Đức trở thành quốc gia EU đầu tiên thắt chặt quy định trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp nhằm "bảo tồn" doanh nghiệp trong nước sau một loạt các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc.
Nạn nhân mới của giá dầu
- Cập nhật : 20/01/2016
(Kinh te)
Giá dầu tuột dốc không phanh không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành năng lượng mà còn là "thảm họa" đối với các công ty sản xuất kim loại.
Quặng được khai thác bằng máy đào và xe tải. Các thiết bị này đều chạy bằng động cơ dầu diesel. Sau khi được khai thác, quặng được đưa đến nhà máy luyện kim loại. Hoạt động luyện kim sử dụng điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Chi phí cho năng lượng chiếm 1/3 tổng chi phí của ngành này.
Trong 2 năm qua, giá dầu sụt giảm khoảng 70%, xuống dưới mức 30 USD/thùng, giúp các công ty kim loại cắt giảm được chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các công ty kim loại, từ nhôm đến kẽm đều đang bị điêu đứng do suy thoái kéo dài và mỏ kim loại thì thua lỗ. Vì giá nhiên liệu rẻ, các công ty kim loại đã trì hoãn những đợt cắt giảm sản lượng vốn cần thiết để ngăn chặn việc kim loại tiếp tục đà giảm giá.
Trong khi đó giá kim loại luôn rơi theo giá dầu. Theo ông Dan Smith, chuyên gia phân tích hàng hoá tại Oxford Economics Ltd. (London), giá dầu và kim loại cơ bản có mối quan hệ chặt chẽ, nếu giá dầu giảm còn 20 USD/thùng hoặc thậm chí dưới ngưỡng này thì giá kim loại còn tiếp tục giảm. Về ngắn hạn, mọi thứ có vẻ khó khăn.
Các công ty khai thác mỏ như Glencore Plc đã phải cắt giảm chi phí hoạt động và sản lượng, bán tài sản, bán cổ phiếu và giảm nợ. Vào thời điểm tháng 8/2015, hai nhà sản xuất kim loại lớn nhất là BHP Billiton Ltd và Rio Tinto Group cho biết chi phí năng lượng thấp và nội tệ của các nước có hoạt động mỏ lao dốc là những nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận.
Kể từ đó đến nay, giá dầu thô biển Bắc đã giảm khoảng 50%. Theo Macquarie Group Ltd, năng lượng là phần chi phí lớn nhất trong quá trình khai thác: chiếm khoảng 16% trong sản xuất đồng và khoảng 35% trong sản xuất nhôm. Theo nhóm nghiên cứu của CRU Group (London) ước tính, giá dầu sụt giảm và đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền trong đó có đồng peso của Chile và kwacha của Zambia giúp làm giảm 11% chi phí khai thác đồng trong năm 2016.
Đồng USD sử dụng để giao dịch kim loại quốc tế nên việc đồng tiền này phục hồi cũng hỗ trợ các công ty khai thác mỏ, do các công ty này trả lương công nhân và mua thiết bị bằng tiền địa phương. Đồng real của Brazil, đồng rand của Nam Phi, đồng rúp Nga và đồng peso của Chile là những đồng tiền mấ giá nhiều nhất trong năm qua.
Điện than chiếm đến 41% tổng sản lượng điện toàn thế giới. Từ năm 2007, tại châu Âu, khi nguồn than dồi dào thì đây là cách rẻ nhất để tạo ra điện. Tuần trước, sau hơn một thế kỷ, giá dầu lần đầu tiên giảm dưới mức 30 USD/thùng do Iran tăng xuất khẩu dầu trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tại châu Âu, dầu diesel được tinh chế từ dầu mỏ và giá của loại dầu này thay đổi gần như song song với dầu thô, đạt mức thấp nhất trong 11 năm.
Dẫu vậy, giá các nguồn năng lượng giảm không những không giải quyết được những vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành kim loại mà còn làm tình hình dư cung trầm trọng hơn. Kinh tế Trung Quốc chậm lại là một thiệt hại lớn về phía cầu. Trong khi đó nhìn về phía nguồn cung, trong thời kỳ bùng nổ, các công ty khai thác mỏ đã liên tục đầu tư, tăng năng lực sản xuất và tăng sản lượng.
"Chắc chắn giá dầu giảm sẽ tạo ra một làn sóng giảm phát mới, khiến giá hàng hóa giảm sâu hơn nữa. Chúng tôi dự đoán các nhà sản xuất kim loại thông báo cắt giảm sản lượng trong thời gian tới, nhưng thật khó để nói rằng thị trường kim loại đã chạm đáy và do đó còn rất nhiều khó khăn ở trước mắt", Nicholas Snowdon - chuyên gia phân tích tại ngân hàng Standard Chartered - chia sẻ với Bloomberg.