Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Sử dụng nguồn nhân lực CFA phát triển hệ thống tài chính Việt Nam
- Cập nhật : 17/06/2016
Sau cuộc gặp mặt của lãnh đạo Viện CFA và UBCKNN cuối tháng 5, NDH đã có cuộc trao đổi với ông Paul Smith, Chủ tịch kiêm CEO Viện CFA toàn cầu về định hướng của Viện CFA tại VN cũng như vai trò của Viện trong việc phát triển Hội các nhà phân tích tài chính tại VN.
Viện CFA (CFA Institute) có lịch sử lâu đời và hiện đã có mặt trên toàn thế giới. Ông có thể chia sẻ cho chúng tôi biết sự đóng góp của Viện CFA với thị trường vốn toàn cầu cũng như giá trị của mà Chứng Chỉ CFA mang lại cho các chuyên gia tài chính?
Ông Paul Smith: CFA Institute đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho đầu vào của lĩnh vực đầu tư thông qua việc cấp các chứng chỉ và việc qua hoạt động giáo dục chuyên nghiệp liên tục cho các chuyên gia đầu tư thông qua các sự kiện giáo dục. Tất cả đều dựa trên nền tảng đạo đức và hành vi ứng xử chuyên nghiệp để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và xã hội.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt ra chuẩn mực toàn cầu cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đầu tư thông qua các chuẩn mực do chúng tôi đề xướng: Bộ Quy tắc Đạo đức Chuyên nghiệp trong Ngành Quản Lý Tài sản và Bộ Tiêu chuẩn Toàn Cầu để Đánh giá Hiệu quả Đầu tư.
Hai bộ chuẩn mực này dựa trên nguyên tắc là mọi hoạt động cần hướng đến việc đảm bảo lợi ích của khách hàng luôn là mục tiêu tối thượng. Vậy đâu là giá trị chúng tôi mang đến cho các cá nhân thành viên và thị trường vốn? Đó chính là Dấu chứng nhận chất lượng mà các nhà đầu tư có thể tin tưởng.
Các Thị trường Mới nổi ở Châu Á được định vị như thế nào trong chiến lược của Viện CFA? Ông vui lòng cho biết kế hoạch của Viện CFA tại các thị trường mới nổi trong khu vực và tại Việt Nam?
Hiện nay các thị trường mới nổi tại châu Á là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đây là nơi người trẻ chiếm đa số, nhu cầu về giáo dục và tự học, tự rèn luyện mạnh mẽ nhất. Tại các quốc gia đang phát triển, chúng tôi nhận thấy sứ mệnh của mình tạo hiệu quả tích cực tốt nhất. Các thị trường đang phát triển cần nuôi dưỡng nhân tài và họ cũng cần nguồn nhân lực đó nhận ra điều đó để cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính lành mạnh, có lợi cho cả đất nước. Sứ mệnh của chúng tôi cũng đồng nhất với nhu cầu xây dựng và phát triển của Việt Nam.
Viện CFA đang chuẩn bị thành lập một hội nghề nghiệp cho các nhà phân tích tài chính tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ với chúng tôi về tổ chức tương lai này được không?
Như tôi đã nói, Viện CFA có sứ mệnh giúp đỡ những người trẻ tại Việt Nam đạt được mục tiêu nghề nghiệp cũng như giúp cộng đồng những người có Chứng Chỉ CFA đóng góp vào sự phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng tôi cần tập họp nguồn lực của những người đã có Chứng Chỉ CFA tại Việt Nam để giúp họ tự đáp ứng nhu cầu trau dồi chuyên môn liên tục và mở rộng mối quan hệ nghề nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, họ cũng sẽ phối hợp với chính phủ và các cơ quan quản lý để xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh. Điều này có thể được thực hiện hiệu quả hơn thông qua việc thành lập một hội nghề nghiệp cho các nhà phân tích tài chính tại Việt Nam. Tổ chức này sẽ tận dụng nguồn lực toàn cầu của CFA Institute để mang lại lợi ích cho đất nước này.
Tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, Chứng Chỉ CFA được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng, ông đánh giá thế nào về cơ hội nghề nghiệp cho những người có Chứng Chỉ CFA (về vị trí, lương,…)?
Nhiều vị trí trong ngành đầu tư ở Việt Nam và trên toàn thế giới yêu cầu Chứng Chỉ CFA của chúng tôi. Được đào tạo tốt về mặt kỹ thuật và có cam kết trau dồi chuyên môn liên tục, bạn sẽ luôn có lợi thế khi đi tìm việc bởi điều đó cho thấy bạn đã đầu tư vào tương lai của chính mình một cách đúng đắn nhất.
Ông có ý kiến như thế nào về cách Viện CFA đóng góp cho thị trường vốn và thành viên của thị trường tại Việt Nam (bao gồm cơ quan quản lý, tổ chức tài chính, các chuyên gia đầu tư và nhà đầu tư cá nhân) ?
Các cơ quan quản lý ở Việt Nam đang mong muốn phát triển thị trường phái sinh, các quỹ mở và các chương trình hưu trí. Dựa trên hàng chục năm kinh nghiệm và khả năng tiếp cận các thông lệ thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu, Viện CFA hoàn toàn có thể hỗ trợ trong các lĩnh vực trên. Các cơ quan quản lý cũng muốn nâng cao đạo đức và chuẩn mực làm việc trong lĩnh vực tài chính. Điều này chính là trọng tâm của Viện CFA Institute và chúng tôi có thể hỗ trợ được bằng cách cung cấp những chứng chỉ và các chương trình đào tạo chuyên môn thường xuyên.
Hiện nay, chúng tôi đang cho biên dịch sang tiếng Việt Bộ quy tắc đạo đức chuyên nghiệp trong Ngành Quản Lý Tài sản (Asset Management Code of Professional Conduct - AMC), Bộ Tiêu chuẩn Toàn Cầu để Đánh giá Hiệu quả Đầu tư (Global Investment Performance Standards -GIPS) và Tuyên bố của Viện CFA về Quyền của Nhà Đầu Tư (Statement of Investors Rights) . AMC và GIPS sẽ giúp thể chế hóa các chuẩn mực đạo đức và các thông lệ kinh doanh một cách cao nhất kể cả cho các chuyên gia đầu tư và các công ty quản lý tài sản. Trong khi đó, Tuyên bố của Viện CFA về Quyền của Nhà Đầu Tưsẽ giúp các nhà đầu tư riêng lẻ Việt Nam biết thêm về quyền của họ và những điều họ có thể mong đợi từ những người đang quản lý tiền của họ.
Ông đã tới thăm những thành viên chủ chốt của thị trường tài chính Việt Nam (Ủy Ban Chứng khoán Nhà Nước (SSC), Trung Tâm Đào tạo và Nghiên Cứu Chứng Khoán (SRTC), Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX), Công ty CP Chứng Khoán SSI, Công ty CP Chứng Khoán TP. HCM (HSC). Ông có thể vui lòng chia sẽ kết quả thu được từ những buổi làm việc này
Chúng tôi tiếp tục xây dựng mối quan hệ giữa những thành viên quan trọng của thị trường tài chính Việt Nam để tìm cách hỗ trợ, đóng góp tốt nhất cho họ. Trong tất cả những buổi làm việc, chúng tôi luôn nhận được sự tiếp đón nồng hậu và hỗ trợ hết mình từ các cơ quan và tổ chức nói trên. Hiện, Viện CFA đang cùng triển khai một số dự án giáo dục và nghiên cứu được mong đợi sẽ mang lại lợi ích chung cho thị trường vốn của Việt Nam.
Với những hiểu biết về thị trường của mình, ông đánh giá thế nào về thị trường tài chính của Việt Nam nói chung và thị trường vốn nói riêng? Đâu là điểm khác biệt của thị trường vốn Việt Nam trong 2 lần ông tới đây?
