Các cuộc đối thoại nhằm ngăn khả năng chiến tranh thương mại đang được tiến hành tích cực bởi cố vấn chủ chốt của Chủ tịch Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Kinh tế châu Âu đang trỗi dậy từ mọi phía
- Cập nhật : 14/01/2018
Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu đã vượt nhanh hơn Mỹ, đạt được trạng thái tự tin cao nhất trong nhiều thập niên và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong suốt 9 năm qua.
Kinh tế châu Âu được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lạc quan trong những tháng tới ẢNH: REUTERS
Theo CNN trích dữ liệu ban đầu từ công ty nghiên cứu Capital Economics, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro đạt 2,4% trong năm ngoái, cao hơn so với mức 2,3% được dự đoán trước đó.
“Các số liệu thống kê tình hình kinh doanh mới nhất cho thấy châu Âu đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với Mỹ vào thời điểm này. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì các chỉ số niềm tin kinh tế ở cả hai khu vực đều phù hợp với mức tăng trưởng lạc quan trong những tháng tới”, Stephen Brown, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận định.
Sự tự tin đang tăng lên
Theo kết quả một cuộc khảo sát được Ủy ban châu Âu công bố hôm 8.1, mức độ tự tin kinh tế của 19 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung euro đang ở mức cao nhất trong hơn 17 năm. Người châu Âu cảm thấy hài lòng về nền kinh tế ở thời điểm hiện tại. Các cuộc điều tra khác cũng cho thấy cùng một kết quả.
“Mức độ tin cậy tăng lên ở tất cả các lĩnh vực được khảo sát và sự tự tin công nghiệp đã lên đến ngưỡng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1985”, Carsten Hesse, nhà kinh tế học của ngân hàng tư nhân hàng đầu châu Âu Berenberg, cho biết.
Pháp đang tăng tốc
Pháp được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng kinh tế trong năm 2018 nếu Tổng thống Emmanuel Macron có thể đưa ra những cải cách hứa hẹn. Ông Macron đã hứa sẽ nới lỏng luật lao động thiếu linh hoạt, giảm thuế doanh nghiệp và giảm thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm khu vực công khổng lồ của nước này.
“Pháp có thể vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP của Đức ở một thời điểm nào đó không xa trong tương lai. Các cải cách thị trường lao động cũng như nỗ lực mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường của ông Macron khiến chúng tôi tin tưởng rằng Pháp đang hướng tới một thập niên vàng”, ông Hesse nói.
Rủi ro chính trị đang lùi về phía sau
Nhìn chung, người châu Âu đang cảm thấy khá yên tâm dù tình hình chính trị dường như vẫn chưa thực sự ổn định ở một số quốc gia lớn. Cụ thể, cuộc bỏ phiếu bầu cử vào tháng 3.2018 tại Ý có thể sẽ tạo ra một số bất ổn trong khu vực và việc đàm phán cho vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) cũng là một bất ổn khác tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung.
Đức vẫn không thể hình thành một chính phủ mới kể từ cuộc bầu cử không thuyết phục hồi tháng 9.2017. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin kinh tế Đức nói chung đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó mặc dù Tây Ban Nha vẫn đang phải vật lộn để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Catalonia, nhưng niềm tin kinh tế của đất nước đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2001.
“Chúng tôi không thể tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự bất ổn chính trị ở một số nước châu Âu hoặc sự gia tăng tỷ giá hối đoái của đồng euro và giá năng lượng đang tạo ra tác động tiêu cực đáng kể đến sự tự tin của nền kinh tế khu vực”, ông Hesse chia sẻ.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm
Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 11.2017, xuống còn 8,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 1.2009. Số người thất nghiệp ở thời điểm hiện tại ít hơn khoảng 1,6 triệu người so một năm trước.
Song, sự phục hồi trong thị trường lao động vẫn chưa thực sự đồng đều. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm xuống mức thấp kỷ lục 3,6% vào tháng 11.2017. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Tây Ban Nha là 16,7%. Và mặc dù đang được cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại châu Âu hiện vẫn ở mức 18,2%.
Phương Anh
Theo Thanhnien.vn