Theo South China Morning Post, các công ty Trung Quốc đang bị ám ảnh bởi việc thuê nhân tài của Thung lũng Silicon, Mỹ.
Đặt điều kiện mua lại khí đốt Nga, Ukraine quyết phá EU
- Cập nhật : 24/10/2017
Trong vị thế bị các đại cường liên tục chèn ép, Kiev sẵn sàng "chơi bẩn" để không bị thiệt hại hơn nữa, ngược lại còn thành ngư ông đắc lợi...
Kiev xuất chiêu độc
Sputnik đưa tin, ngày 23/10, Phó Thủ tướng Ukraine Vladimir Kistion cho biết Kiev có thể quay lại mua khí đốt từ Nga, nếu điểm đo lường khí đốt Nga được chuyển từ biên giới phía Tây sang biên giới phía Đông của Ukraine.
Giới phân tích rất ngạc nhiên về điều kiện có vẻ "ất ơ" này của Kiev. Bởi lẽ điều đó không liên quan gì đến việc Ukraine mua khí đốt của Nga, vậy mà chính quyền Kiev lại xem đó là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì điều kiện tiên quyết của Kiev thực ra là lời cảnh báo với Liên minh Châu Âu (EU), mà nguyên nhân là do nhu cầu mua khí đốt Nga của EU liên tục tăng lên cao, ngay từ những tháng đầu năm 2017.
Theo số liệu Hải quan Nga, xuất khẩu khí đốt của Nga trong 6 tháng đầu 2017 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 103 tỷ m3, doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,891 tỷ USD.
Theo Gazprom, từ đầu năm, nhu cầu tiêu thụ khí đốt Nga tại Tây và Trung Âu tăng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức tăng 16,4%, sang Áo tăng 74,2%, sang Slovakia tăng 27,7%, sang Cộng hòa Séc tăng 27,1%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu khí đốt Nga sang cũng Hungary tăng 25,9%, sang Hy Lạp tăng 12,2%, sang Macedonia tăng 70,6%. Theo Phó Giám đốc Gazprom, Aleksandr Medvedev, năm 2017, Gazprom có thể xuất khẩu khoảng 180 tỷ m3 khí đốt.
Nga tăng xuất khẩu khí đốt sang Tây Âu là nhờ việc dỡ bỏ hạn chế vận chuyển khí đốt theo đường ống Opal nối với đường ống chạy dưới đáy biển Baltic dẫn trực tiếp khí đốt Nga sang Tây Âu. Điều này là không tốt với Ukraine và Kiev đã hành động.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố rằng, với sự giúp đỡ của EU, cần thiết phải thay đổi việc tổ chức trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang EU sau năm 2019.
Theo đề nghị của Tổng thống Ukraine, người châu Âu cần phải nhận khí đốt của Nga không phải trên biên giới phía Tây của Ukraine, mà trên ranh giới phía Đông của lãnh thổ nước này.
Vì vậy, việc Phó Thủ tướng Vladimir Kistion nêu điều kiện để Ukraine mua lại khí đốt của Nga là chuyển đổi điểm đo lường thực ra chỉ là nhắc lại thông điệp mà Tổng thống Poroshenko đã gửi tới EU mà thôi.
Kiev muốn gì?
Giới phân tích cho rằng, việc Kiev đề xuất chuyển điểm đo lường khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine là bắn 1 mũi tên trúng 2 đích, qua đó vừa làm thay đổi vị thế của Kiev, vừa mang lại lợi ích cho Ukraine.
Có thể thấy rằng, đề xuất của Kiev sẽ ngăn chặn Nga và EU triển khai Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, mà theo đó đường ống dẫn khi đốt từ Nga tới Tây Âu trong dự án này sẽ đi qua Baltic, không "quá cảnh" Ukraine.
Như đã biết, nguyên nhân khiến Nga và EU xây dựng Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là do xung đột Nga – Ukraine khiến việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine trở nên phức tạp, mà cả Nga và EU đều lệ thuộc vào thái độ của Kiev.
Do điểm đo đường khí đốt Nga bán cho EU nằm tại biên giới phía Tây Ukraine nên Moscow và Kiev cùng kiểm soát đường ống dẫn khí đốt Nga quá cảnh Ukraine và khi xung đột thì vấn đề trở nên phức tạp.
Nhưng nếu chuyển điểm đo lường khí đốt Nga cung cấp cho EU sang biên giới phía Đông Ukraine, khi đó Ukraine và EU sẽ cùng kiểm soát đường ống dẫn khí đốt Nga quá cảnh Ukraine. Xung đột Nga – Ukraine sẽ bị miễn nhiễm.
Việc mua bán khí đốt giữa Nga với EU vẫn diễn ra bình thường, thậm chí EU có muốn mở thêm bao nhiêu đường ống dẫn khí qua Ukraine cũng không thành vấn đề. Vậy là lý do của việc phải triển khai Dòng chảy Phương Bắc 2 đã được giải toả.
Mà khi Dựa án Dòng chảy Phương Bắc 2 không còn điều kiện buộc phải triển khai thì EU cũng không còn lý do phản đối việc luật hoá trừng phạt Nga của Mỹ là ảnh hưởng tới dự án cung cấp năng lượng này. EU không thể phá rào trừng phạt của Mỹ.
Cũng nên nhắc lại, Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 do Tập đoàn Dầu khí Liên bang Nga Gazprom thực hiện với sự tham gia của các đối tác từ Đức và Áo. Do vậy, khi luật trừng phạt Nga có hiệu lực thì các công ty của Đức, Áo cũng bị trừng phạt.
Theo Financial Times, giới chức tại Đức đã thể hiện sự phẫn nộ về điều đó và luật trừng phạt Nga của Mỹ có nguy cơ bị chính EU xé rào và Washington cũng đang loay hoay mà chưa tìm ra cách giải quyết.
Nay thì Kiev đã giúp Washington tìm ra lời giải cho vấn đề, buộc Brussels phải tuân thủ luật trừng phạt Nga mà không thể nêu vấn đề Dòng chảy Phương Bắc 2 như điều kiện cho sự phản kháng và có thể làm cơ sở cho những hành động vượt rào.
Như vậy, với đề xuất của Kiev, khí đốt từ Nga bán cho EU vẫn trung chuyển qua Ukraine, phí trung chuyển vẫn thuộc về Ukraine, Nga và EU vẫn phải lệ thuộc cán cân lợi ích của Kiev, nhất là khi có Washington "giúp một tay".
Bên cạnh đó, chắc chắn Kiev sẽ có thêm khoản "lại quả" từ Washington vì đã giúp đảm bảo cho việc gia tăng lợi ích Mỹ. Thế là, Kiev được lợi đơn lợi kép trong trường hợp này và mọi việc đều hợp lý khiến EU không dễ phản kháng.
Rõ ràng, trong vị thế bị các đại cường liên tục chèn ép, Kiev sẵn sàng "chơi bẩn" để không bị thiệt hại hơn nữa, ngược lại còn thành ngư ông đắc lợi khi các đại cường rơi vào vòng xoáy xung đột lợi ích với nhau.
Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn