tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Câu hỏi 64.000 USD” cho Trung Quốc

  • Cập nhật : 29/10/2015

(Tai chinh)

Không chỉ yếu về lý, tiềm lực còn hạn chế so với Mỹ cũng khiến Trung Quốc khó lòng triển khai hoạt động quân sự đáp trả việc Mỹ cho tàu tuần tra khu vực 12 hải lý

Cuộc đối đầu Mỹ - Trung ở biển Đông vừa sang bước ngoặt quan trọng sau khi Washington đưa tàu khu trục USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở biển Đông. Bằng bước đi này, Mỹ đã không còn nói suông mà bắt đầu thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông bằng hành động quân sự.

Theo báo The Wall Street Journal, cuộc tuần tra nói trên phát đi thông điệp cứng rắn và rõ ràng rằng tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.

anh chup hoat dong cai tao phi phap cua trung quoc tren da vanh khan vao thang 5-2015 do quan doi philippines cong bo anh: reuters

Ảnh chụp hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn vào tháng 5-2015 do quân đội Philippines công bố Ảnh: REUTERS

Ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định việc Mỹ điều một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, thay vì tàu nhỏ hơn, phát đi thông điệp rõ ràng rằng nước này rất nghiêm túc trong vấn đề biển Đông.

“Quan trọng không kém, họ muốn nói rằng sẽ có thêm những cuộc tuần tra như thế nên “câu hỏi 64.000 USD” (câu hỏi mấu chốt) lúc này là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước động thái của Mỹ” - ông Storey nói với báo The Guardian.

Ông Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh quốc gia thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc, cũng cho rằng Washington muốn Bắc Kinh xem lại suy nghĩ “Mỹ không được chào đón ở biển Đông”.

Theo chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat (Nhật Bản), việc Mỹ lựa chọn Vành Khăn và Xu Bi, 2 bãi đá vốn ngập hoàn toàn dưới nước biển, để tuần tra trong khu vực 12 hải lý là một động thái rất khôn ngoan.

Theo điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, chỉ các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý. Do đó, việc mở rộng bồi đắp không mang lại quy chế lãnh hải cho bất kỳ thực thể nào. Và đó cũng là lý do Trung Quốc sẽ đuối lý nếu muốn vu vạ tàu Mỹ “xâm phạm lãnh hải”.

Không chỉ yếu về lý, tiềm lực còn hạn chế so với Mỹ cũng khiến Trung Quốc khó lòng triển khai hoạt động quân sự đáp trả, theo Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện Lowy (Úc) Euan Graham. Tương tự, ông Michael Green, cựu chuyên gia của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định với trang Foreign Policy: “Đối đầu quân sự sẽ là một thảm họa trong lúc tình hình kinh tế của Trung Quốc đang tồi tệ”.

Tuy nhiên, vẫn còn lá bài “chủ nghĩa dân tộc” khó lường trong canh bạc của Trung Quốc ở biển Đông, theo chuyên gia Storey. “Sẽ khó có chuyện Chủ tịch Tập Cận Bình chịu ngồi yên, nhất là khi dư luận trong nước trở nên kích động mạnh. Trung Quốc không thể không phản ứng. Chủ nghĩa dân tộc sẽ buộc họ có phản ứng mạnh mẽ” - ông Storey cảnh báo.

Theo nhiều chuyên gia, nếu không chịu làm ngơ, Trung Quốc có thể dùng máy bay, tàu tuần duyên hoặc cả tàu cá để cản trở tàu Mỹ. Trong trường hợp xấu nhất, Bắc Kinh sẽ điều động tàu chiến, chiến đấu cơ đối đầu trực diện và yêu cầu Mỹ rời “vùng biển của Trung Quốc”.

Dù khả năng xảy ra một cuộc xung đột Mỹ - Trung ở biển Đông là không cao thì vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc tính toán sai nếu tàu chiến 2 nước đi lại quá gần nhau quanh những đảo nhân tạo nói trên.

Nếu kịch bản này xảy ra, Trung Quốc sẽ có nhiều thứ để mất. Phần lớn lượng dầu và nguyên liệu thô nhập khẩu của nước này được vận chuyển qua biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cần đến thiện chí của các nước láng giềng để giúp sáng kiến mở rộng các tuyến giao thương đến châu Âu được diễn ra suôn sẻ.

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục