Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 15/8 cảnh báo rằng "núi nợ" của Trung Quốc đang trong tình trạng nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ đối với đà tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo IMF, Bắc Kinh cần đẩy nhanh các chương trình cải cách.
Vì sao Mỹ cất giấu 700 triệu thùng dầu?
- Cập nhật : 02/06/2016
Gần 700 triệu thùng dầu đang được cất giấu an toàn dưới lòng đất tại bốn địa điểm. Một hệ thống bao gồm 60 đường hầm dưới lòng đất làm thành ‘Dự trữ Dầu hỏa Chiến lược’ (SPR) khổng lồ của Hoa Kỳ, theo BBC.
Tại sao phải trữ dầu?
Kho dự trữ này được lập khoảng 40 năm trước và giờ đây đã có nhiều kho dầu lớn khác nữa nằm rải rác trên toàn cầu.
Rất nhiều nước đã đổ hàng tỷ Mỹ kim xây dựng những cơ sở tích trữ và còn nhiều cơ sở nữa đang được hình thành.
Thế nhưng tại sao các nước muốn cất giấu dầu dưới lòng đất?
Câu chuyện bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng năng lượng hồi 1973.
Khi đó, các nhà xuất khẩu dầu thuộc khối Ả-rập đã cắt nguồn cung cho các nước phương Tây nhằm đáp trả việc Mỹ ủng hộ Israel trong Cuộc chiến Yom Kippur.
Thế giới lệ thuộc vào dầu của vùng Trung Đông đến nỗi giá dầu tăng chóng mặt và chẳng lâu sau nước Mỹ phải ra định mức đối với người tiêu dùng ở các trạm đổ xăng.
Có nơi không còn một giọt dầu. Người ta lo sợ nguy cơ bị trộm xăng và một số ít người đã vác cả súng ra canh giữ xe hơi.
Một vài năm sau, Mỹ bắt đầu xây dựng SPR và tích trữ dầu thô đầy trong các hang động.
Kịch bản được tính tới là một khi xảy ra việc nguồn cung dầu bị gián đoạn nghiêm trọng, nước Mỹ sẽ có nguồn dự trữ của riêng mình để khắc phục việc giá dầu bị đẩy cao và làm giảm áp lực lên thị trường thế giới.
Một trang web chính phủ Mỹ viết: “Trữ lượng khổng lồ của SPR... khiến nó trở thành một công cụ răn đe nghiêm trọng đối với hành động cắt đứt nguồn cung dầu và là một công cụ trọng yếu trong chính sách ngoại giao.”
Tuy nhiên, đó là một ý tưởng khôn ngoan nhưng rất tốn kém. Ngân sách trong năm nay để duy trì SPR là 200 triệu đô la.
‘Vòm muối’
Bob Corbin ở Bộ Năng lượng Mỹ là người chịu trách nhiệm đảm bảo cho số tiền này được chi tiêu hợp lý.
“Tất cả những địa điểm tích trữ của chúng tôi đều nằm ở những nơi mà chúng tôi gọi là vòm muối,” ông giải thích. “Dầu thô không thẩm thấu qua được muối cho nên chúng là nơi tích trữ tuyệt vời."
Corbin, người đã có 22 phục vụ trong lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ, tự hào với bốn nơi cất giấu này. Chúng được đặt từ Baton Rouge thuộc tiểu bang Louisiana đến điểm cất trữ lớn nhất đặt tại thành phố nhỏ Freeport thuộc bang Texas.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn trên mặt đất thì chúng ta sẽ chẳng thấy gì – chỉ là một số miệng giếng và đường ống.
Những miệng giếng này đi sâu đến hàng ngàn bộ vào hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất và có thể đưa nước vào ở áp lực lớn để lấy dầu thông qua quá trình gọi là chuyển chỗ.
Corbin cho biết quản lý những cơ sở như vậy đi kèm với thách thức riêng.
Chẳng hạn như những đường hầm bằng muối không phải ổn định hoàn toàn. Đôi khi một phần tường hay trần của những đường hầm này sẽ bị đổ xuống gây hư hại hệ thống và phải cần được thay thế cẩn thận.
