(Tin kinh te)
Khi đối chiếu dữ liệu nộp thuế ở Florence (Ý) trong hai năm 1427 và 2011, có nhiều gia tộc giàu có hiện nay đã rất giàu từ 600 năm trước.
Theo tờ The Wall Street Journal, Guglielmo Barone và Sauro Mocetti ở Ngân hàng Trung ương Ý là hai nhà nghiên cứu phát hiện ra thực tế bất thường trên.
Họ so sánh dữ liệu của các cá nhân nộp thuế ở Florence trong hai năm 1427 và 2011, nhận ra rằng có khoảng 900 cái họ vẫn còn hiện diện tại thành phố Ý. Điều này chứng tỏ những gia đình giàu có ở Florence ngày nay có nguồn gốc từ các gia tộc giàu nhất cách đây gần 600 năm.
Vì tên họ của người Ý có tính khu vực và biệt hóa cao, hai nhà nghiên cứu đã thu nhập thông tin của các gia đình mang một họ nhất định trong năm 2011 với gia đình có cùng họ đó vào năm 1427. Nghề nghiệp, thu nhập và của cải của những người đi trước trong các gia tộc giàu có kể trên có thể giúp dự đoán nghề nghiệp, thu nhập và của cải của con cháu họ hiện nay.
Hai nhà nghiên cứu viết trên trang bình luận kinh tế VoxEU: “Những họ có thu nhập cao nhất trong số các cá nhân nộp thuế ngày nay cũng từng được tìm thấy trên cùng bậc thang kinh tế - xã hội cách đây sáu thế kỷ”.
Ngược dòng lịch sử
Phát hiện thú vị của hai nhà nghiên cứu khởi nguồn từ một cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 1427, thành phố Florence đứng bên bờ vực sụp đổ tài chính vì cuộc chiến với Milan và vì thế, giới lãnh đạo đã tiến hành cuộc điều tra thuế với 10.000 công dân. Họ ghi nhận tên, họ, nghề nghiệp của người đứng đầu các gia đình giàu có và độ giàu của các gia đình này.
Đến nay, vẫn còn khoảng 900 cái họ nói trên còn hiện diện ở Florence, và khoảng 52.000 người nộp thuế mang các họ đó. Hai nhà nghiên cứu cho hay vì đặc tính của tên họ người Ý, có thể nói rằng phần lớn trong số những người mang 900 cái họ kể trên là hậu duệ của các gia đình giàu có.
Để tìm hiểu rõ hơn vì sao các gia tộc vẫn duy trì được vị thế xã hội trong nhiều thế kỷ, hai nhà nghiên cứu xem xét hồ sơ thuế của năm 2011. Họ tìm ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy địa vị kinh tế - xã hội ở Ý là vô cùng dai dẳng.
Đơn cử, một vài trong số những gia đình sung túc nhất Florence hiện giờ có tổ tiên là những người thợ đóng giày giàu có hồi thập niên 1400. Trong ảnh trên là ông Salvatore Ferragamo, người qua đời vào năm 1960, đang khoe xưởng giày của mình ở Florence, nơi ông đóng giày cho nhiều người nổi tiếng.
Giàu lâu đến mức khó tin
Thực tế, việc của cải và vị thế xã hội được thừa kế, truyền lại qua các dòng họ không phải là điều lạ. Tại Nhật Bản, một nghiên cứu từng chỉ ra rằng nhiều hậu duệ của các samurai thời xưa hiện thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước. Nhà kinh tế Gregory Clark ở Đại học California cũng từng viết quyển sách “The Son Also Rises” lý giải vì sao sự giàu có và địa vị xã hội có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, gần 600 năm giữ vững vị thế của các gia đình ở Florence vẫn đáng chú ý. Kinh tế - xã hội Ý trải qua rất nhiều biến động kể từ năm 1427, năm mà các bậc thầy Phục hưng như Leonardo da Vinci hay Michelangelo vẫn chưa ra đời.
Một số ý kiến liên hệ phát hiện của hai nhà nghiên cứu Ý với nghiên cứu của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, người từng ghi nhận sự bất bình đẳng trong thu nhập, đặc biệt là của top 1% người giàu nhất.
Guglielmo Barone và Sauro Mocetti cho hay: “Nghiên cứu này xoáy vào tính di động hoặc bất động của nền kinh tế, tìm hiểu xem liệu những người giàu có còn giàu hay không. Song điều này không hoàn toàn chứng minh rằng những người giàu đã và đang tiếp tục giàu lên”.
Dù vậy, hai nhà nghiên cứu vẫn ghi chú có “sự tồn tại của một lớp kính bảo vệ hậu duệ của các gia tộc giàu có nhất khỏi việc rơi khỏi các bậc thang kinh tế”.
Ngoài ra, hai chuyên gia Ý cũng không chỉ xem xét nhóm 1% mà là nhóm 33% dòng họ giàu nhất hồi năm 1427. Phạm vi 33% mở ra nhóm xã hội lớn hơn nhiều, không chỉ điểm mặt các thành viên của nhà Medici, dòng tộc ban đầu nắm ngân hàng lớn nhất châu Âu, tiếp đó trở thành triều đại chính trị và sau này là hoàng gia Cosimo de' Medici trong nền Cộng hòa Florence nửa đầu thế kỷ XV.
Khác với nhà Medici có lâu đài và bất động sản truyền lại, nhiều gia tộc giàu ở Florence sau 25 thế hệ vẫn có hàng trăm con cháu sống thoải mái, nhưng không hề vương giả. Đây là bằng chứng cho thấy các tầng lớp xã hội thượng lưu, trung lưu và người nghèo vẫn đổi chỗ cho nhau qua nhiều thời đoạn và biến động kinh tế.
Nguồn Thanh niên