Các thị trường vốn của Việt Nam còn khá trẻ so với thế giới nhưng đã phát triển mạnh mẽ và có uy tín cao tại thị trường châu Á. Mối liên hệ hợp tác gần đây với khối ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục phát triển. Đầu đã “xuôi” và chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ tiếp tục có những cuộc cải cách về khả năng tiếp cận thị trường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề quản trị doanh nghiệp nói chung, khung pháp lý dành cho quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí.
Có xuất phát điểm muộn là lợi thế của Việt Nam bởi thị trường vốn tại đây có thể học hỏi từ những sai lầm của các quốc gia khác trong khu vực nhằm xây dựng cở sở hạ tầng có chất lượng tốt nhất. Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra và rất vui mừng bởi chúng tôi có cơ hội đóng góp một cách tích cực cho quá trình này.
Chính quyền đã cam kết cải cách và Việt Nam rất may mắn bởi họ đang có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, thông minh, giáo dục chuyên môn tốt. Họ sẽ là những người thúc đẩy sự phát triển.
Ông Paul Smith, CFA
Chủ tịch kiêm CEOCFA Institute
Ông Paul Smith điều hành CFA Institute và hơn 130.000 thành viên trên toàn thế giới với mục tiêu thúc đẩy những tiêu chuẩn giáo dục, đạo đức và tính chuyên nghiệp trong ngành đầu tư lên tầm cao nhất. Ông Smith gia nhập CFA Institute vào năm 2012 với tư cách giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giám sát việc mở rộng hiệp hội ra hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Sau đó, ông Smith được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo bộ phận Đối tác Tổ chức. Tại đây, ông chịu trách nhiệm két nối với các doanh nghiệp, nhóm và tổ trức có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp đầu tư toàn cầu. Vào tháng 1/2015, ông Smith được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CFA Institute.
Ông Smith đã giữ nhiều vị trị quan trọng tại các trung tâm tài chính 30 năm qua. Qua đó, ông mang tới cho CFA Institute kinh nghiệm lãnh đạo sâu rộng trong lĩnh vực quản lý đầu tư. Sự nghiệp của ông Smith bắt đầu với vị trí quản lý tài sản tại công ty quản lý quỹ Ermitage International và dần dần phát triển sự nghiệp trên khắp các công ty tại châu Âu trong 11 năm qua. Ông Smith giữ vị trí CEO tại 7 công ty gần nhất ông phục vụ.
Năm 1996, ông Smith chuyển tới làm việc tại châu Á khi trở thành Giám đốc khối Dịch vụ Chứng khoán của Bank of Bermuda in Hồng Kông. Tới năm 2004, ông chuyển sang vị trí Giám đốc toàn cầu quỹ phòng ngừa rủi ro tại HSBC khi ngân hàng này mua lại Bank of Bermuda. Vào thời điểm đó, ông làm việc tịa Hồng Kông và New York, nơi ông chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ cho 2.000 quỹ đầu tư và khối tài sản hơn 250 tỷ USD. Năm 2011, ông được thăng chức trở thành Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ Quỹ.
Trước khi gia nhập CFA Institute, ông Smith cũng đã theo đuổi vai trò kinh doanh mạo hiểm. Ông từng sáng lập và giữ vai trò CEO tại công ty quản lý đầu tư Asia Alternative Asset Partners trong 6 năm. Tạp chí Asian Investor đã bình chọn ông là 1 trong 25 Người có Ảnh hưởng nhất tới các Quỹ Phòng ngừa Rủi ro tại Châu Á.
Với 18 năm kinh nghiệm tại châu Á, ông Smith hiện đang hoạt động trong công đồng đầu tư Alternative Investment Management Association tại Hồng Kông với vai trò là một thành viên của Ban chấp hành. Bên cạnh đó, ông cũng là thành viên trong HĐQT tại mối số quỹ châu Á khác trong những năm qua.
Không chỉ tham gia Hiệp hội CFA, ông Smith còn là thành viên của hiệp hội kế toán Institute of Chartered Accountants của Anh và xứ Wales và từng là một kiểm toán viên tại Pricewaterhouse (London) trong 4 năm đầu sự nghiệp.
Ông Smith có bằng thạc sỹ về lịch sử tại Đại học Oxford.
(Theo Người Đồng Hành)