Ngày 31/7/2015, bốn ngân hàng thương mại nhà nước đã cùng ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn đầu tư xây dựng dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải của Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco 1).
Trung Quốc đang có hơn 1.300 dự án tại Việt Nam
- Cập nhật : 28/04/2016
(Kinh te)
Đứng thứ 9 về đầu tư tại Việt Nam song quy mô trung bình của các dự án từ Trung Quốc lại rất nhỏ, chỉ bằng phân nửa so với bình quân các doanh nghiệp FDI đến từ những quốc gia khác. FDI Trung Quốc chủ yếu tập trung tại những địa phương có hạ tầng thuận lợi, gần biên giới, nhiều người Hoa sinh sống.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Song quy mô trung bình mỗi dự án đầu tư của Trung Quốc chỉ hơn 7,7 triệu USD, bẳng khoảng 1/2 so với trung bình một dự án của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam (khoảng 14 triệu USD).
Tính lũy kế đến đầu tháng 3 năm 2016, Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) có tổng cộng 1.346 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,4 tỷ USD.
Các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 916 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,38 tỷ USD, chiếm 68% số dự án và 52% tổng vốn đầu tư. Các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc. Còn lại là các dự án đầu tư trong các lĩnh vực khác.
Trung Quốc hiện đã có đầu tư tại 54/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi, gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều người Hoa sinh sống như Lào Cai, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Bình Thuận là địa phương có số vốn đầu tư của Trung Quốc cao nhất, đạt hơn 2 tỷ USD với trên 5 dự án, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Ninh đứng thứ hai với 36 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Hà Giang đứng thứ ba với 5 dự án và tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Lào Cai, Bình Dương và các địa phương khác.
Cũng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.058 dự án, tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 78,6% số dự án và 54,3% tổng vốn đăng ký.
Trước đó, theo đánh giá của nhiều cơ quan, tổ chức, điểm yếu của các dự án FDI Trung Quốc chủ yếu là sử dụng công nghệ thấp, tập trung tại những lĩnh vực thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, dễ kèm theo các nguy cơ ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Thống kê của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, khoảng 70% các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng tài nguyên như dầu mỏ, sắt thép, xi măng, bauxite...
Hiện tại, Trung Quốc được cho là đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài nhằm đối phó với sự giảm tổng cầu của thị trường trong nước do giảm tốc kinh tế. Và theo Bộ Công Thương, thông qua công nghệ, Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu mô hình phát triển lạc hậu của mình sang các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần thận trọng trong thu hút đầu tư từ Trung Quốc, cần có sự sàng lọc kỹ lưỡng hơn và kiên quyết loại bỏ những dự án công nghệ thấp, giá trị gia tăng ít, tiềm tàng nguy cơ gây tổn hại đến môi trường.
Tại báo cáo mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho hay, tính đến hết năm 2015, Việt Nam mới có 15 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là khoảng hơn 16 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Đáng kể nhất là dự án xây dựng khu thương mại của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Trang (vốn đăng ký 3 triệu USD) và dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm cân đồng hồ lò xo của công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhơn Hòa (vốn đăng ký 6 triệu USD).