Cây cầu vượt biển dài 55 km dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng khoảng cuối năm nay.
Quan điểm cứng rắn trong thương mại của Tổng thống Trump đang có tác dụng?
- Cập nhật : 06/07/2017
Quan điểm có phần cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại toàn cầu dường như đang có kết quả tích cực, khi các đối tác thương mại của Mỹ có vẻ xìu hơn.
Báo cáo thương mại toàn cầu từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế London mới đây cho thấy những đối tác thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ít áp dụng các biện pháp bảo hộ kinh tế đối với hoạt động kinh doanh của Mỹ tính đến thời điểm này. Nguyên nhân được cho là do họ lo lắng về hành động trả đũa từ phía Washington.
Cụ thể, các nền kinh tế G20 đã tung ra 52 “cú đánh” vào lợi ích thương mại của Mỹ trong nửa đầu năm 2017, thấp hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái và mức giảm cũng trong khoảng tương tự so với năm 2015. Trong đó các động thái có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ bao gồm việc đưa ra mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bán phá giá cũng như ưu đãi thuế cho các nhà xuất khẩu khác đang cạnh tranh với quốc gia Bắc Mỹ.
“Những nước trong khối G20 gây ra nhiều khó khăn về lợi ích kinh tế của Mỹ trước khi ông Trump lên làm tổng thống cũng chính là những nước đã cắt giảm mạnh nhất các hành động bảo hộ của họ vào năm 2017. Nếu không e ngại thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền Trump, có thể họ sẽ không làm điều đó”, Simon Evenett, Giáo sư kinh tế học của Đại học St. Gallen tại Thụy Sĩ, nói.
Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Capital Economics, cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng các nước đang phát triển nói riêng dường như đã phải suy nghĩ nhiều lần về việc áp dụng bất kỳ biện pháp bảo hộ kinh tế nào. “Chính phủ Mexico chắc chắn đã thay đổi quan điểm để đối phó với tinh thần bất chấp tất cả, sẵn sàng hành động từ phía ông Trump. Có thể thấy thay vì thúc đẩy một cuộc chiến tranh thương mại, lời nói và chính sách của ông Trump thậm chí đã khiến cho thương mại trở nên tự do hơn”, ông Kenningham nhận định.
Song, báo cáo cũng nhận thấy rằng trong khi tự bảo vệ mình thì Mỹ lại trở nên bảo thủ hơn trước. Nước này đã thực hiện 189 biện pháp chống lại lợi ích thương mại của các nước G20. Con số này đã tăng gấp đôi so với thời gian cựu Tổng thống Barack Obama nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ hai.
Những tuyên bố bảo vệ kinh tế quốc gia của ông Trump đã khiến các nhà lãnh đạo khác lên tiếng về lợi ích của thương mại tự do. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng “bất cứ ai tin họ có thể giải quyết các vấn đề của thế giới này bằng chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ đều đang gây ra một sai lầm lớn”.
Để thúc đẩy tự do thương mại Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây tuyên bố sẽ ký những thỏa thuận hợp tác lớn với Liên minh châu Âu. Và các nước khác cũng đang cố gắng thúc đẩy mối quan hệ đối tác thông qua các hiệp định thương mại toàn cầu dù cho ông Trump đã “lạnh lùng” kéo Mỹ ra khỏi tất cả các hiệp định đó.
Phương ANh
Theo Thanhnien.vn