tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thái Lan khủng hoảng vì lao động nhập cư tháo chạy

  • Cập nhật : 09/07/2017

Luật mới của Thái Lan quy định các lao động nước ngoài bất hợp pháp bị phạt tiền hay giam tù đã khiến nhiều người nhập cư tháo chạy khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. 

lao dong nhap cu campuchia linh kinh hanh ly di bo qua cua khau bien gioi aranyaprathet, tinh sa kaew hoi nam 2014 - anh: reuters

Lao động nhập cư Campuchia lỉnh kỉnh hành lý đi bộ qua cửa khẩu biên giới Aranyaprathet, tỉnh Sa Kaew hồi năm 2014 - Ảnh: Reuters

Theo luật lao động công bố ngày 23-6 của Thái Lan, người nước ngoài nếu bị phát hiện làm chui ở nước này sẽ bị phạt từ 2.000 tới 100.000 baht (khoảng từ 1,2 triệu – 66 triệu đồng Việt Nam), thậm chí ngồi tù tới 5 năm.

Riêng người sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp bị phạt còn nặng hơn.

Cụ thể, với mỗi lao động nước ngoài bất hợp pháp bị phát hiện, người sử dụng lao động sẽ bị phạt ít nhất 400.000 baht (khoảng 268 triệu đồng Việt Nam) và tối đa lên tới 800.000 baht (khoảng 536 triệu đồng VN).

Luật một nước ảnh hưởng ba nước

Lo sợ bị bắt và bị phạt tiền, nhiều lao động nước ngoài, chủ yếu là người Myanmar, Campuchia và Lào tại Thái Lan đã bỏ về nước.

Số liệu thống kê từ các cửa khẩu biên giới lớn cho thấy đã có gần 60.000 ngàn lao động rời Thái Lan sau khi luật lao động mới có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam nhấn mạnh sẽ không có người lao động bất hợp pháp nào bị bắt giữ.

Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Chakthip Chaijinda cảnh cáo các nhân viên dưới quyền sẽ bị trừng trị nghiêm nếu “đụng tay đụng chân” với lao động bất hợp pháp hoặc người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, điều này cũng không trấn an được dòng người đang tìm mọi cách rời khỏi Thái Lan. 

Trung bình mỗi ngày gần 1.000 lao động Campuchia trở về nước từ Thái Lan, theo báo Khmer Times.

Đại sứ Campuchia tại Thái Lan, ông Long Visalo, ngày 3-7 đã phải ra tuyên bố kêu gọi người lao động Campuchia tại Thái Lan bình tĩnh, không ồ ạt bỏ việc về nước.

Bộ trưởng Lao động Campuchia, ông Ith Samheng, cho biết Campuchia sẽ tiến hành chiến dịch quy mô lớn kéo dài 100 ngày để cấp hộ chiếu cho tất cả những lao động nhập cư chưa được cấp phép tại Thái Lan.

Bộ Lao động, Nhập cư và Dân số Myanmar trong một động thái tương tự cũng cho biết chính phủ Myanmar và Thái Lan đang phối hợp giải quyết vấn đề.

Theo bộ này, tính đến ngày 5-7 đã có 34.069 lao động nước này tại Thái Lan về nước.

Theo Tân Hoa xã, lao động bất hợp pháp chiếm gần 1/5 trong tổng số lao động Myanmar tại Thái Lan (gần 1 triệu người). 

Ông Sompong Srakaew, người đứng đầu Mạng lưới thúc đẩy quyền lao động tại Thái Lan, cảnh báo tình trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn và tăng lên con số hơn 100.000 đến hết tuần này.

mot lao dong bat hop phap nguoi myanmar bi tra hoi tai don canh sat tha sala, tinh nakorn si thammarat ngay 6-5 - anh: reuters

Một lao động bất hợp pháp người Myanmar bị tra hỏi tại đồn cảnh sát Tha Sala, tỉnh Nakorn Si Thammarat ngày 6-5 - Ảnh: Reuters

Phối hợp giải quyết

Trước thực trạng này, ngày 5-7, Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự Thái Lan đã quyết định “ân hạn”, tạm ngưng thực thi luật lao động mới trong vòng 180 ngày.

Chính quyền Bangkok khẳng định điều này nhằm cho phép lao động nước ngoài và người sử dụng lao động có thời đáp ứng các yêu cầu mới trong luật lao động.

Tờ The Nation của Thái Lan ngày 8-7 khẳng định cuộc khủng hoảng lao động nhập cư tại nước này đã tạm lắng. Số lao động rời khỏi Thái Lan vẫn còn nhưng đã giảm xuống còn 2/3 so với những ngày trước đó.

Người phát ngôn Bộ Lao động Thái Lan Ananchai Uthaipatanacheep cùng ngày cũng thông báo kể từ ngày 25-7, các ông chủ người Thái Lan sẽ phải làm thủ tục khai báo và đăng ký với nhà chức trách cụ thể danh tính và số lượng các lao động chui Myanmar, Campuchia và Lào đang thuê.

Các trung tâm khai báo dạng này sẽ được mở trên khắp Thái Lan đến hết ngày 7-8 tới. Sau khi khai báo lần một, nhà chức trách sẽ gọi người sử dụng lao động lên làm việc một lần nữa.

Bắt buộc đi cùng với họ lần này là người lao động đã được khai báo. Những người này sẽ được phía Thái Lan cấp cho đơn đề xuất cấp giấy chứng nhận quốc tịch, có giá trị tương đương hộ chiếu.

Đến đây người lao động sẽ có hai lựa chọn, hoặc trở về nước xin cấp giấy chứng nhận/hộ chiếu và quay lại Thái Lan, hoặc đăng ký tại các trung tâm do chính phủ của những người này mở ở Thái Lan.

Myanmar đã cam kết sẽ mở ít nhất 6 trung tâm chứng nhận quốc tịch ở Thái Lan để cấp giấy chứng nhận cho những lao động chui của nước này.

Bộ trưởng Lao động Campuchia thông báo sẽ xem xét vấn đề và phối hợp với chính quyền Bangkok.

Chính quyền Phnom Penh cũng cam kết sẽ cấp 160.000 hộ chiếu cho các lao động Campuchia ở Thái Lan trong vòng 100 ngày.

Việc mở các trung tâm chứng nhận quốc tịch ở Thái Lan có thể giúp các lao động chui tiết kiệm thời gian và tiền bạc đồng thời tránh tình trạng lao động ồ ạt về nước.

Những người lao động đã được cấp chứng nhận sẽ nộp đơn xin thị thực làm việc ở Thái Lan và trải qua nhiều bước khác trước khi có thể trở thành lao động hợp pháp ở nước này.

Người lao động sẽ chịu toàn bộ số tiền phí 3.000 baht (khoảng 2 triệu đồng Việt Nam) cho tới khi cầm được giấy phép lao động trên tay, theo The Nation.

 

DUY LINH
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục