Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã lạc mất cuốn giáo trình phát triển kinh tế mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra.
Thiên đường mua sắm Singapore điêu đứng
- Cập nhật : 31/05/2016
(tin kinh te)
Giá cả tiêu dùng tại Singapore trong tháng 3 đã giảm tháng thứ 17 liên tiếp, thời kỳ suy giảm dài nhất từ trước đến nay
Những gian hàng mặt tiền bỏ trống ở thiên đường mua sắm nổi tiếng Orchard Road của Singapore đang trở thành một hình ảnh thường thấy, khi tỉ lệ trống ở đây đã tăng lên mức cao trong 5 năm qua và trên khắp đảo quốc này, tỉ lệ trống đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009.
Trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực loạng choạng và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, các công ty tư vấn bất động sản dự kiến sẽ có nhiều nhà bán lẻ hơn thu hẹp quy mô và đóng cửa cửa hàng. Và mặc dù giá cho thuê mặt bằng ở các trung tâm mua sắm đã giảm mạnh từ mức đỉnh của năm 2014, nhưng vẫn giảm chưa đủ sâu để thuyết phục một số thương hiệu chịu ở lại.
Một số nhà bán lẻ lớn đang rút lui. Al-Futtaim Group dự kiến đóng cửa ít nhất 10 cửa hàng tại Singapore trong năm nay, mặc dù Tập đoàn đang bành trướng ở các thị trường châu Á khác như Malaysia và Indonesia. Nhãn hàng Anh New Look và chuỗi thời trang nam giới Pháp Celio cũng dự định đóng cửa các cửa hàng trong 6 tháng cuối năm 2016 và nhiều nhà bán lẻ khác cũng dự kiến sẽ nối gót, theo Cushman & Wakefield. “Sau khi đánh giá kỹ, chúng tôi nhận thấy Singapore không có tiềm năng để trở thành một thị trường chính của chúng tôi”, New Look cho biết. Cửa hàng cuối cùng của Công ty sẽ đóng cửa vào ngày 30.6 tới.
Tỉ lệ trống ở khu mua sắm nổi tiếng Orchard Road đã tăng lên mức cao trong 5 năm qua - Ảnh: panoramio.com
Singapore đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và việc khách hàng từ đại lục không còn mạnh tay chi tiêu như trước. “Khách Trung Quốc đến Singapore tìm kiếm trải nghiệm hơn là mua hàng”, Christine Li, Giám đốc Nghiên cứu Cushman & Wakefield ở Singapore, nói.
Nếu các làn gió ngược kinh tế kéo dài và người dân vẫn hạn chế chi tiêu (do lo ngại trước viễn cảnh bị giảm lương và mất việc làm) thì mức giá cho thuê mặt bằng ở các trung tâm mua sắm sang trọng có thể giảm tới 5% trong năm nay, theo Colliers International. Trong bối cảnh đó, nguồn cung văn phòng đang gia tăng, càng gây áp lực giảm giá cho thuê và làm tăng tỉ lệ trống. Singapore sẽ có thêm gần 371.000 m2 diện tích văn phòng bán lẻ trong 3 năm tới, theo Cushman & Wakefield.
Một đặc điểm của người tiêu dùng Singapore là họ nằm trong số những người mua sắm sành điệu về công nghệ nhất châu Á với tỉ lệ người mua sắm trực tuyến cao hơn cả ở Hồng Kông và Malaysia. “Bán lẻ đang thay đổi do sự phát triển của thương mại điện tử và các trung tâm mua sắm sẽ cần phải tái định vị để chuẩn bị cho tương lai”, John Lim, CEO của ARA Asset Management, sở hữu các trung tâm mua sắm ở Singapore, Hồng Kông và Malaysia, nói. Theo ông, các trung tâm mua sắm cần dồn lực hơn vào các cửa hàng thực phẩm, nước giải khát, giải trí, dịch vụ và ngân hàng, ít tập trung hơn vào thời trang và các sản phẩm tiêu dùng.
Christine Li, Cushman & Wakefield, thì cho rằng: “Trong thế giới toàn cầu hóa, nơi người ta gần như có thể tìm thấy cùng một nhãn hiệu ở bất cứ đâu, sự khác biệt đã trở thành chìa khóa làm nên thành công của một điểm bán lẻ, nhưng đáng tiếc, điều đó lại thiếu ở Singapore”, nhận xét.
Đàm Hoa
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)