Lạm phát 9 tháng đầu năm nay ở mức rất thấp (0%), cộng thêm 70% doanh nghiệp (DN) kinh doanh hiện không có lãi khiến cộng đồng DN đang chờ đợi hệ thống ngân hàng sớm giảm lãi suất, nới rộng room tín dụng. Thế nhưng, hệ thống ngân hàng lại tỏ ra vô cùng thận trọng với việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản: Nên hay không...
- Cập nhật : 29/09/2015
(Tai chinh)
Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là vấn đề được nhiều các chuyên gia và ĐBQH quan tâm trong dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa có được sự ngã ngũ đó là nên hay không nên quy định. Các ý kiến lý giải về các phương án vẫn chưa thực sự thuyết phục. Và xử lý thế nào cho phù hợp vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ..
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, điều 475 dự thảo Bộ luật Dân sự(sửa đổi) nhận được nhiều quan điểm khác nhau của các chuyên gia cũng như của các ĐBQH. Với những ý kiến đồng tình với quy định về quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì cho rằng đây là điều hết sức cần thiết. Điều này sẽ tạo nên sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi.
Ủng hộ quan điểm này từ góc độ của cơ quan xét xử, phát biểu tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách vừa qua, Phó chánh ánh Tòa án nhân dân Tối cao Tống Anh Hào cho biết, thực tiễn xét xử, tòa án căn cứ vào điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành để giải quyết vấn đề này. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nên dù là sự thỏa thuận của các bên, nhưng để chống cho vay nặng lãi thì phải có quy định lãi suất trần. Nếu không có quy định này thì làm sao xác định tội cho vay nặng lãi? Dù pháp luật quy định có sự thỏa thuận trên cơ sở tự do ý chí nhưng cũng phải quy định mức trần để biết rằng khi “anh” vượt qua mức đó thì có nghĩa là “anh” cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, theo ông Hào, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hiện vẫn đưa ra hai phương án, phương án 1 là không quá 20%/năm, phương án 2 là không quá 200% lãi suất cơ bản, mặc dù cả hai phương án này đều có quy định trần nhưng điều này cần phải cân nhắc. Vì nếu quy định cứng 20%/năm, sau này khi tiền tệ có biến động, nếu muốn điều chỉnh thì phải sửa luật. Hơn nữa, khi xét xử hiện nay thì tòa án vẫn căn cứ theo lãi suất cơ bản. Nếu quy định theo lãi suất cơ bản thì sẽ linh hoạt hơn. Vì vậy, cần phải tính toán, cân nhắc phương án cho phù hợp nhưng vẫn phải có quy định lãi suất trần, ông Hào nhấn mạnh.
ĐBQH Trần Anh Sơn (Nam Định) khẳng định, dứt khoát phải có quy định về vấn đề này. Nếu không có quy định thì không thể có căn cứ để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vấn đề đặt ra là nên đưa ra mức quy định như thế nào cho phù hợp và bảo đảm tính lâu dài của luật, ông Sơn lưu ý.
Tại cuộc Tọa đàm về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tổ chức mới đây, Giáo sư Trường Đại học Meiji (Nhật Bản) Niimi Ikufumi chỉ ra một thực tế rằng, trong trường hợp hai bên quên không thỏa thuận thì có thể sẽ xảy ra trường hợp bên có thế lực hơn tức là bên cho vay sẽ xác định mức lãi suất rất cao đối với bên đi vay. Trong trường hợp này cần phải xem xét vấn đề mang tính xã hội là phải ngăn chặn, phải hạn chế lãi suất để tránh tình trạng cho vay nặng lãi. Và pháp luật đã đưa ra quy định về hạn chế lãi suất. Mức lãi suất nào là phù hợp thì còn phụ thuộc vào kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như quan niệm của từng nước.
Giáo sư Niimi Ikufumi cũng lưu ý rằng, lãi suất có khác nhau giữa cho vay có bảo đảm và cho vay không có bảo đảm. Lãi suất cho vay có bảo đảm thì thấp hơn cho vay không có bảo đảm vì cho vay không bảo đảm có sự rủi ro cao. Vì vậy, trong trường hợp pháp luật xem xét đến vấn đề hạn chế lãi suất thì cũng cần phân biệt rõ ràng giữa cho vay có bảo đảm và cho vay không có bảo đảm và cần tính đến quan niệm trong xã hội về tính hợp lý để có quy định cho phù hợp.
Nên hay không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu?
Khoản 3, Điều 475 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác. Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác.
Có ý kiến cho rằng nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự, không nên sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu.
Điều này được lý giải bởi, theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là lãi suất chung với mục đích để điều hành tiền tệ, không mang tính thị trường, lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau. Chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không. Do đó, việc sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể tham gia giao dịch dân sự trên thực tế.
Hơn nữa, việc quy định cụ thể mức lãi suất trong Bộ luật Dân sự như 20%/năm/nợ gốc sẽ bảo đảm tính minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến phân tích, nếu quy định lãi suất cơ bản thì không khác gì lãi suất tham chiếu như lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ… đều là những lãi suất không phổ biến với người dân. Hơn nữa, lãi suất cơ bản hay các lãi suất khác thì đều có sự thay đổi, và mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau và đòi hỏi cần phải có sự tham chiếu khá phức tạp. Do đó, để dễ thực thi pháp luật, để những đối tượng trong quan hệ dân sự nhận thức được và hiểu rõ ngay từ đầu thì đồng tình với phương án 1 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tức là không tham chiếu vào một lãi suất nào cả, mà quy định một mức lãi suất cứng là 20% để dễ xử lý, ông Tiến đề nghị.
Việc nên hay không nên quy định mức lãi suất cứng hay lãi suất cơ bản vào trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này là điều mà Ban soạn thảo và các nhà lập pháp cần phải tính toán kỹ lưỡng để vừa kiểm soát được tình trạng vay nặng lãi, vừa bảo đảm được sự vận hành của nền kinh tế theo đúng cơ chế thị trường.
Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.