tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thêm nhiều nền kinh tế đi vào suy thoái

  • Cập nhật : 05/09/2015

Các chuyên gia nhìn nhận, việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada trong quý II/2015 tiếp tục giảm sâu hơn phản ánh rõ đà tăng trưởng yếu kém của quốc gia Bắc Mỹ này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

dong do la canada da xuong muc gia thap hon ca hoi khung hoang 2008

Đồng đô la Canada đã xuống mức giá thấp hơn cả hồi khủng hoảng 2008

Đáng chú ý là những ngành công nghiệp chủ chốt của Canada như khai mỏ, khai thác đá cũng ghi nhận kết quả đáng lo ngại suốt 2 quý liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của nước này, do dầu thô là lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chính cho Canada.

Dự đoán nền kinh tế Canada có thể ngày càng u ám, khi tình hình chính trị không ổn định. Ba chính đảng lớn tại Canada gồm CPC, NDP và LIB vẫn đang cạnh tranh khốc liệt trước thềm cuộc bầu cử liên bang, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Khi kinh tế vĩ mô gặp vấn đề, hoạt động của DN lập tức bị tác động. Trong mảng kinh doanh bất động sản, các DN ở Toronto và Vancouver luôn ở tình trạng không mấy sáng sủa. Can thiệp về chính sách để cố gắng kéo giảm đà suy thoái, trong 6 tháng qua NHTW Canada đã 2 lần phải hạ lãi suất.

Tương tự, nền kinh tế của Australia cũng rơi vào tình cảnh trì trệ. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Australia là nước chịu tác động mạnh của tình hình kinh tế Trung Quốc không mấy khả quan, bởi đây là quốc gia cung cấp nguyên liệu gần nhất cho Trung Quốc…

Nhưng không riêng gì các nước phát triển, quan ngại lớn nhất hiện nay đang được gắn với nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các DN ở khu vực Đông Nam Á. Bởi các nước này chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng ở tầm cỡ thế giới. Trong khi những khoản nợ ngày càng được nhân lên, bất chấp các giải pháp chính sách được áp dụng.

Wilmar (Malaysia) là một ví dụ, Tập đoàn khổng lồ sở hữu thương hiệu dầu ăn Neptune này hiện nay có số nợ lên tới 22,4 tỷ USD, tăng gấp đôi kể từ năm 2010 (nợ ròng tăng 20%). Nguyên nhân là do nền kinh tế trong khu vực suy giảm, đồng Nhân dân tệ mất giá và triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gây nên những đợt bán tháo lớn ở thị trường khu vực.

Theo ước tính của nhiều người, khi đồng Ringgit (Malaysia) và đồng Rupiah (Indonesia) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, nguy cơ vỡ nợ “ồ ạt” ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2015 tăng cao.

Mới đây nhất, trả lời báo giới, ông Kim Jinha, người đứng đầu Công ty Đầu tư toàn cầu Mirae Asset tại Seoul cho biết, chất lượng tín dụng đã giảm ở khu vực Đông Nam Á và đó là một xu hướng đáng lo ngại. “Tỷ lệ vỡ nợ hiện đang tăng cao. Các công ty có khoản nợ bằng đôla Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng nợ (quy đổi ra nội tệ - PV) tăng nhanh chóng mặt”, ông Kim cho biết thêm.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục