Nhu cầu của châu Âu với khí hóa lỏng Mỹ rất thấp, trong khi đó thị trường châu Á lại đang gia tăng nhu cầu loại hàng hóa này. Việc tập trung vào cung cấp khí đốt cho Trung Quốc sẽ khiến lượng khí hóa lỏng ít ỏi của Mỹ không đủ cung cấp cho EU.
Trung Quốc đang che giấu 9.500 tấn vàng
- Cập nhật : 21/08/2015
(Tin kinh te)
Trung Quốc tuyên bố dự trữ quốc gia chỉ 1.658 tấn vàng, trong khi thực tế hơn 10.000 tấn vàng được sản xuất hay nhập khẩu vào Trung Quốc trong cùng kỳ. Vậy 9.500 tấn vàng còn lại ở đâu?
Trung Quốc có bao nhiêu vàng? Câu trả lời có thể định nghĩa tầm quan trọng hay không liên quan của vàng trong thế giới hiện đại. Vàng đã lỗi thời hay vẫn đóng một vai trò quan trọng? Hãy xem xét câu hỏi đó và nhìn lại lần nữa số vàng của Trung Quốc.
Vàng - kim loại vô dụng sáng bóng hay bản chất của tiền?
Một số người cho rằng vàng chỉ là một thứ kim loại trơ vô dụng, chỉ để làm đồ trang sức. Vai trò của nó trong tài chính lỗi thời như ngựa trong ngành vận tải, hay điện báo trong truyền thông. Thế giới đã thay đổi. Như lời cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke nói, nó chỉ là một "truyền thống".
Ở một thái cực khác, người ta cho rằng vàng là thứ cần thiết. Vàng là tiền của tự nhiên, là tiền thật, một thứ tiền mạnh. Việc các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương và các chính phủ "lạm dụng" vàng đồng nghĩa với vai trò lịch sử của vàng được nối lại. Đó là điều không thể tránh khỏi và chỉ còn là vấn đề thời gian.
Giá của vàng có thể cho thấy lập luận của bên nào đang thắng thế. Khi vàng có giá hơn 1.800 USD/ounce và đang tăng, với cuộc khủng hoảng Hy Lạp đầu tiên, nới lỏng định lượng ở khắp mọi nơi và khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ mới qua 2 năm, "vàng là tiền" là luận điểm mạnh mẽ.
Hiện giờ, khi vàng ở 1.100 USD/ounce và đang giảm, thị trường chứng khoán đang mạnh, các nền kinh tế đang hồi phục và khủng hoảng Hy Lạp vẫn còn đó, luận điểm "vàng là lịch sử" lại mạnh hơn.
Vì vậy, những gì mà siêu cường mới nổi Trung Quốc nghĩ và làm đã trở thành một thành tố vô cùng quan trọng. Một số người cho rằng, thực tế Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, cũng như cạnh tranh với Ấn Độ trong vai trò nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, nói lên câu chuyện. Cho thấy Trung Quốc "hiểu" vàng, cho rằng vàng quan trọng, có thể thậm chí vàng là tiền. Một số tiếp tục tranh luận rằng Trung Quốc không thích đô la Mỹ hay euro, và rằng họ muốn nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, được hỗ trợ, ít nhất một phần bởi vàng. Những người khác nghĩ đơn giản rằng Trung Quốc đông dân và nhiều người Trung Quốc thích đồ trang sức vàng.
Nếu Trung Quốc bước ra và tuyên bố chính thức nắm 8.000 tấn vàng - đủ để cạnh tranh với Mỹ - tuyên bố này sẽ mạnh mẽ và ngoạn mục rằng: Trung Quốc, một đối thủ mới hùng mạnh về cả kinh tế và chính trị của Mỹ, hiện đang có một kho vàng tương xứng. Trung Quốc thấy rõ vàng là một tài sản tiền tệ chiến lược.
Tuy nhiên, chuyện không như vậy. Thông báo chính thức cho thấy Trung Quốc chỉ đang nắm 1.658 tấn vàng, chẳng gây xáo trộn gì nhiều. Mặc dù con số này tăng đáng kể so với 1.054 tấn công bố vào năm 2009, nó chưa đủ để thuyết phục bất kỳ ai rằng Trung Quốc sẵn sàng hậu thuận cho một đồng tiền được đảm bảo bởi vàng mới.
Thực tế, có hơn 10.000 tấn vàng được sản xuất hay nhập khẩu vào Trung Quốc trong cùng thời kỳ, con số tăng chỉ 604 tấn trong dự trữ chính thức của nước này đã gây thất vọng. Nhiều người cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
Vậy Trung Quốc có bao nhiêu vàng? Và 9.500 tấn vàng khác đã đi đâu? Trung Quốc đã giấu vàng ở đâu vậy?
Bron Suchecki tại hãng Perth Mint cho rằng, Trung Quốc đã khuyến khích tích lũy tư nhân. Nghiên cứu về dòng chảy của vàng, ông này chỉ ra Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu 55% vàng tích lũy cá nhân và 45% còn lại giữ tại các ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương của nước này.
Kết luận của Bron là Trung Quốc đã che giấu số vàng chính thức của mình - nhưng không nhiều như mọi người hy vọng. Ông đưa ra con số chung là 2.400 tấn. Các ngân hàng thương mại đang nắm khoảng 2.060 tấn vàng khác, trong khi 6.490 tấn trong tay của những người mua cá nhân - tổng cộng vào thành 10.950 tấn vàng tại Trung Quốc.
Con số này cũng khớp với phân tích của Koos Jansen, mặc dù Jansen cho rằng có tới gần 14.000 tấn vàng tại Trung Quốc (cả tư nhân và chính thức). Con số này dựa trên những gì đã xảy ra đối với đồ trang sức thuộc sở hữu cá nhân sau cách mạng - cho dù nó vẫn thuộc về các cá nhân, của chính phủ hay đã được bán để nhập về hàng hóa khác. Vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi.
Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng rằng một khối lập phương có mỗi cạnh dài 32 cm. Mỗi khối lập phương đó là một tấn vàng. Nước Mỹ, quốc gia giàu có nhất thế giới, có 8.133 khối lập phương, chiếm 74% dự trữ ngoại hối của nước này. Đức có 3.383 khối. Anh thì chỉ có 310 khối. Còn Trung Quốc sản xuất ra nhiều hơn thế mỗi năm.
Ước tính rằng tổng lượng vàng được khai thác trong suốt cả lịch sử, hầu hết vẫn còn tồn tại, lên tới khoảng 170.000 tấn, hoặc hơn.
Sau tất cả, con số 2.400 tấn của Trung Quốc, nếu có thể chấp nhận, thì đang gây thất vọng. Nó cho thấy Trung Quốc có ít mâu thuẫn với vàng hơn phần còn lại của thế giới - họ rõ ràng là thích vàng - nhưng cũng không đưa ra một thông điệp rõ ràng về vai trò của vàng trong thế giới hiện đại, hay về tham vọng về đồng tiền được đảm bảo bằng vàng của Trung Quốc, hoặc kế hoạch đánh đổ đồng USD.
Tuy nhiên, có thể đưa ra lập luận rằng vàng của các ngân hàng thương mại Trung Quốc và của quốc gia này nên được tính cùng nhau, khi hầu hết các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước. Trong trường hợp đó, con số vàng nước này nắm giữ sẽ tăng lên thành 4.500 tấn.
Cũng cần lưu ý rằng tổng số vàng mà Trung Quốc nắm giữ theo Suchecki ước tính là 11.000 tấn, Jansen đưa ra con số gần 14.000 tấn. Nick Laird tại hãng Sharelynx thì cho là khoảng gần 15.000 tấn. Trong khi, theo ước tính của Laird, số vàng Mỹ sở hữu là 26.000 - 27.000 tấn. Với tốc độ tích lũy hiện nay, sẽ chẳng mấy chốc Trung Quốc đạt bằng với Mỹ.
Điều thú vị nhất có lẽ là lượng vàng tư nhân mua lên tới khoảng 6.500 tấn, và Trung Quốc khuyến khích người dân nước mình làm điều đó. Có lẽ Trung Quốc muốn công dân của họ giữ vàng để đề phòng, khi còn thiếu niềm tin vào tiền mặt.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)