tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

3 lý do Tổng thống Trump sẽ không thích thỏa thuận EU - Nhật Bản

  • Cập nhật : 07/07/2017

Vào đêm trước ngày khởi động Hội nghị Thượng đỉnh G20 với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu và Nhật Bản ký hiệp định tự do thương mại lớn.

3 ly do tong thong trump se khong thich thoa thuan eu - nhat ban - anh: shutterstock

3 lý do Tổng thống Trump sẽ không thích thỏa thuận EU - Nhật Bản - Ảnh: Shutterstock

Theo CNN, hiệp định bao phủ hơn 600 triệu người, 30% nền kinh tế thế giới và 40% tổng thương mại thế giới.

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vừa thể hiện rằng ngay cả khi ông Trump tránh xa các hiệp định thương mại đa quốc gia, nhiều nước khác vẫn sẵn sàng tham gia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với giới phóng viên: “Chúng tôi thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ rằng Nhật Bản và EU sẽ giương cao lá cờ tự do thương mại giữa xu hướng bảo hộ”.

Dưới đây là ba lý do vì sao ông Trump có thể không thích thỏa thuận mới.

1. Thỏa thuận có thể làm tổn thương doanh nghiệp Mỹ

Thỏa thuận mới sẽ loại bỏ các rào cản đối với thương mại EU - Nhật Bản, song mặt khác lại đưa một số công ty Mỹ vào thế bất lợi. Lấy ngành ô tô làm ví dụ: Theo thỏa thuận mới, EU sẽ dần loại bỏ thuế nhập khẩu với ô tô Nhật, đổi lại, Nhật Bản đồng ý xây dựng tiêu chuẩn ô tô phù hợp với EU. Việc này sẽ giúp các hãng như Volkswagen và BMW dễ bán xe ở Nhật.

Nếu trường hợp này xảy ra, các hãng sản xuất ô tô Mỹ, những công ty bị áp thuế 10% khi xuất khẩu đến EU, sẽ gặp khó. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng đối mặt cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường Nhật Bản. Sau thỏa thuận tương tự giữa EU và Seoul vào năm 2011, xuất khẩu ô tô châu Âu đến Hàn Quốc tăng gấp ba chỉ trong bốn năm.

Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thỏa thuận thương mại lớn giữa EU và Mỹ có thể xóa thuế quan nhập khẩu đối với ô tô Mỹ ở châu Âu, song nó đang bị đình trệ. Có ít triển vọng các cuộc đàm phán sẽ được tái khởi động trong tình hình căng thẳng hiện nay.

2. Thỏa thuận liên quan đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên bao gồm cam kết cụ thể về việc thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2016 với mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Tổng thống Mỹ đang kéo nước này ra khỏi hiệp định Paris, đưa Mỹ đứng cùng lập trường với các nước như Nicaragua và Syria. Thỏa thuận thương mại EU - Nhật Bản có thể tạo ra tiền lệ, khiến Mỹ khó thực hiện các giao dịch thương mại hơn.

Chuyên gia chính sách khí hậu Celine Bak tại viện chính sách Trung tâm Đổi mới Quản trị Thế giới ở Canada cho hay: “Họ ra hiệu rằng các thỏa thuận thương mại tương lai sẽ bao gồm hiệp định Paris như một phần các nguyên tắc”. Nếu Mỹ không thể cam kết với Hiệp định Paris, nhiều đối tác thương mại tiềm năng có thể quay lưng.

3. Thỏa thuận có quy mô lớn

Tổng thống Mỹ Trump không thích các hiệp định thương mại đa phương. Ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức. Ông cũng cam kết tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và tỏ ý không thích TTIP. Thay vào đó, ông thích thực hiện thỏa thuận riêng rẽ với từng nước.

Dù EU đứng ra đàm phán thương mại với tư cách chung nhất, khối này vẫn bao gồm 27 nước, sau khi Anh thực sự rời EU. Việc EU bắt tay với Nhật Bản chỉ vài tháng sau khi ký thỏa thuận tương tự với Canada cho thấy rằng loại hình hợp tác này vẫn có tương lai.

Thủ tướng Nhật Bản Abe cho hay thỏa thuận mới có thể là nguồn cảm hứng cho các hiệp định thương mại đa phương sau này. “Tôi đã liên tục cố gắng giải thích ý nghĩa của TPP cho Tổng thống Trump. Làm thế nào để TPP không phải là chuyện thắng hay bại, làm thế nào để nó là yếu tố tích cực cho tất cả thành viên. Thật không may tại thời điểm này, Mỹ đã rút khỏi hiệp định”, ông Abe chia sẻ.


Thu Thảo
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục