Người Hoa giàu nhất thế giới Vương Kiện Lâm vừa lên tiếng cho rằng Bắc Kinh cần cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế đất nước, thôi ảo tưởng và “đối mặt” với thực tế.
Trung Quốc: Cuồng phong kinh tế thổi bùng thách thức chính trị
- Cập nhật : 29/08/2015
(Chung khoan)
Giữa lúc chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đối diện nhiều thách thức kinh tế, chính trị, việc thị trường chứng khoán hoảng loạn, đồng nhân dân tệ bị phá giá còn thảm kịch Thiên Tân làm lộ những sai phạm trong quản lý, càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Ngày 19/8, trang web của truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải bài viết của tác giả “Guoping”, khẳng định “mức độ khó khăn (trong triển khai cải cách), sức chống đối, sự ngoan cố, dữ dội, phức tạp và thậm chí cả kỳ lạ của những người không chịu thích nghi với cải cách hoặc chống lại nó đã vượt xa mức độ hầu hết mọi người có thể tưởng tượng”.
Bài viết với ngôn từ lạ này lại được chính quyền Bắc Kinh phê duyệt, bởi Guoping là bút danh vẫn thường được sử dụng trong các bài viết được hầu hết tin rằng phản ánh quan điểm chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo CCTV, Gouping là bút danh của một nhóm các nhà bình luận và tuyên truyền hàng đầu của truyền thông nhà nước.
Cái được gọi là sự chống đối, như được miêu tả trong bài báo, có thể được nói quá để tạo ảnh hưởng, nhưng những khó khăn và bất đồng là có thật. Các quan chức cấp cao trong chính phủ và đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ gì về những tranh cãi, vốn đang làm dấy lên những đồn đoán về chia rẽ ở thượng tầng.
Những ánh mắt dò xét đang dõi theo động thái của Bắc Kinh sau những nỗ lực không thành công, nhằm phục hồi thị trường chứng khoán. Đây là bất ngờ không mấy dễ chịu khi suốt một thập niên qua, nhà đầu tư đã quen với hiệu quả tức thì mỗi khi Trung Quốc quyết định giải cứu thị trường.
Những hỗn loạn trên thị trường Trung Quốc thời gian qua tất nhiên đã khiến giới đầu tư giận dữ, nhưng ông Tập Cận Bình, người đang nỗ lực đẩy mạnh các chính sách cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa thị trường, hầu hết không liên quan.
Ngày 22/8, lãnh đạo của một sàn giao dịch kim loại hiếm đã bị những nhà đầu tư không được trả tiền bao vây bên ngoài một khách sạn hạng sang ở Thượng Hải, và dẫn giải tới đồn công an sở tại (trước khi được thả). Nhưng chỉ chưa đầy 15% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc đang được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu giảm không phải thách thức với hệ thống chính trị, thậm chí cũng không đe dọa hệ thống tài chính.
Thay vào đó những hỗn loạn làm gia tăng làm gia tăng những vấn đề cố hữu tại Trung Quốc đó là: cá nhân một số nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách muốn khuyến khích thị trường, đòi hỏi phải trả giá để thay đổi, nhưng toàn thể bộ máy lãnh đạo lại đề cao sự ổn định, và không muốn những biến động bất ngờ về giá. Hệ quả là những tranh luận tới lui liên quan đến những vấn đề then chốt của cải cách, vẫn tiếp diễn bất chấp những khó khăn.
Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết những cải cách lớn đối với các công ty quốc doanh, cũng như tự do hóa hơn nữa ngành tài chính. Một loạt các bài bình luận gần đây trên tờ Nhân dân nhật báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã bác bỏ ý kiến cho rằng thị trường lao dốc là dấu hiệu từ bỏ cải cách, kèm tuyên bố bước tiếp theo phải “cải thiện sự hài lòng của công chúng”.
Vấn đề thực sự đó là những hỗn loạn trên thị trường sẽ làm nảy sinh phản ứng trong hàng ngũ lãnh đạo - và việc này đang diễn ra tại thời điểm đà lao dốc cũng làm tổn hại tới uy tín của chính phủ trong ứng phó các vấn đề kinh tế. Sự chống đối không chỉ bùng phát bởi kinh tế khó khăn, mà phần nhiều do một chính sách tiêu biểu khác của ông Tập Cận Bình: chiến dịch bài trừ tham nhũng. Một bài bình luận khác từng cho thấy đây đang là cuộc đấu giữa chính quyền mới với nhiều lãnh đạo đã về hưu nhưng vẫn muốn bảo vệ những người thân cận.
Bài bình luận đó - được đăng tải hôm 10/8, cũng trên chính tờ Nhân dân nhật báo - đã nêu gương những cựu lãnh đạo trước đây, những người một khi về hưu sẽ không còn can dự vào công việc tại cơ quan cũ. Mà như cách dùng từ hình ảnh của Nhân dân nhật báo, họ giống như những ly trà sẽ nguội đi lúc khách ra về.
Dù không được nêu thẳng tên, ông Giang Trạch Dân, được nhiều người nhận định là đối tượng bài báo nhắm tới. Dù thôi giữ chức Chủ tịch Trung Quốc năm 2002, ông vẫn duy trì ảnh hưởng tại hậu trường.
Vài năm qua, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã “trảm” nhiều quan chức từng thân cận với ông Giang, mà đáng chú ý nhất là cựu chủ nhiệm Ủy ban chính pháp Chu Vĩnh Khang và hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Các vụ điều tra tham nhũng trên cho thấy chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập vẫn chưa hề giảm tốc, đồng thời khẳng định thực tế rằng nó đã diễn ra toàn diện hơn hầu hết nhận định ban đầu của công chúng. Nó cũng tương tự như việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc dữ dội hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Ông Tập đã đặt uy tín chính trị của mình vào khả năng quản lý kinh tế cũng như quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo. Nhưng cả hai nhiệm vụ này dường đang trở nên khó khăn.