “ve vãn” Anh với hy vọng biến Anh thành một đối tác chính của EU để ủng hộ Bắc Kinh. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực hết sức nhằm kết thân với Bộ trưởng Tài Chính George Osborne, người của Đảng Bảo thủ, một ứng viên sáng giá cho vị trí kế cận Thủ tướng David Cameron.
Theo National Interest, kế hoạch này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Bất chấp sự phản đối trong nước lẫn quốc tế, chính phủ Anh đang vận động EU trao cho Trung Quốc quy chế Thực thể kinh tế thị trường (MES), giúp Trung Quốc dẹp bỏ được hàng loạt mối đe dọa để hàng hóa nước này vào EU dễ dàng hơn, chẳng hạn như tránh được nhiều vấn đề liên quan tới luật lệ, chống bán phá giá và thuế quan.
London cũng đã công khai ủng hộ thỏa thuận thương mại tự do trị giá hàng tỉ USD với Trung Quốc, cơ hội duy nhất cho Bắc Kinh mở rộng quy mô lớn các mối quan hệ thương mại và đầu tư với châu Âu.
Do vậy, khi Anh rời EU, các nỗ lực của Trung Quốc từ trước tới giờ đối với Anh sẽ coi như “đổ sông đổ biển”.
Lý do thứ hai
Anh giúp Trung Quốc tiếp cận với thị trường khổng lồ nhưng khó thâm nhập của châu Âu. Nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nền kinh tế tương đối tự do của Anh với hơn 500 triệu khác hàng tiềm năng như một bước đệm để thâm nhập thị trường EU với nhiều quy định chặt chẽ.
Bởi vậy, khi Anh rời EU, thì các công ty tài chính có trụ sở tại Anh sẽ không thể hoạt động và mở chi nhánh tại các quốc gia thành viên EU. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của Bắc Kinh.
Và tất nhiên, khi Brexit xảy ra, con đường để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận dễ dàng từ Anh vào EU sẽ bị cắt đứt.
Wang Jianlin, người sáng lập tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda, một nhà đầu tư lớn của Trung Quốc tại Anh cảnh báo “Brexit không phải là sự lựa chọn thông minh đối với Anh, vì nó sẽ tạo ra nhiều thách thức và trở ngại cho các nhà đầu tư”. Wang Jianlin dự đoán, nếu Brexit xảy ra, thậm chí nhiều công ty Trung Quốc buộc phải rời trụ sở tại châu Âu.
Lý do thứ ba
London chiếm một vai trò quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của Bắc Kinh. Là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nằm bên trong EU, London thực sự là một chất xúc tác hoàn hảo và cực mạnh để phổ biến đồng NDT.
Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là mục tiêu cốt lõi của chính phủ Trung Quốc, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế nước này, cho phép Bắc Kinh phát hành nợ bằng đồng NDT, giảm sự phụ thuộc vào đồng ngoại tệ và là cơ sở chứng minh đồng NDT là công cụ tự do, ổn định, mà các nước khác có thể dùng để giao dịch với Trung Quốc.
Đặc biệt, một khi đồng NDT được quốc tế hóa sẽ cho phép Trung Quốc trở thành một trong những nhà hoạch định tài chính thế giới, như nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Robert Mundell tuyên bố: “Các cường quốc đều là những nước có đồng tiền mạnh”. Do đó, việc chọn London là trung tâm trong chiến lược để quốc tế hóa đồng NDT đã được Trung Quốc nhắm đến từ lâu.
Kế hoạch này của Trung Quốc bước đầu có kết quả bởi London hiện đang là trung tâm tài chính lớn thứ hai trên thế giới giao dịch bằng đồng NDT, sau Hong Kong. Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc, một công ty con của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa thông báo kế hoạch mở chi nhánh ở London. Khi Brexit xảy ra, vai trò trên của London sẽ không thể được bảo đảm.
Ngoài những tác động trực tiếp trên, Trung Quốc còn lo ngại Brexit sẽ có tác động tiêu cực ngay lập tức đối với EU, nền kinh tế thế giới, làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong một hoặc hai năm tới. Đối với Trung Quốc, hiện đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, thì kịch bản như vậy sẽ là thách thức không hề nhỏ.