"Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại như đã kỳ vọng. Tăng trưởng nhập khẩu và bán lẻ đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng liền”.
Đầy rẫy quan chức dính ổ tham nhũng tập đoàn dầu khí Petrobras
- Cập nhật : 09/12/2017
Vụ tham nhũng ở tập đoàn dầu khí Petrobras có thể là vụ án chống tham nhũng lớn nhất lịch sử thế giới vì dính líu nhiều chính trị gia cao cấp nhất của Brazil. Tất cả cũng chỉ vì quá dễ moi tiền…
Người dân Brazil tức giận biểu tình chống nạn tham ô tham nhũng khủng khiếp ở trước trụ sở tập đoàn Petrobras ở Brazil - Ảnh: AFP
Ngày 7-12 vừa qua, Tập đoàn dầu khí quốc gia của Brazil (Petrobras) đã nhận lại được 654 triệu reais (khoảng 200 triệu USD) tiền hoàn trả thất thoát do tham nhũng trong vụ trấn áp chống tham nhũng mang tên "Lava Jato" (Dọn sạch cấp tốc).
Khoản tiền trên đã nâng tổng số tiền mà tập đoàn này được trả lại lên tới 1,48 tỉ reais (470 triệu USD) sau cuộc điều tra vụ bê bối trên.
Đây là số tiền mà những kẻ tham nhũng đã chấp nhận trả lại để đổi lấy sự khoan hồng của luật pháp.
Mới thu hồi 1/5 số tiền bị mất
Trong một cuộc họp báo tại TP Curitiba, phía nam Brazil, ông Pedro Parente, tân Chủ tịch của Petrobras tuy vậy cho biết số tiền này chỉ mới được khoảng 20% số tiền bị tham ô đã được các nhà điều tra xác định.
"Đây là vụ trả tiền tham ô tham nhũng nhiều nhất trong lịch sử của Brazil"
Ông Daltan Dagnol - công tố viên phụ trách cuộc điều tra
Petrobras là tâm điểm chiến dịch "Lava Jato" tiến hành từ năm 2014, phanh phui các hoạt động biển thủ và hối lộ liên quan đến một mạng lưới chính trị gia và chủ doanh nghiệp không chỉ ở Brazil mà còn liên quan một số quốc gia khác.
Vụ việc này, bị phanh phui từ tháng 3-2014, đã làm rung chuyển chính trường Brazil, khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như hàng loạt chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố.
Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập các băng nhóm tội phạm, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.
Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Ngoài Tổng thống đương nhiệm Michel Temer, hai cựu Tổng thống là Dilma Rousseff và Lula da Silva cũng bị cáo buộc tham ô trong vụ bê bối này.
Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỉ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và ban lãnh đạo Petrobras để đổi lấy những hợp đồng béo bở. Petrobras đã mất khoảng 2 tỉ USD trong vụ bê bối tham nhũng này.
Ban lãnh đạo của Petrobras bị thay và nhờ thế từ đầu cuộc điều tra, tập đoàn này đã hợp tác với các công tố viên, cảnh sát liên bang, cơ quan thuế liên bang, và các ban ngành hữu quan, đồng thời từng bước cải thiện các cơ chế kiểm soát và hoạch định chính sách của mình.
Petrobras cho biết họ đã được công nhận là "một nạn nhân" và "các biện pháp pháp lý sẽ được tiếp tục tiến hành chống lại các công ty hoặc cá nhân, trong đó có các cựu nhân viên và chính khách, làm ảnh hưởng đến tài chính và hình ảnh của tập đoàn".
Việc thu hồi lại "tiền của mình" cũng là một trong các kết quả tức thì của chiến dịch điều tra thuộc vào hàng phức tạp nhất trong đó không ít lần gây ra khủng hoảng chính trị tầm cỡ tại Brazil.
Hôm 2-10, trả lời phỏng vấn báo giới tại TP Sao Paulo, thẩm phán liên bang Brazil Sérgio Moro - người phụ trách điều tra vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử nền kinh tế số một Mỹ Latinh, cho biết nhà chức trách vẫn đang tiếp tục điều tra, tuy nhiên đa phần công việc gần như đã hoàn thành.
Ông nhấn mạnh quá trình điều tra "khá mệt mỏi và vất vả", tuy nhiên khẳng định sẽ nỗ lực để đi tới cùng vụ điều tra với khối lượng công việc khổng lồ này.
Chúng lập băng bòn rút ra sao?
Ngày 11-12-2014, các công tố viên Brazil đã đưa ra lời buộc tội đối với 36 lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật lớn của nhà nước và tư nhân trong vụ tham nhũng liên quan Petrobras.
Theo cáo trạng, 35 doanh nhân, trong đó có cả các cựu quan chức Petrobras, bị buộc tội đã đồng lõa thành lập và điều hành một mạng lưới chuyên phục vụ cho hoạt động rửa tiền từ các hợp đồng của Petrobras.
Các công ty kỹ thuật và xây dựng hàng đầu của Brazil trong đường dây được luân phiên nhận các hợp đồng của Petrobras và cắt hoa hồng lại cho các chính trị gia.
Theo quy ước, sau khi giành được các hợp đồng với khoản phí phụ trội bất hợp pháp chiếm từ 1 - 6% giá trị của hợp đồng, các công ty rửa tiền thông qua các đối tượng trung gian có nhiệm vụ thành lâp các công ty ma chuyên cung cấp các hợp đồng khống.
Các khoản tiền này sẽ được các công ty hối lộ cho các chính trị gia dưới nhiều hình thức, trong đó có cả các khoản đóng góp hợp pháp cho các chiến dịch chính trị.
Cáo trạng buộc tội các đối tượng tham gia đường dây này tham nhũng, rửa tiền và tiếp tay để lập một tổ chức tội phạm hình sự. Tổng số tiền dính líu trong mạng lưới này lên đến 400 triệu USD và đã được thu hồi như đề cập ở trên.
Công tố viên trưởng Rodrigo Janot khi đó cho biết cáo trạng trên là sự khởi đầu của một tiến trình điều tra phức tạp. Cảnh sát ước tính mạng lưới này đã hợp pháp hóa tổng cộng khoảng 4 tỉ USD "tiền bẩn" và là một trong những đường dây tham nhũng hối lộ lớn nhất Brazil.
Ông Paulo Roberto Costa - nguyên giám đốc cung ứng của Petrobras chấp nhận khai báo đổi lấy khoan hồng - Ảnh: AFP
Theo các nhà điều tra, hoạt động của đường dây bị phanh phui sau khi nguyên giám đốc cung ứng của Petrobras, Paulo Roberto Costa, bị bắt giữ hồi tháng 3-2014, đã khai báo.
Costa khai đã nhận tiền hối lộ từ các công ty xây dựng và các nhà thầu khác để dành các hợp đồng béo bở của Petrobras cho các đơn vị này.
Ngoài ra, các công tố viên còn tập trung vào lời khai của Alberto Youssef - một trùm rửa tiền trên thị trường tự do đồng thời là một trong số những đối tượng bị buộc tội.
Đối tượng này thừa nhận đã "rửa" hàng trăm triệu USD cho đường dây trên. Thậm chí, Youssef còn cáo buộc Tổng thống đương nhiệm khi đó là bà Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Luiz Inacia Lula da Silva biết về sự tồn tại của đường dây này. Tuy nhiên, y không thể cung cấp được bằng chứng đáng tin cậy.
TƯỜNG NGUYỄN
Theo Tuoitre.vn