Các công nhân cũng không thể nào đi vào trong những đường hầm này, do đó cũng giống như việc khai thác dầu từ giếng tự nhiên, công việc lấy dầu từ đường hầm phải được điều khiển từ xa.
Tuy nhiên, người ta dùng một số thiết bị đặc biệt để giúp thấy được những gì bên trong.
“Theo chu kỳ khi những đường hầm này trống trơn thì chúng tôi có thể chụp ảnh dò sóng âm,” Corbin cho biết. "Cách làm này cho phép ta nhìn được theo góc nhìn ba chiều."
Một số đường hầm có hình dạng rất thú vị, ông cho biết thêm. Ví dụ như có một khoang chứa trông giống như một chảo rán cực lớn.
Trước đây, Mỹ từng dựa vào SPR để vượt qua những lúc khó khăn.
Có thể kể đến thời gian Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, khi mà việc xuất khẩu dầu bị gián đoạn, hay trong cơn bão Katrina hồi năm 2005 khi yêu cầu sử dụng dầu khẩn cấp đã được phê chuẩn trong vòng 24 giờ kể từ khi bão đổ vào.
Dự trữ dầu trên toàn thế giới
Tuy nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất đổ nhiều tiền của vào kho dự trữ dầu chiến lược.
Nhật Bản cũng có một loạt những địa điểm nơi họ cất giữ trên 500 triệu thùng dầu trong những thùng chứa lớn trên mặt đất.
Cơ sở ở Shibushi chẳng hạn, được đặt nằm ngoài khơi. Sau trận động đất và sóng thần hồi năm 2011, đã có những lời kêu gọi nước Nhật mở rộng kho dự trữ dầu để phòng những cuộc khủng hoảng trong tương lai vốn sẽ một lần nữa gây khó khăn cho nguồn cung dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giám sát việc phân phối dầu từ nhiều cơ sở dự trữ trên toàn thế giới.
Martin Young, người đứng đầu Bộ phận Chính sách Khẩn cấp của IEA, nói: “Khi một quốc gia ký kết gia nhập IEA thì họ sẽ có nhiều nghĩa vụ và một trong những nghĩa vụ chính là họ phải có nguồn dự trữ dầu tương đương với lượng nhập khẩu trong 90 ngày.”
Không phải nước nào cũng có vòm muối để cất giữ dầu dưới lòng đất.
Cũng như không phải nước nào cũng có cơ sở tích trữ chuyên dùng lớn dùng để tích trữ dầu.
Như nước Anh chẳng hạn, là nước không có vòm muối, cũng chẳng có cơ sở tích trữ.
“Nghĩa vụ của Anh là giữ cho lượng dầu ở những nơi sản xuất hiện tại ở trên mức thông thường,” Young cho biết. Lượng dầu này được các công ty bí mật để qua một bên để chính phủ có thể tiếp cận ngay lập tức khi cần thiết.
Hai nước không phải là thành viên của IEA, ́n Độ và Trung Quốc, trong những năm gần đây cũng đã đổ tiền của vào kho dự trữ SPR của họ.
Đặc biệt, Trung Quốc có những kế hoạch đầy tham vọng.
Họ hy vọng rằng nhiều cơ sở tích trữ khác nhau nằm rải rác trên khắp đất nước rốt cuộc sẽ giúp họ trữ được lượng dầu nhiều như Mỹ.
Trung Quốc không có các đường hầm muối và do đó phải dùng đến các phương tiện tích trữ tốn kém hơn nhiều, đó là dùng những bồn chứa trên mặt đất.
Những bồn chứa này có thể dễ dàng được nhìn thấy trên bản đồ Google Earth và trên những hình ảnh vệ tinh – ta chỉ cần tìm những dãy đốm trắng lớn.
Địa điểm tích trữ ở Trấn Hải (Zhenhai) là một trong số này và hiện đang trữ hết công suất, 33 triệu thùng.
Dùng SPR để thao túng giá dầu?
Narongpand Lisapahanya, một nhà phân tích dầu khí tại tập đoàn đầu tư CLSA, nói rằng việc Trung Quốc đổ tiền của vào các cơ sở SPR tất cả đều nằm trong kế hoạch của hoạch để được xem như là một siêu cường toàn cầu.
“Nếu anh là một siêu cường thì anh cần phải có dự trữ dầu. Giả sử xảy ra tình trạng một siêu cường khác có sự cố về năng lượng nên yêu cầu mở kho dự trữ dầu thì Trung Quốc có thể tham gia cung cấp một phần lượng dầu cần đến.”
Trong khi sự phát triển của các kho dự trữ dầu trên thế giới nhìn chung được hoan nghênh thì cũng có một số người lo ngại rằng các nước nằm ngoài IEA có thể dùng kho dự trữ của họ để chi phối giá dầu toàn cầu bằng cách bán tháo số dầu dự trữ này vào những cơ hội thích hợp.
Dĩ nhiên, việc làm giảm tác động của giá dầu tăng cao là mục đích ban đầu của việc cho ra đời các cơ sở SPR.
Carmine Difiglio thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ giải thích: “Bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tác động của giá dầu nội địa tăng vọt là mục đích của SPR vào năm 1975 và nó vẫn là mục đích của SPR ngày nay.”
Nhưng có một lằn ranh quan trọng cần phải phân biệt giữa việc này và việc sử dụng SPR cho mục đích thao túng giá dầu trên thị trường thế giới.
Về điểm này, Martin Young nhấn mạnh: “Kho dự trữ dầu không phải dùng để kiểm soát giá cả như thế. Chúng dùng để khắc phục sự thiếu hụt dầu trên thị trường do sự gián đoạn nguồn cung.”
Nên sử dụng SPR như thế nào?
Tuy nhiện, hiện vẫn đang tiếp tục có tranh luận về việc kho SPR sẽ được sử dụng như thế nào.
Một số người cho rằng việc mở kho cần phải được thực hiện quyết liệt, hơn trong khi những người khác đặt vấn đề liệu nước Mỹ có luôn tận dụng được hết lợi thế của việc có kho SPR, ước tính trị giá khoảng 43,5 tỷ Mỹ kim, hay không.
Mặc dù vậy, ít người ủng hộ ý tưởng thay đổi căn bản cách sử dụng kho dự trữ SPR ở Mỹ cũng như ở các nước khác.
Trọng tâm hoàn toàn vẫn là chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp và giảm nhẹ tác động của việc giảm nguồn cung.
Chính phủ các nước và IEA chuẩn bị cho việc này bằng cách tính toán họ sẽ lấy ra bao nhiêu dầu từ SPR trong trường hợp khủng hoảng.
Thậm chí có những công ty chuyên hỗ trợ cho việc này, chẳng hạn như EnSys.
EnSys đã phát triển một mô hình tinh vi trên máy tính để giả định những biến động giá dầu trong tương lai.
Công nghệ này giúp EnSys tư vấn cho những nước hiện đang nắm giữ SPR về việc khi nào và tại sao họ nên xem xét mở kho dự trữ dầu cho các nhà máy lọc dầu địa phương.
Như Martin Tallett, giám đốc điều hành của EnSys, giải thích: đó là cuộc chơi của các con số. Sản lượng dầu nhập khẩu sẽ bị thiếu hụt bao nhiêu thùng trong lúc khủng hoảng và cần phải mở kho lượng dầu bao nhiêu để bù đắp cho tác động của việc này?
Trong lúc chính phủ các nước và các cơ quan năng lượng tiếp tục lên kịch bản cho tình huống xấu nhất thì dự trữ dầu vẫn đang ngày càng tăng thêm.
Rõ ràng là Hoa Kỳ và nhiều nước khác tin rằng SPR là một cách đầu tư hiệu quả.
Tuy nhiên, dù cho công tác chuẩn bị cho được làm cặn kẽ tới đâu thì vẫn có khả năng xảy ra chuyện trong tương lai, dầu không được chuyển kịp thời từ các kho dự trữ chiến lược tới những nơi cần thiết.
Vậy liệu tình trạng như hồi 1973 có lặp lại không?
Bob Corbin là một trong những người tin rằng không. "Tôi không muốn đồn đoán về việc chuyện gì có thể hay không thể xảy ra," ông nói. "Chúng ta đã sẵn sàng đưa dầu đi vào bất kỳ khi nào chúng ta cần."
Theo Lê Hằng
BizLIVE